Bài 2: Xóa bỏ “rào cản” vì một nền báo chí cách mạng
(ĐCSVN) – Nhiệm vụ của báo chí cách mạng là phải kịp thời thông tin phản bác những hoạt động sai trái, định hướng dư luận. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn một số tờ báo và một số nhà báo chạy theo những lợi ích tầm thường, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị khuếch đại, xuyên tạc chống phá. Đây là những “rào cản” không nhỏ cần phải khắc phục trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
(ĐCSVN) – Nhiệm vụ của báo chí cách mạng là phải kịp thời thông tin phản bác những hoạt động sai trái, định hướng dư luận. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau dẫn đến vẫn còn một số tờ báo và một số nhà báo chạy theo những lợi ích tầm thường tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị khuếch đại, xuyên tạc chống phá. Đây là những “rào cản” không nhỏ cần phải khắc phục trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của báo chí.
Có thể nói trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, một số cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, đề cao vật chất, rời xa tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thậm chí đu bám theo trào lưu phê phán thiếu cơ sở, thiếu tinh thần xây dựng.
Cụ thể, ngày 22/10/2021, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Tạp chí Tri thức xanh là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí in trong 4 tháng và gần 100 triệu đồng với 4 vi phạm. Trong đó có vi phạm do thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo chí và thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích gây ảnh hưởng nghiêm trọng…
Trong tháng 2/2022, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Tạp chí điện tử Môi trường xây dựng với tổng số tiền phạt 100 triệu đồng do 2 hành vi vi phạm: Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng, vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí năm 2016; đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín của UBND phường Ngọc Thụy, vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí năm 2016.
Đó chỉ là hai trong số các vi phạm của các cơ quan báo chí thời gian qua đã bị các cơ quan chức năng xử phạt vì những vi phạm trong quá trình hoạt động. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2018 đến năm 2020, Bộ đã ban hành 56 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng, trong đó tước quyền sử dụng có thời hạn đối với 3 cơ quan báo chí; thu hồi 10 thẻ nhà báo do có sai phạm, thông tin sai sự thật và thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động báo chí”. Năm 2021 đã xử phạt 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền trên 780 triệu đồng; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền gần 468 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 1 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
Không chỉ là những vi phạm bị xử phạt nêu trên, nền báo chí cách mạng vẫn còn một số những tồn tại làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động dựa vào để công kích Đảng, bôi xấu chế độ. Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, còn một số phóng viên dao động về lập trường tư tưởng do chưa được đào tạo bài bản, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp, đề cao danh vị, đồng tiền và vốn sống; có trường hợp bị một số thế lực xấu dụ dỗ, lôi kéo, nên đã có những bài viết vi phạm đạo đức, pháp luật; gây khó dễ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó là tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận…
Chưa hết, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước...; có trường hợp cấu kết với một số đối tượng xấu nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo, đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái…
Cùng với những vi phạm lớn nêu trên thì nền báo chí cách mạng cũng còn nhiều những bất cập trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã được các đồng chí lãnh đạo, quản lý báo chí nêu ra. Đó là các bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng và Nhà nước ta về số lượng chưa nhiều, chưa sâu, nội dung chưa phong phú, đa dạng.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn cho rằng, không chỉ xa rời tôn chỉ, mục đích, một số cơ quan báo chí còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa thật sự tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và đòi hỏi của tình hình thực tiễn, nhất là trong những sự kiện “nóng” hoặc những vấn đề “nhạy cảm”. Trên phương diện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của báo chí nói chung và trên mặt trận chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch nói riêng, vẫn còn không ít các cơ quan báo chí còn chưa thực sự chủ động, nhạy bén, sắc sảo trong đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Thậm chí một số tờ báo có lượng độc giả cao nhưng cũng không chú trọng nhiều đến mảng thông tin phản bác, định hướng mà chạy theo xu hướng, nhu cầu độc giả tầm thường. Chưa có nhiều tác phẩm báo chí có chiều sâu về lý luận và thực tiễn để đấu tranh trực diện với những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch. Vì thế, ở một số sự kiện, tính định hướng và sức lan tỏa từ các báo và tạp chí chưa cao.
Từ thực tiễn của địa phương, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thẳng thắn nhìn nhận từ các cơ quan báo chí của tỉnh Bắc Giang cho thấy, sức thuyết phục của các bài viết đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch nhìn chung chưa cao; chưa có những tác phẩm chất lượng cao, những ngòi bút sắc bén; chủ yếu là khai thác, đăng phát lại từ một số cơ quan báo chí lớn của Trung ương. Trong khi đó, một số chính sách của Nhà nước chưa hoàn thiện, còn bất cập; một số cán bộ, đảng viên mắc sai phạm nghiêm trọng; còn có những doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng kẽ hở của luật pháp để kiếm lợi bất minh..., để các thế lực thù địch lợi dụng công kích, bôi nhọ, khiến công chúng mất cảnh giác, sẵn sàng tiếp nhận. Điều này gây rất nhiều khó khăn đối với cơ quan báo chí trong định hướng dư luận. Một số lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo chỉ đạo của chính quyền cơ sở để khoét sâu phân tích, bình luận theo hướng không xây dựng... đã phần nào gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực to lớn đến đông đảo công chúng, làm giảm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và chế độ…
Chưa hết, TS Văn Thị Thanh Mai, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo cũng cho rằng, nhìn thẳng vào thực tế cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng cũng có thể thấy những hạn chế, bất cập trong việc chủ động phòng và chống thông tin xấu, độc theo nhiều cấp độ, nhiều tầng nấc; trong việc phát huy thế mạnh của các cơ quan báo chí khi tham gia tác chiến như: còn chưa nhanh nhạy, thiếu chủ động, chưa kiên quyết, phản ứng chậm và không kịp thời trước các quan điểm sai trái, thù địch.
Cùng với đó là chất lượng của các tuyến tin, bài, video, phóng sự, chuyên luận… chưa cao; phương pháp bảo vệ và đấu tranh nhiều khi còn thiếu khoa học, giản đơn; lập luận chưa mạch lạc, khúc chiết… Cũng còn thiếu sự kết hợp đấu tranh trực diện và gián tiếp để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các chuyên trang, chuyên mục của từng cơ quan báo chí cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với nhau theo một kịch bản chặt chẽ, được tổ chức thành chiến dịch thống nhất, đa dạng, rộng rãi, sâu sắc, để tăng tính hiệu quả và sức lan tỏa…
Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến cho rằng, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đòi hỏi người làm báo phải am hiểu và nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhưng đáng buồn hiện nay, có một bộ phận những người làm báo chưa tích cực học tập lý luận chính trị, chưa trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngại va chạm thực tiễn, né tránh những vấn đề gai góc. Một số nhà báo đưa tin thiếu sự kiểm chứng, chạy theo tâm lý nhất thời của đám đông; vội vàng, cẩu thả trong cách giật tít, câu view, câu like, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, gây bức xúc dư luận, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá.
Ở góc nhìn quản lý, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cũng lưu ý về thực trạng một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình; chưa nắm chắc các quy định để chỉ đạo, định hướng, quản lý cơ quan báo chí trực thuộc; chưa coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chưa làm tốt công tác tư tưởng dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp trong cơ quan báo chí; vẫn để xảy ra tình trạng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; không kiểm tra, giám sát sinh hoạt Đảng, cá biệt có cơ quan chủ quản can thiệp trái quy định vào hoạt động của cơ quan báo chí...
Sức mạnh của báo chí là ở thông tin, chính vì lẽ đó mà có nhà báo lợi dụng sức mạnh của truyền thông để “lộ, lọt” những thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước. Một số nhà báo do nhận thức chính trị hạn chế nên khai thác, xử lý thông tin không phù hợp, khoét sâu vào những vấn đề còn đang gây tranh cãi, không lường hết được phản ứng của dư luận, công chúng, để xảy ra những cuộc “khủng hoảng truyền thông”, đẩy câu chuyện, sự kiện đi quá xa so với mục tiêu, ý định ban đầu, nhất là trên diễn đàn không gian mạng xã hội, tạo cớ cho kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
Những hạn chế, bất cập trên là những rào cản, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay. Đây cũng là những vấn đề cần được nhận diện đầy đủ để có biện pháp, phương hướng xử lý, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.
Thực hiện: Nhóm PV
Bài 1: Vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng
Bài 2: Xóa bỏ “rào cản” vì một nền báo chí cách mạng
Bài 3: Phát huy mạnh mẽ sự nghiệp “phò chính, trừ tà”
Bài 4: “Xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt
Bài 5: Mỗi cơ quan báo chí là một “pháo đài” chính trị, mỗi nhà báo là một “chiến sỹ”