Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gương sáng đảng viên nơi biên giới Mo Rai

Thứ Hai, 30/09/2024 22:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đó là anh A Thái (SN 1992, dân tộc Rơ Măm) - Bí thư kiêm Trưởng thôn làng Le (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), có nhiều thành tích trong phong trào xây dựng an ninh, trật tự vùng biên giới và phát triển kinh tế gia đình.

Sinh ra trên quê hương cách mạng

Anh A Thái (bên phải) hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Mo Rai là xã biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia, cách trung tâm thành phố Kon Tum hàng trăm km. Do địa hình nhiều đèo dốc, nên giao thông gặp nhiều khó khăn, vào mùa mưa phải đi lại hết 3-4 tiếng. Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã nuôi giấu cán bộ, bộ đội giải phóng và tham gia kháng chiến. Phát huy truyền thống của quê hương, anh A Thái đã cố gắng học hành, đến tháng 2/2012 nhập ngũ vào Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 990 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum. Sau 6 tháng huấn luyện với sự nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu không mệt mỏi, anh được cử đi học trinh sát tại Quân khu 5 ở Đà Nẵng, rồi trở về đơn vị làm Tiểu đội trưởng Đại đội Trinh sát, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, và được kết nạp vào Đảng tháng 8/2013. Nhờ năng động, nhanh nhẹn trong huấn luyện cũng như trong chỉ huy tiểu đội trinh sát, hai năm liền (2013 - 2014), anh được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua.

Với suy nghĩ đổi mới và tình yêu quê hương tha thiết, anh đã quyết định ôn thi và đã đỗ ngành Luật (hệ vừa học vừa làm) của Đại học Đà Nẵng phân hiệu tại Kon Tum. Tháng 12/2015, anh xin xuất ngũ trở về làng Le sinh sống.

Tại đây, anh thường giúp đỡ bà con, chịu thương chịu khó làm ăn, tham gia sinh hoạt với các cơ quan, đoàn thể, đoàn thanh niên và được tín nhiệm bầu làm phó thôn (7/2016) rồi trưởng thôn (9/2018).

Đảng viên làm kinh tế giỏi

Dù đang tham gia khóa học tại trung tâm thành phố Kon Tum, nhưng những ngày được nghỉ hay hết học kỳ là anh lại nhanh chóng sắp xếp về lại làng để phụ giúp việc gia đình và lo công việc của làng, của thôn. Trong công việc, anh A Thái thường đến từng hộ dân thăm hỏi, động viên bà con đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, trồng, chăm sóc, phòng bệnh và kỹ thuật cạo mủ cao su, trồng sắn, trồng lúa nước, đổi công với nhau.

Bên cạnh đó, anh còn vận động bà con nhất là người đồng bào dân tộc Rơ Măm gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống như hát dân ca của người dân tộc, giao lưu lễ hội Cồng chiêng dịp cuối năm khi mùa xuân về. Đồng thời, phối hợp với bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân không qua biên giới trái phép; giúp dân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng; không uống nhiều rượu, bia; tuyên truyền xóa bỏ hủ tục; khi có người lạ mặt tới có hành vi, hành động hay tuyên truyền quấy rối, chống phá Đảng và Nhà nước thì phải báo ngay cho thôn, chính quyền và các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, năm 2018, anh có sáng kiến thành lập Đội tự quản thôn bao gồm: Dân quân, Công an viên, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Thôn trưởng, chia làm 3 tổ, mỗi tổ 4 người thực hiện tuần tra liên tục từ 9 giờ 30 tối đến gần sáng. Những ngày lễ tết, Đội tự quản thay nhau trực thâu đêm tới sáng, nhờ đó đã giải tán và xử lý được nhiều vụ người dân uống rượu bia đánh lộn, mất trật tự công cộng và an ninh thôn, làng. Tình trạng trộm cắp vặt, thanh niên tụ tập uống rượu, bia, chạy xe lạng lách, đánh võng, nẹt pô không còn xảy ra, nhất là không còn tình trạng đốt pháo.

Tháng 4/2020, A Thái được bầu làm Bí thư kiêm Trưởng thôn làng Le, đại biểu Hội đồng Nhân dân xã và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhận nhiều hình thức khen thưởng từ cấp xã đến cấp huyện.

Là cán bộ đảng viên gương mẫu làm kinh tế giỏi, mỗi năm anh trồng 3 héc ta sắn (trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng), 3,6 héc ta điều (trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng), 4 sào lúa nước đủ nhu cầu gia đình và 4,5 héc ta cao su. Ngoài ra, anh đầu tư thêm máy xúc để đào hố cao su, làm đường, máy cày vận chuyển phân, đất cho bà con, xe ben để chở sắn và hàng hóa khác, hàng năm trừ chi phí cũng mang về cho gia đình khoảng 450 triệu đồng. Nhờ thế, anh vừa xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Có thể thấy, tấm gương và hành động thực tế của anh A Thái đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế cũng như mang lại sự bình yên cho vùng biên của Tổ quốc./.

Bài, ảnh: Lê Trọng Sáng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN