Chư Pưh sau 3 năm triển khai câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"
(ĐCSVN) - Sau 3 năm triển khai, đến nay, huyện Chư Pưh đã thành lập được 2 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Việc thành lập câu lạc bộ không chỉ hỗ trợ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em mà còn hỗ trợ các thầy cô giáo thực hiện tốt chương trình giáo dục cho học sinh, ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn ở trẻ...
Với em Rmah H'Liên, lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng, xã Chư Don - thành viên câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", sau khi tham gia câu lạc bộ, em nhận thức được rằng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là trẻ em gái và cả em bé khi được sinh ra. "Các bạn còn chưa đủ tuổi kết hôn, tạo gánh nặng cho xã hội, cần lập tức chấm dứt tình trạng này. Em sẽ tích cực tuyên truyền tới bạn bè, người thân về việc không nên kết hôn khi chưa đủ tuổi", Rmah H'Liên nói.
Nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng, em Rmah Siu H' Raen, lớp 9 chia sẻ: "Em rất vui nhưng cũng rất lo lắng. Vui vì biết mình sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, thông tin bổ ích, giúp cho bản thân và nhiều người bạn chưa biết cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thường ngày. Còn lo lắng bởi trách nhiệm được giao không biết có đảm đương được tốt hay không!".
Thành viên câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng ra mắt - Ảnh: Nhật Hào |
Thầy giáo Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đoàn trường, Dẫn trình viên câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" Trường Tiểu học và THCS Kpã Klơng thông tin, trường có gần 90% học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cộng đồng Jrai hiện vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu như: tảo hôn, một số hủ tục trong cưới hỏi vẫn còn nặng nề. Vì thế, việc câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đi vào hoạt động mang theo hy vọng mang đến cho các em những cơ hội để mở mang kiến thức, thay đổi bản thân, góp phẩn thay đổi gia đình, cộng đồng".
"Ngoài việc sinh hoạt câu lạc bộ định kỳ hằng tháng, chúng tôi áp dụng hình thức sinh hoạt lồng ghép trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Các diễn đàn như: "Xây dựng tình bạn đẹp": "Nói không với bạo lực học đường"; "Chương trình ngoại khóa, giao lưu tìm hiểu pháp luật về hôn nhân cận huyết thống'... đã giúp các em có thêm nhiều kiến thức và thông tin bổ ích. Chúng tôi rất mong các em trở thành tuyên truyền viên tích cực để truyền tải các thông điệp về bình đẳng giới đến gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội", thầy Trung bày tỏ.
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pưh Nguyễn Thị Thùy cho rằng, câu lạc bộ là mô hình thiết thực và phù hợp với trẻ em, nhất là trẻ em gái nhằm hướng đến mục tiêu tuyên truyền về bình đẳng giới.
"Sau 3 năm triển khai, đến nay, huyện Chư Pưh đã thành lập được 2 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng, xã Chư Don và Trường THCS Phan Bội Châu, xã Ia Hrú. Trẻ em nơi đây có phần nhút nhát, e dè, không dám thể hiện mình. Sau khi tham gia câu lạc bộ, tâm lý của các em có sự thay đổi, đã mạnh dạn nói lên ước mơ, suy nghĩ của mình", bà Nguyễn Thị Thùy đánh giá.
Bà Rơ Chăm H'Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai nhận định, lựa chọn các học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tham gia câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là sự lựa chọn đúng đắn, bởi đây là lứa tuổi đang phát triển rất cần những thông tin hữu ích giúp các em tự tin trong cuộc sống sau này.
Mỗi câu lạc bộ có 30 thành viên là học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, trong đó Ban chủ nhiệm gồm 3- 5 người. Các thành viên được khuyến khích tham gia các diễn đàn đối thoại với cha mẹ, thầy cô, lãnh đạo chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, việc thành lập câu lạc bộ không chỉ hỗ trợ chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em mà còn hỗ trợ các thầy cô giáo thực hiện tốt chương trình giáo dục cho học sinh, ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn ở trẻ em...
Cùng với câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", sau 3 năm triển khai những hoạt động thiết thực thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719), bước đầu đã và đang góp phần xoá bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xóa bỏ những tập tục văn hoá có hại; cũng như giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Chư Pưh.