Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện Bắc Hà
(ĐCSVN) - Thông qua hoạt động, các câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" không chỉ hỗ trợ cấp ủy, chính quyền, cha mẹ học sinh trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, mà bản thân các thành viên còn được trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp các em biết tự bảo vệ mình từ đó, thúc đẩy sự tham gia chủ động của trẻ vào các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.
Năm 2022, trong khuôn khổ Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”,13 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã được thành lập ở 13 xã thuộc huyện Bắc Hà với sự tham gia của 390 trẻ em độ tuổi từ 11 - 14 tuổi, trong đó có 231 học sinh nam và 159 học sinh nữ.
"Định kỳ, các câu lạc bộ hoạt động hằng tháng với nhiều nội dung liên quan đến bình đẳng giới và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Các em cũng có nhiều cơ hội giao lưu giữa các câu lạc bộ với nhau, vừa có thêm kiến thức, vừa tự tin thể hiện vai trò và phát huy ý nghĩa của câu lạc bộ", bà Bùi Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bắc Hà cho hay.
13 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã được thành lập ở 13 xã thuộc huyện Bắc Hà với sự tham gia của 390 trẻ em độ tuổi từ 11 - 14 tuổi, trong đó có 231 học sinh nam và 159 học sinh nữ |
Là một trong các thành viên của câu lạc bộ, em Vàng Thị Hà, học sinh Trường THCS và THPT Bắc Hà (tiền thân là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lùng Phình) chia sẻ: "Trước kia em khá nhút nhát nhưng khi tham gia câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" em đã tự tin hơn, làm chủ được suy nghĩ và nhận thức của mình. Câu lạc bộ cũng tổ chức nhiều buổi nói chuyện về nạn tảo hôn nên em cũng nhận thức được việc kết hôn sớm sẽ mang đến nhiều hậu quả về sức khỏe cho bản thân và em bé. Em hiểu rằng, muốn có một tương lai tốt đẹp thì trước mắt nên học tập cho thật tốt, có công ăn việc làm sau đó mới tính đến việc lập gia đình". Mô hình câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" của Trường THCS và THPT Bắc Hà có 30 học sinh, trong đó có 17 học sinh nữ và 13 học sinh nam, đều là người dân tộc thiểu số cũng là 1 trong 2 mô hình điểm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thành lập và hoạt động câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trên toàn quốc.
Còn với Sùng Thị Kiều Trang, học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học & THCS xã Bản Liền, 2 năm tham gia câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, em thật sự đã thay đổi. Sự bẽn lẽn, ngại xuất hiện trước đám đông của cô bé Trang ngày nào giờ đây đã hoàn toàn được thay thế bởi một cô gái đầy tự tin điều hành, phát biểu trước đám đông. Chính sự thay đổi này giúp Trang vinh dự được nhận giải thưởng Vừ A Dính năm 2024. “Sau khi tham gia câu lạc bộ, chúng em đã được rèn luyện nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình trước đám đông để tự tin hơn”, Trang không ngại ngần chia sẻ bí quyết.
Là Tổng phụ trách Đội, Dẫn trình viên câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" Trường PTDT bán trú - THCS Bản Phố, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh nhận định, thành viên nòng cốt có ảnh hưởng rất tốt tới các bạn trong lớp. "Hầu hết học sinh trong trường là người dân tộc Mông nên trong giao tiếp các em có chút e dè, nhưng từ khi tham gia câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi", tôi nhận thấy các em đã tự tin và mạnh dạn hơn nhiều. Một số bạn có sức ảnh hưởng lớn tới các bạn. Khi biết có bạn cùng lớp muốn nghỉ học để đi lấy chồng hay yêu sớm gây ảnh hưởng việc học tập, các thành viên câu lạc bộ đã kiên trì khuyên nhủ, là "địa chỉ tin cậy" để bạn mình thổ lộ và kết quả là các bạn ấy đã có sự thay đối, tập trung cho việc học".
Hơn 100 thành viên câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tham gia truyền thông về chủ đề an toàn trên không gian mạng |
Theo dõi hoạt động của câu lạc bộ, thầy giáo Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú - THCS Bản Phố, ghi nhận, từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả như phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, quyền trẻ em. Khi nghe thông tin một bạn học sinh nữ lớp 9 có ý định kết hôn, các thành viên câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã phân tích, vận động thành công khiến nữ học sinh kia thay đổi quyết định và vẫn tiếp tục đi học. Bên cạnh đó, các hình thức tuyên truyền cũng rất đa dạng như: tố chức tuyên truyền dưới cờ, diễn tiểu phẩm, văn nghệ lồng ghép các vấn đề tới tất cả học sinh trong trường. Câu lạc bộ còn chủ động kết hợp với các đoàn thể trong xã để tuyên truyền tới tất cả bà con trong thôn, bản.
Bà Giàng Sín Xuyển, Chủ tịch Hội LHPNLiên hiệp phụ nữ xã Lùng Phình cho rằng, khi triển khai các câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" thì một điều thuận lợi là các em học sinh ở bán trú, chính vì vậy các hoạt động được triển khai dễ dàng tại nhà trường. Các em không chỉ tuyên truyền về kiến thức đã được học mà còn giới thiệu cho các bạn ở trong trường về Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" để cùng tham gia".
Theo ông Trần Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà, có nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Dự án 8 trên địa bàn huyện. "Huyệnđã thành lập 66 tố truyền thông cộng đồng với sự tham gia của 490 thành viên là người có uy tín, có năng lực truyền thông; tổ chức 102 cuộc truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, thu hút hàng nghìn người tham gia; thành lập 8 mô hình "Địa chỉ tin cậy" với gần 130 thành viên; thành lập 13 câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại 13 trường học. Các hoạt động của Dự án 8 đã bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của phụ nữ từ gia đình đến xã hội"./.