Bài 2: Thừa Thiên Huế: Trung tâm y tế chuyên sâu, giáo dục có vị thế trong và ngoài nước
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế tập trung mọi nguồn lực để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đó sẽ là trung tâm của vùng và cả nước về y tế chuyên sâu; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…
Vươn tầm "Trung tâm y tế chuyên sâu"
Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về y tế chuyên sâu, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 9/8/2021 với mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế địa phương bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Đồng thời, xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế là trung tâm y học chuyên sâu của cả nước, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; có cơ sở vật chất và trang, thiết bị hiện đại, đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế, hình thành khu y tế công nghệ cao.
Theo đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu: “Không có Bệnh viện Trung ương Huế, không có Trường ĐH Y Dược Huế thì ngành Y tế Thừa Thiên Huế không hơn gì nhiều so với các địa phương khác nhưng chúng tôi có và đây là lợi thế lớn của Thừa Thiên Huế”.
Trường đại học Y Dược Huế - cái nôi đào tạo bác sĩ hàng đầu trong cả nước. |
Lò” đào tạo bác sĩ ở Huế “trình làng” từ tháng 3/1957 khi Trường đại học Y khoa Huế chính thức được thành lập. Cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Huế có uy tín là cái nôi đào tạo bác sĩ hàng đầu trong nước. Trước khi có trường Y, đất Cố đô đã nổi tiếng với nhiều bác sĩ tên tuổi; tiêu biểu như bác sĩ Hồ Đắc Di - người Việt duy nhất trước năm 1945 được Hội đồng Giáo sư Trường đại học Y Dược Hà Nội bầu làm PGS, rồi GS. Hay GS. Tôn Thất Tùng - người nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu về gan…
Bệnh viện Trung ương Huế - vai trờ hạt nhân trong mục tiêu xây dựng "Trung tâm Y tế chuyên sâu". |
Thương hiệu “Bác sĩ Huế” càng được khẳng định cùng với sự phát triển không ngừng của Bệnh viện Trung ương Huế - Bệnh viện Tây y đầu tiên ở Việt Nam (thành lập năm 1894) và là bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế. Với vai trò hạt nhân trong mục tiêu xây dựng “Trung tâm y tế chuyên sâu”, Bệnh viện Trung ương Huế rất quan tâm đến công tác đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế hiện đại và triển khai các kỹ thuật cao mang tầm quốc gia và quốc tế.
Gần đây, bệnh viện Trung ương Huế tăng cường nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại và trang thiết bị tiên tiến giúp chẩn đoán chính xác hơn. Các trang thiết bị hiện đại bao gồm hệ thống MRI 1.5 Tesla, hệ thống CT32, CT 512 lát cắt, hệ thống PACS, máy xạ trị gia tốc tuyến tính, hệ thống giàn nội soi 3D, 4K, hệ thống nội soi mềm HTSA hiện đại nhất Việt Nam và các máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học hiện đại hoàn toàn tự động…
Bệnh viện không ngừng lớn mạnh với đội ngũ thầy thuốc có trình độ cao gần 4.100 người. Với 3 cơ sở và gần 5 nghìn giường bệnh, Bệnh viện Trung ương Huế có quy mô lớn nhất Việt Nam, bao gồm tất cả các chuyên khoa. Là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao như ghép tạng, can thiệp mạch vành, can thiệp đột quỵ, điều trị ung thư đa mô thức và đa chuyên khoa, phẫu thuật nội soi 3D, vi phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản... Bệnh viện đã thực hiện hơn 2 nghìn ca ghép mô tạng với tỷ lệ thành công cao và dẫn đầu về ghép tim xuyên Việt từ người cho chết não, trở thành một trong những trung tâm lớn thực hiện thành công bộ ba ghép tạng “Tim, Gan, Thận”. Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp cận và làm chủ các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới.
GS.TS.BS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Bệnh viện Trung ương Huế được xem là một “Trung tâm du lịch chăm sóc sức khỏe” tiềm năng, nhờ sự kết hợp của nhiều ưu điểm đặc biệt của địa phương. Là đơn vị được đánh giá cao về môi trường xanh, sạch, đẹp và chất lượng dịch vụ, và nằm ở thành phố Huế - một điểm đến văn hóa với vẻ đẹp thơ mộng và 8 di sản được UNESCO công nhận. Hệ thống giao thông thuận lợi tại Huế kết nối với nhiều địa phương trong và ngoài nước, cùng với việc đa dạng hóa các dịch vụ du lịch khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trải nghiệm. Với uy tín là một trong những bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Bệnh viện Trung ương Huế đã thu hút nhiều người bệnh trong và ngoài nước đến tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Điều này cũng góp phần giữ cho người dân Việt Nam ở lại trong nước điều trị, giúp họ tin tưởng vào dịch vụ y tế tại địa phương mà không cần phải ra nước ngoài điều trị.
GS. Hoàng Thị Thái Hòa, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế (thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2023. |
“Trong tương lai, Bệnh viện Trung ương Huế với tầm nhìn chiến lược và cam kết không ngừng cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, và trở thành biểu tượng y tế của Việt Nam trên trường quốc tế”. GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp khẳng định.
Trong những năm gần đây, Bệnh viện này xếp nhiều thứ hạng cao và giải thưởng danh giá trong và ngoài nước như: Bệnh viện Trung ương Huế được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam 2024, xếp hạng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ, đạt giải nhất khu vực Đông Nam Á cuộc thi phẫu thuật nội soi cắt trực tràng do ung thư, đạt hạng Đồng với đề tài Chương trình Quản lý Suy tim của Trung tâm Tim mạch của Hội Tim mạch Hoa Kỳ; Chứng nhận và được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2023… Đặc biệt, Bệnh viện Trung ương Huế còn được danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2004); Huân chương Độc lập hạng Nhất lần 1 (năm 2009); Huân chương Độc lập hạng Nất lần 2 (năm2014); Huân chương Độc lập hạng Nhất lần 3 (năm 2019).
Môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc
Bên cạnh các thế mạnh về văn hoá, du lịch, y tế, Thừa Thiên Huế còn biết đến là một trung tâm giáo dục đào tạo lớn của khu vực miền Trung và cả nước.
Cụ thể, thời gian qua ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế có những bước phát triển mạnh, khởi sắc, toàn diện trên nhiều mặt. Mạng lưới trường lớp phát triển theo hướng cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học theo Đề án quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo đã được HĐND và UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Tân, quan điểm xuyên suốt xây dựng giáo dục Thừa Thiên Huế là phát triển theo hướng đạt chuẩn, chất lượng và tiếp tục hướng đến hình thành mô hình trường kiểu mẫu với các tiêu chí: xanh, an toàn, thông minh và hạnh phúc.
Những năm qua, Thừa Thiên Huế tiếp tục khẳng định vị trí trong TOP đầu cả nước về kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Như năm học 2023-2024, có 74/93 học sinh đạt giải, chiếm tỉ lệ 79,6% (tỉ lệ đạt giải trung bình toàn quốc là 55,79%). Trong đó, có 3 giải Nhất (1 Sinh học, 1 Vật lí, 1 Tiếng Anh), 20 giải Nhì.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp và là 7 lần học sinh Thừa Thiên Huế vào Chung kết Đường lên đỉnh Olympia. |
Tại sân chơi lớn Đường lên đỉnh Olympia do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức, Thừa Thiên Huế cũng tiếp tục có em Nguyễn Phú Đức lọt vào vòng Chung kết để đưa cầu truyền hình về với tỉnh. Đây là lần thứ 2 liên tiếp và là 7 lần học sinh Thừa Thiên Huế vào Chung kết Đường lên đỉnh Olympia.
Bên cạnh giáo dục phổ thông, những năm qua, Đại học Huế cũng đã đạt nhiều thành tích vượt bậc. Tuyển sinh Đại học, đơn vị liên tục nằm trong top các trường đạt chỉ tiêu cao (trên 90%), thu hút sinh viên từ hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đến học tập và nghiên cứu trong một môi trường học thuật năng động, sáng tạo.
Đặc biệt, theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế, thống kê tới tháng 9/2024, Đại học Huế hiện đã có hơn 1 nghìn tiến sĩ (đứng đầu các trường Đại học trên cả nước, đa phần là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản. Đây là một tiêu chuẩn, một lợi thế vô cùng to lớn để phát triển Đại học Huế sớm trở thành Đại học Quốc gia.
Trong hội nghị công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra tại thành phố Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo một lần nữa nhấn mạnh định hướng phát triển Đại học Huế sẽ trở thành Đại học Quốc gia; trở thành trung tâm giáo dục chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước.
Trong bối cảnh liên kết các vùng kinh tế, hội nhập quốc tế, Đại học Huế có đủ tiềm năng nhân lực để hỗ trợ các trung tâm vùng như ở miền Trung - Tây nguyên (Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Dung Quất, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Lao Bảo - Đồng Hà - Cửa Việt, Đồng Hới) để thúc đẩy và phát triển đất nước như các lĩnh vực logistics, tài nguyên biển đảo, năng lượng sạch, công nghệ sinh học biển và rừng, phát triển nông thôn, chế biến nông sản, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế số.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương trao thưởng cho những em học sinh được tuyên dương toàn trường. |
Về nghiên cứu khoa học, GS. Cao Ngọc Thành và cộng sự (năm 2022) đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá đã được trao cho các nhà khoa học thuộc Đại học Huế. Cụ thể: Huân chương Công trạng Quốc gia của Nhà nước Pháp cho những đóng góp to lớn của GS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế cho cộng đồng y khoa Pháp ngữ; Giải thưởng của Viện hàn lâm Pháp về nỗ lực cho hợp tác song phương trong khoa học giữa Pháp với các nước ASEAN dành cho TS. Trần Quang Hóa, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế; Giải thưởng L’Oreal UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học dành cho PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung (2023). PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi (2022). Cũng trong giai đoạn vừa qua, Đại học Huế là 1 trong 6 Đại học Việt Nam đã có tên trong các bảng xếp hạng đại học uy tín Thế giới của QS (QS-WUR), và THE.
Theo PGS.TS. Lê Anh Phương Giám đốc Đại học Huế, những ưu thế trên góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế của giảng viên Đại học Huế - một trong những yếu tố then chốt trong tiến trình đưa Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia; cũng là yếu tố then chốt thực hiện nhiệm vụ chung đô thị Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao./.