Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3: Thừa Thiên Huế: Vì sao là nơi phải đến một lần trong đời?

------------------------------

(ĐCSVN) - Thừa Thiên Huế nỗ lực xây dựng, quảng bá hình ảnh ẩm thực, văn hoá, con người; qua đó, đã gây thiện cảm cho du khách gần xa bởi vẻ đẹp riêng, nên thơ và thanh bình… Địa phương này đang từng ngày vươn mình mạnh mẽ để khẳng định sức mạnh của một thành phố năng động giàu tiềm năng và “luôn luôn mới”.

Nơi hội tụ tinh hoa văn hoá Việt

Thừa Thiên Huế là Kinh đô xưa, mang trong mình một hệ thống di sản văn hóa vật thể khá đồ sộ với gần 1 nghìn di tích, một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu và nổi bật nhất là Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới (năm 1993). Địa phương còn có những di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, trong đó, Nhã nhạc cung đình triều Nguyễn được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (năm 2003).

 Thừa Thiên Huế là Kinh đô xưa, mang trong mình một hệ thống di sản văn hóa vật thể khá đồ sộ với gần 1 nghìn di tích, một “gia tài” văn hóa tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. 

Nơi đây cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị từ lao động, sáng tạo và văn hóa của cộng đồng dân cư sinh sống bao đời như: Làng gốm Phước Tích, làng điêu khắc Mỹ Xuyên, Hoa giấy Thanh Tiên, đan lát Bao La, Đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới, tranh dân gian Làng Sình…

Với hạt nhân là thành phố Huế, nơi đã từng là một trong 3 thành phố lớn của Việt Nam, hiện là thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival (đã hơn 20 lần tổ chức), thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố xanh, sạch, sáng theo hướng đô thị thông minh.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có 8 di sản được UNESCO công nhận và vinh danh. 

Hiện nay, Thừa Thiên Huế cũng được tôn vinh là vùng đất của lễ hội với trên 500 lễ hội, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay và gắn liền với những giá trị văn hóa của mỗi vùng đất. Tiêu biểu như Lễ hội cung đình Huế (Lễ tế Nam Giao, Lễ tế Đàn Xã Tắc, Lễ Truyền Lô, Lễ tế Văn Miếu...) và các Lễ hội văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo như Lễ Phật Đản, Lễ hội Điện Huệ Nam, Lễ hội Quán Thế Âm… Những giá trị này đều được chính quyền, người dân nơi đây khôi phục và phát huy, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của cộng đồng dân cư.

Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế - Phan Thanh Hải: Huế là Kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam, kinh đô của một nước Việt Nam có lãnh thổ, lãnh hải rộng lớn, vẹn toàn nhất trong lịch sử, trong giai đoạn phát triển cao nhất và kế thừa được hầu hết các giá trị tinh hoa của dân tộc. Bởi vậy, Huế không chỉ là nơi có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, đến nay đã có 8 di sản được UNESCO công nhận và vinh danh, mà còn là nơi gìn giữ, bảo tồn hồn cốt, sắc thái văn hóa đậm đà của dân tộc với đầy đủ cả “Hồn sen, Nón lá, Áo dài”...

 Chỉ đến Huế người ta mới cảm nhận hết chiều sâu và vẻ đẹp của di sản Việt, văn hoá Việt Nam đang sống mãnh liệt và toả sáng.

“Chỉ đến Huế người ta mới cảm nhận hết chiều sâu và vẻ đẹp của di sản Việt, văn hoá Việt Nam đang sống mãnh liệt và toả sáng; đó là “gia tài” vô giá. Bởi vậy, UNESCO đã tặng cho Huế một slogan nổi tiếng: “Huế luôn luôn mới”!” - Đồng chí Phan Thanh Hải cho hay.

Trung tâm du lịch lớn, đặc sắc của cả nước

Nằm trên các trục giao thông quốc gia như đường sắt, đường bộ Bắc - Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, Thừa Thiên Huế có cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cửa khẩu quốc gia A Đớt, Hồng Vân, hải cảng Thuận An, đặc biệt, có cảng nước sâu Chân Mây là “cửa ngõ” ra biển ngắn nhất và thuận lợi nhất của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Bên cạnh đó sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và có bề dày truyền thống lịch sử - văn hoá, Thừa Thiên Huế thật sự là nơi lý tưởng để du lịch.

 

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phúc, nhiều chuyên gia cũng như du khách trong nước cho rằng Cố Đô Huế chính là vùng đất mà bất cứ người con Việt Nam nào cũng nên đến một lần. Bởi vì, xứ Huế mộng mơ, cổ kính từ lâu đã nổi tiếng với những giá trị văn hoá, lịch sử đầy ý nghĩa và đặc trưng của dân tộc, cùng những công trình di tích và bức tranh thiên nhiên trường tồn với thời gian. Cố đô Huế được xem như là minh chứng độc đáo cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người trong suốt một giai đoạn lịch sử của quốc gia, nên là nơi cần phải đến khi du lịch ở Việt Nam.

Xác định phát triển kinh tế du lịch là mũi nhọn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động liên kết trong phát triển du lịch với Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị… Việc liên kết này tạo nên một cung đường, nhiều điểm đến, đặc biệt là sản phẩm du lịch được phát triển phong phú, đa dạng theo hướng con đường di sản.

Những năm gần đây, lượng khách đến với Huế đều tăng về số lượng và doanh thu. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế ước đạt hơn 3 trăm nghìn lượt, tăng 18% so với cùng kì năm trước; Khách lưu trú ước đạt 200 nghìn lượt, tăng hơn 30% so với cùng kì năm trước; trong đó khách quốc tế lưu trú tăng gần 50% so với cùng kì năm trước. Doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 700 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kì năm trước. Đây là điều hết sức phấn khởi.

  Thừa Thiên Huế  sẽ đăng cai “Năm Du lịch Quốc gia 2025”.

Thừa Thiên Huế cũng sẽ đăng cai “Năm Du lịch Quốc gia 2025”, vị thế, thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế sẽ nâng tầm. Đồng thời, sẽ thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế khác, tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thừa Thiên Huế cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững.

Năm Du lịch Quốc gia và Festival Huế 2025 dự kiến sẽ bao gồm 62 chương trình, sự kiện chính. Trong đó, điểm nhấn là Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia kết hợp Khai mạc Festival Huế và chương trình nghệ thuật bắn pháo hoa chào mừng 50 Ngày giải phóng Thừa Thiên Huế. Sự kiện dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 3 năm 2025 tại Thành phố Huế.

Kinh đô ẩm thực

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thừa Thiên Huế - Phan Thanh Hải cho biết, theo thống kê gần đây Việt Nam có khoảng 1700 món ăn thì Huế đã có tới 1300 món. Ẩm thực Huế là cả một kho tàng phong phú với hệ ẩm thực cung đình, hệ ẩm thực chay Phật giáo, hệ ẩm thực dân gian. Mỗi hệ đã có hàng trăm món với chất liệu, cách chế biến, cách thưởng thức vô cùng đa dạng. Chính vì thế, nhiều năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến việc xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực của Việt Nam.

Ẩm thực chay là nét độc đáo, riêng biệt của xứ Huế.

Mới đây, trang website Taste Atlas (chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới) vừa công bố danh sách “Những thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới 2023 - Best Food Cities in the World” nhằm vinh danh nền ẩm thực địa phương của các điểm đến. Trong danh sách này, Huế được đánh giá xếp hạng thứ 28 trong số những thành phố có món ăn ngon nhất thế giới.

Đồng chí Phan Thanh Hải cho rằng, cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX, với vị thế kinh đô đất nước của hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn, Huế là biểu tượng của trí tuệ và tài hoa Việt Nam. Ẩm thực của kinh đô văn vật qua óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thực sự đã được nâng lên thành một thứ nghệ thuật, trở thành một di sản quý báu mà lớp lớp con cháu người Huế đến nay vẫn rất tự hào.

Hệ ẩm thực cung đình Huế vốn có nguồn gốc từ dân gian được tuyển chọn, nâng cấp và quý tộc hóa mà thành. Điểm quan trọng nhất là các món ăn phải được phối hợp cùng nhau để tạo nên một “phương thang”, vừa bổ dưỡng, vừa có công dụng loại trừ bệnh tật, tăng cường sức khỏe cho nhà vua. Bởi vậy, dù trong cung mỗi món ăn do một nghệ nhân đảm trách nhưng phải nằm trong sự quản lý chung của đội Thượng Thiện và đặc biệt là sự kiểm tra, giám sát của viện Thái Y.

Nếu hệ ẩm thực cung đình Huế với những món ăn cực kỳ tinh túy thì hệ ẩm thực dân gian đa dạng và tinh tế. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi thấy người bình dân ở Huế mỗi bữa ăn cũng có đến cả chục món, được bày biện hết sức đẹp mắt. Món ăn dân gian Huế thường được chế biến rất đa dạng và tinh tế. Đến cả món muối cũng có hàng chục loại: muối sả, muối ớt, muối thịt, muối mè, muối đậu, muối tiêu, muối khế, muối ruốc, muối sườn, muối từ các loại cá… được tạo thành bằng đủ phương pháp kho, om, chiên, trộn, hon… Các loại chè, cháo thì thật phong phú và khó mà thống kê chính xác là có bao nhiêu loại. Truyền thống này đã có từ hơn 200 năm trước khi Huế đang là Đô thành của xứ Đàng Trong.

Ẩm thực chay cũng là nét độc đáo, riêng biệt của xứ Huế. Ẩm thực chay của Huế vì thế được đầu tư công phu từ chất liệu, cách chế biến đến lối trình bày.

Ngoài ra, uống trà kiểu Huế cũng được nâng lên hàng nghệ thuật bởi kiến thức, sự cầu kỳ, sự tinh tế của giới quý tộc. Ngay cả bộ đồ uống trà cũng phải là loại đồ sứ cao cấp. Trong dân gian thì ngoài trà sen, trà lài, trà sói, trà ngâu… còn có nước đậu ván rang, nước gạo rang, nước lá vằng, lá vối, lá “Mùng Năm”…

Các loại rượu thì vô cùng phong phú bởi Hoàng cung là nơi tụ hội của rượu ngon được dâng tiến từ khắp miền đất nước. Trong đó nổi tiếng nhất vẫn là Minh Mạng Thang, loại rượu bổ vốn dành cho vua Minh Mạng, giúp vị hoàng đế này luôn tráng kiện, có sức làm việc phi thường, và có đến 142 người con.

Dù là món ăn hay thức uống, dù thuộc hệ ẩm thực nào thì các món Huế luôn có nét riêng: cầu kỳ, tinh tế và quyến rũ bởi ẩm thực là văn hóa. Ẩm thực kiểu Huế không chỉ là chuyện “khẩu thực” (ăn bằng miệng) mà phải có cả “nhãn thực” (ăn bằng mắt), “thính thực” (ăn bằng tai), “khứu thực” (ăn bằng mũi), và cao nhất là “tâm thực” (ăn bằng cả tấm lòng)!

 Tài nguyên ẩm thực Huế được khẳng định là một trong những lợi thế cạnh tranh bậc nhất về du lịch của vùng đất Cố đô. 

“Tài nguyên ẩm thực Huế được khẳng định là một trong những lợi thế cạnh tranh bậc nhất về du lịch của vùng đất Cố đô. Để khai thác tài nguyên này cho phát triển du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch dài hơi nhằm gìn giữ, xây dựng phát huy giá trị tinh hoa ẩm thực Huế, biến thương hiệu văn hóa thành thương hiệu du lịch có vị thế, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách”. - Đồng chí  Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Hoàng Oanh - Lê Đức
27/09/2024 15:29
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN