Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

Theo Tổng cục Thống kê, đầu năm 2024, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trên 70% lao động chưa có bằng, chứng chỉ cho thấy chất lượng cung lao động nước ta vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. 

Đặc biệt, phần lớn lao động phi chính thức là những người không được đào tạo, phải làm những công việc giản đơn, bấp bênh, thu nhập thấp và không được bảo vệ xã hội. Đây là một rào cản lớn khiến họ có ít cơ hội hơn để có công việc ổn định, lâu dài.

Điều đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi trong nền kinh số - thời kỳ mà internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người.

 Nhiều hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta.

Thêm vào đó, các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành, như “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tự do” dựa trên nền tảng trực tuyến. Đây là những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta. Rõ ràng, công nghệ là cơ hội nhưng cũng là rào cản đối với người lao động, nhất là lao động trẻ khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp. 

Theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đào tạo cho lao động phi chính thức nói chung và lao động phi chính thức ở các làng nghề nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.  

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 690.256 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có 27.457 người đăng ký học nghề (chiếm 3,9%). Nguyên do là nhiều người lao động muốn nhanh chóng kiếm việc làm để có thu nhập mà ít quan tâm đến các khóa đào tạo nghề miễn phí. Trong khi đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28-9-2015 Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng còn thấp, nhiều khi không đủ bù đắp chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt của lao động tham gia học nghề… 

 

Tiến sĩ Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng cho biết, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao thực hiện một số dự án đào tạo nhưng khâu tuyển sinh rất khó bởi các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, tại các làng nghề, nghệ nhân thường truyền nghề theo hướng “cha truyền con nối”, truyền tay chỉ việc nên khó thu hút người lao động tham gia học nghề.

Ngay chính lao động cũng không mặn mà với việc đi học nghề để tìm kiếm được công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, kể cả khi họ được hỗ trợ kinh phí đào tạo. Công việc của họ thường làm theo kinh nghiệm, kỹ năng tự nhiên sẵn có, theo thói quen hoặc học qua cách truyền nghề trực tiếp từ người này qua người khác trong doanh nghiệp.

Nhiều người có quan niệm không cần phải được đào tạo cho dù là ngắn hạn hay dài hạn mà họ vẫn có thể có việc làm, vẫn kiếm sống bằng sức lao động và duy trì cuộc sống của cá nhân và gia đình…

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đào tạo nghề cho lao động phi chính thức còn gặp nhiều khó khăn 

Cải thiện kỹ năng, tay nghề chính là chìa khóa để lao động phi chính thức có cơ hội chuyển đổi công việc của mình, chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Theo ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thực tế hiện nay có khá nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động phi chính thức theo hình thức trực tuyến, nhất là đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Người lao động có thể học lý thuyết online qua các nền tảng số và thực hành kỹ năng ngay chính tại nơi mình làm việc. Sau đó, nếu cần có thể thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề. 

"Chuyển đổi số sẽ tạo ra những cơ hội chưa từng có cho hoạt động đào tạo nghề. Lao động nào tận dụng được chuyển đổi số, những kỹ năng thông qua đào tạo nghề thì có thể tìm kiếm được công việc chất lượng, từ đó gia tăng năng suất và thu nhập" - ông Độ nhấn mạnh.

 

Trong khi đó, nhằm thu hút nhiều lao động đăng ký học nghề hơn, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí. 

Để giúp người học nghề giảm chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt, bên cạnh việc rèn thực hành kỹ năng trực tiếp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy lý thuyết. Giáo viên soạn thảo các tài liệu học tập dưới dạng PDF, slide để học viên dễ dàng tải về. Giáo viên cũng tạo các video hướng dẫn chi tiết cho từng kỹ năng cụ thể, giúp học viên dễ nắm bắt và thực hành hơn…

Đặc biệt, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, để đáp ứng xu thế của thị trường lao động, đơn vị đã đào tạo để học viên có thể ứng dụng công nghệ số vào khởi nghiệp và cải thiện cuộc sống. Đơn cử với nghề bán hàng online, nhiều học viên sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề tại Trung tâm đã bắt đầu mở các cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng như Shopee, Facebook, Zalo, Grabfood...

“Việc này giúp họ tiếp cận được lượng khách hàng rộng lớn hơn và tăng doanh thu một cách đáng kể. Với nghề sáng tạo nội dung số, một số học viên đã học cách tạo và quản lý nội dung trên các nền tảng như Youtube, TikTok, và Instagram. Họ sản xuất các video hướng dẫn, chia sẻ kiến thức”, bà Liễu cho hay.

Cải thiện kỹ năng, tay nghề chính là chìa khóa để lao động phi chính thức có cơ hội chuyển đổi công việc của mình 

PGS.TS Mạc Văn  Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế cho rằng, cần rà soát, kịp thời có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với từng nhóm đối tượng. Chẳng hạn, đối với những người lao động làm công ăn lương, xã viên hợp tác xã, ngoài các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn, cần trang bị cho họ những kỹ năng tự thích ứng và những kỹ năng mềm khác đề có thể làm việc với năng suất cao hơn.  

Còn đối với các đối tượng là chủ cơ sở sản xuất, ngoài những kiến thức chuyên môn, cần trang bị cho họ những kỹ năng quản trị ( quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân lực…); đồng thời có những hỗ trợ những đối tượng này về thông tin thị trường; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm….

Hiện nay, cả nước có gần 2000 cơ sở đào tạo nghề và được phân bố ở hầu hết các địa phương. Theo ông Tiến, các cơ sở này cần tăng cường các hoạt động đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, trên cơ sở có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề với các trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra - việc làm và thu nhập cho người học sau khi được đào tạo. Các trung tâm dịch vụ việc làm cần thường xuyên cung cấp các thông tin về nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn, bao gồm các thông tin về kỹ năng cần thiết mà doanh nghiệp cần ở người lao động…

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động

Nhận diện những vướng mắc trong đào tạo nghề, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất nhiều sửa đổi, bổ sung. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các chính sách như: Hỗ trợ chi phí đào tạo; đào tạo linh hoạt về thời gian và nội dung để phù hợp với lịch trình và nhu cầu của người lao động phi chính thức); liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học, người lao động có thể áp dụng ngay những kỹ năng đã học vào công việc thực tế và có cơ hội việc làm…

Những chính sách kể trên sẽ góp phần thu hút lao động phi chính thức tham gia đào tạo nghề để nâng cao trình độ kỹ năng và năng lực làm việc. Đây chính là chìa khóa để họ mở rộng hơn cơ hội tìm việc làm và việc làm bền vững trong tương lai./.

Nhóm PV
30/09/2024 09:19
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN