Bài 4: Thừa Thiên Huế vững bước trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
---------------------
(ĐCSVN) – Với sự chuẩn bị tích cực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ không còn xa. Ước mơ, mong mỏi của người dân và chính quyền địa phương sẽ sớm thành hiện thực.
Tạo cơ sở vững chắc
Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế được quan tâm đầu tư đạt tiêu chuẩn đô thị theo quy định. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương: Tỉnh đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của cả nước. Việc đưa tỉnh lên đô thị trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, là mong muốn, nguyện vọng thiết tha, lâu dài của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, với nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là phấn đấu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ của các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Nhiều dự án có quy mô lớn đang được triển khai, hoạt động tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. |
Ngày 10/12/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
"Trải qua cả quá trình nỗ lực triển khai thực hiện lâu dài, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển tích cực, vượt bậc, tạo cơ sở vững chắc cho mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.” – Đồng chí Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Thời gian qua, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hộ của tỉnh đạt được kết quả quan trọng trên nhiều ngành, lĩnh vực. Đến năm 2023, quy mô nền kinh tế - Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá hiện hành) ước đạt 73.230 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người). Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng: Nông nghiệp chiếm 10,9%, công nghiệp và xây dựng chiếm 32,6%; dịch vụ chiếm 48% (thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 8,5%). Thu ngân sách nhà nước đạt 11.350 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương thực hiện 10.487 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỷ đồng.
Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ 8, trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Thừa Thiên Huế có số điểm đánh giá là 69,19 điểm. Chỉ số PCI đã trở thành công cụ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách thông qua việc cung cấp các chỉ tiêu, dữ liệu về chất lượng điều hành kinh tế, yếu tố quan trọng đối với đầu tư và tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân.
Cầu vươt cửa biển Thuận An với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng khi hoàn thành sẽ nối đôi bờ duyên hải của phường Thuận An với xã Hải Dương của thành phố Huế sắp về đích. |
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có gần 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nhiều dự án có quy mô lớn đang triển khai, hoạt động tạo động lực mới cho tỉnh như Dự án Sản xuất găng tay bảo hộ, găng tay y tế tại KCN Phong Điền, nhà máy lắp ráp ô tô Kim Long (giai đoạn 1) tại khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Khu thương mại, dịch vụ Aeon Mall (Nhật Bản) tại thành phố Huế, sân golf BGR…
Bên cạnh đó, văn hóa, xã hội địa phương chuyển biến rất tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây được nâng cao. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh đạt kết quả ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%. Huyện miền núi A Lưới đã được công nhận thoát khỏi tình trạng huyện nghèo. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế được bảo đảm.
Đối với công tác quy hoạch đô thị, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100%. Quy hoạch phân khu đã được phủ kín tại khu vực đô thị trung tâm như thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và khu vực dự kiến thành lập phường thuộc đô thị Phong Điền.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: tỉnh tiếp tục nhiệm vụ nâng cấp phát triển đô thị Huế, trình cấp có thẩm quyền công nhận các thị trấn mở rộng bao gồm Phú Bài, Tứ Hạ, Thuận An đạt tiêu chí đô thị loại IV, công nhận các đô thị loại V như: thị trấn: Phong Điền, Sịa, Phú Lộc, Lăng Cô, Phú Đa, A Lưới, Khe Tre và các đô thị mới: Phong An, La Sơn, Vinh Hiền, Vinh Thanh, Thanh Hà... Đô thị Hương Thủy, Hương Trà được nâng cao các tiêu chí bảo đảm tiêu chuẩn đô thị loại IV. Huyện Phong Điền đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định bảo đảm tiêu chí đô thị loại IV, tạo cơ sở để thành lập thị xã Phong Điền và các phường, xã trực thuộc. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 63,02%. Từng bước hình thành chuỗi đô thị động lực Phong Điền - Hương Trà - Thành phố Huế - Hương Thủy - Chân Mây Lăng Cô.
Huyện A Lưới đã được công nhận thoát khỏi tình trạng huyện nghèo. |
Ước mơ sớm thành hiện thực
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Lê Trường Lưu khẳng định, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư và triển khai các dự án phát triển hạ tầng đô thị. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư đạt tiêu chuẩn đô thị theo quy định. Các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn (Khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Điền, Chân Mây- Lăng Cô…) tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế từng vùng, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế sang công nghiệp – thương mại – dịch vụ, du lịch. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung như đường cao tốc, sân bay, cảng biển, Nhà máy cấp nước, xử lý nước thải, nghĩa trang, nhà máy xử lý rác thải, trung tâm quản lý đô thị thông minh… được chú trọng đầu tư, tạo nền tảng để phát triển đô thị bền vững trong tương lai. Hệ thống hạ tầng đô thị được cải tạo, chỉnh trang, đáp ứng tiêu chuẩn và nâng cao tiêu chí phân loại đô thị.
Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế được quan tâm đầu tư đạt tiêu chuẩn đô thị theo quy định. |
Đồng chí Lê Trường Lưu cho hay: Các nhiệm vụ về vệ sinh môi trường, nâng cấp cảnh quan đô thị theo hướng xanh, sạch, sáng được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản được chú trọng với hàng trăm công trình được tôn tạo, trùng tu có hệ thống, trong đó có các công trình tiêu biểu Lầu Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, các lăng vua... Ngoài ra, tỉnh cơ bản hoàn thành đề án di dời, tái định cư khu vực I Kinh thành Huế và tiếp tục nghiên cứu triển khai giai đoạn 2 để bảo vệ, bảo đảm môi trường, chỉnh trang cảnh quan, phát huy giá trị di tích. Hệ thống di tích lịch sử, cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đền chùa, lăng miếu, các danh lam thắng cảnh, công viên... được xây dựng, tôn tạo phát huy giá trị.
Mới đây, vào ngày 20/9, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Ban chấp hành Trung ương đã đồng ý chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có liên quan và địa phương hoàn thiện Đề án trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.
Tại Phiên họp ngày 28/9, 100 % thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành về mặt nguyên tắc đối với các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính, cấp huyện, xã trong đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. |
Ngày 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tán thành về mặt nguyên tắc đối với các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, cụ thể là: thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa; thành lập thị xã Phong Điền và các phường thuộc thị xã Phong Điền; sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Ngay sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Huế trực thuộc trung ương như phương án đã được trình trong Đề án và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về mặt nguyên tắc tại phiên họp này mà không cần tổ chức họp để xem xét lại.
Sân bay Quốc tế Phú Bài là một trong những sân bay trọng điểm của Huế và các tỉnh miền Trung, đóng góp một phần lớn và sự phát triển kinh tế, du lịch của Thừa Thiên Huế. |
“Với sự chuẩn bị tích cực của toàn đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ không còn xa. Ước mơ, mong mỏi của người dân và chính quyền địa phương sẽ sớm thành hiện thực.”- Đồng chí Lê Trường Lưu khẳng định./.