Vệ sỹ có được tham gia điều tiết giao thông?
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, vụ việc liên quan đến nhóm người mặc đồng phục như vệ sĩ, tự ý dẹp đường cho đoàn xe đám cưới tại Thành phố Thanh Hóa đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận và các cơ quan chức năng.
Nhóm người đứng ở ngã tư đường phân luồng cho đoàn xe sang đi đám cưới (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa). |
Theo đó, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm người đứng giữa Đại lộ Lê Lợi chặn các phương tiện giao thông để tạo lối đi cho đoàn xe đám cưới. Đoạn clip nói trên đã nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Một số người bày tỏ sự bất bình về hành động này. Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng các công ty vệ sĩ có quyền thực hiện việc điều tiết giao thông.
Theo khoản 25, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển giao thông chính thức là cảnh sát giao thông (CSGT) và những người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông trong những tình huống cụ thể, như khi thi công, tại nơi ùn tắc giao thông, tại bến phà, hoặc trên các cầu đường bộ đi chung với đường sắt.
Như vậy, chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông hoặc những cá nhân được giao nhiệm vụ từ cơ quan có thẩm quyền mới có quyền thực hiện việc điều tiết giao thông.
Mặt khác, theo Điều 37 Luật Giao thông đường bộ, khi tham gia nhiệm vụ, Cảnh sát giao thông có quyền chỉ huy, điều khiển giao thông, hướng dẫn và yêu cầu người tham gia giao thông chấp hành đúng quy tắc. Nếu có tình huống cần thiết, Cảnh sát giao thông có thể đình chỉ hoặc phân luồng giao thông tạm thời nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn giao thông.
Trong trường hợp có sự cố như ùn tắc giao thông, tai nạn, hay các sự kiện đặc biệt như đám cưới, chỉ có Cảnh sát giao thông hoặc các lực lượng được giao nhiệm vụ mới có quyền tổ chức, điều khiển giao thông.
Trong vụ việc vừa qua tại Thành phố Thanh Hóa, nhóm người mặc đồng phục vệ sĩ đã thực hiện hành vi điều tiết giao thông mà không có bất kỳ quyết định hay chỉ đạo chính thức nào từ cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, việc họ tự ý chặn các phương tiện và điều phối giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền điều khiển giao thông của cơ quan chức năng.
Hành vi của nhóm người trong vụ việc nêu trên là vi phạm quy định về tổ chức giao thông, khi họ không phải là những người có quyền điều khiển giao thông mà chỉ là những nhân viên bảo vệ. Mặc dù việc họ có thể được giao nhiệm vụ bảo vệ cho đoàn xe đám cưới, nhưng việc tự ý can thiệp vào giao thông mà không có sự phối hợp với các cơ quan chức năng là hành động xâm phạm quyền và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước.
Các đối tượng liên quan đến vụ việc bị tạm giữ hình sự (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa). |
Được biết, sau khi clip về vụ việc lan truyền trên mạng xã hội, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành triệu tập nhóm vệ sĩ liên quan để làm rõ hành vi này và xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Kiên Quyết (SN 1985), trú tại thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc; Hoàng Kim Chung (SN 1996), trú tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa; Nguyễn Đình Dương (SN 1991), trú tại xã Quảng Minh, thành phố Sầm Sơn và La Văn Thủy (SN 1985), trú tại xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Các đối tượng bị tạm giữ để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Nếu kết quả điều tra cho thấy có vi phạm, những người này sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có thể đối mặt với mức phạt tiền hoặc các biện pháp xử lý khác.
Theo Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Điều 6 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, những hành vi điều khiển, điều tiết giao thông trái phép có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể, hành vi điều khiển giao thông mà không có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng, đồng thời có thể bị tịch thu phương tiện hoặc công cụ vi phạm. Ngoài việc xử lý hành chính, trong trường hợp hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Cản trở giao thông" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.
"Từ vụ việc này, có thể thấy, công ty vệ sĩ không có quyền điều tiết giao thông. Việc nhóm người tự xưng là vệ sĩ tại Thanh Hóa tự ý can thiệp vào giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Các công ty vệ sĩ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về an ninh trật tự, nhưng không được tự ý thực hiện chức năng của lực lượng cảnh sát giao thông. Vụ việc này là một bài học về việc hiểu và tuân thủ đúng pháp luật trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến an ninh, trật tự, và giao thông", Luật sư Nguyễn An Bình nhấn mạnh thêm./.