Hủy hoại cây trồng có bị xử lý hình sự?
(ĐCSVN) - Chặt phá cây trồng của người khác được xem là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức khác. Tùy vào hậu quả mà có thể xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 02/12/2024, Công an huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) cho biết đang xác minh nguồn tin tố giác về tội phạm liên quan đến vụ hủy hoại tài sản tại xã Cam Hòa.
Theo đơn, tối 25/10, do mâu thuẫn sử dụng chung đường đi lên rẫy, ông T. (37 tuổi, trú xã Cam Hòa) nghi đã sử dụng bình xịt chứa dung dịch thuốc diệt cỏ phun vào 127 buồng chuối tại rẫy của em trai mình nhằm mục đích phá hoại. Sau đó, em trai ông T. phát hiện hàng loạt buồng chuối hư hỏng nên tới cơ quan chức năng trình báo.
Ông Phan Văn Tôn ngồi thất thần bên ruộng dưa đã bị phá hoại (Ảnh: Đức Bình). |
Dư luận vẫn chưa quên hình ảnh một cụ ông ngồi thất thần trên ruộng dưa bị phá hoại. Cụ thể, trưa ngày 3/7/2022, ruộng dưa hấu hơn 1 sào của gia đình ông Phan Văn Tôn (70 tuổi, ở xóm 2, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) bị kẻ gian hái trộm và phá nát các quả non còn lại. Sau 1 ngày điều tra, Công an đã bắt giữ 5 nghi can gồm Chu Văn Cường (SN 2002); Chu Minh Nam (SN 2004); Nguyễn Đức Phong (SN 2004); Lê Trung Huấn (SN 2004) và Nguyễn Trọng Tấn (SN 2005) cùng trú tại huyện Quỳnh Lưu.
Nguyên nhân phá hoại là do trước đó, các nghi can hái trộm dưa và bị người thân của ông Tôn phát hiện, nhắc nhở. Ngày hôm sau, 5 nghi can này đã quay lại ruộng dưa để trả thù...
Nhiều bạn đọc muốn biết pháp luật sẽ xử lý các hành vi vi phạm nói trên như nào?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Bá Dũng, Công ty luật TNHH Trường Sơn, cho biết: Việc phá hoại hoặc cố tình phá hoại cây trồng nêu trên đều ít nhiều gây ra thiệt hại về kinh tế, thậm chí nặng nề với những gia đình thuần nông, chỉ trông chờ vào thời điểm sắp tới ngày thu hoạch.
Tùy theo tính chất, mức độ, động cơ và hậu quả của hành vi vi phạm mà cơ quan chức năng có thể xem xét phạt hành chính hoặc hình sự.
Xử phạt hành chính: Theo Điểm a Khoản 2 Điều 15 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 21 Nghị định này (tức là gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ).
Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt bằng 02 lần cá nhân (theo Khoản 2 Điều 4 Chương I Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Xử lý hình sự: Điều 178 Chương XVI phần thứ hai Bộ luật Hình sự 2015 (Luật số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, hoặc cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi còn phải bồi thường thiệt hại cho cá nhân do tài sản bị xâm phạm, bao gồm thiệt hại về tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định tại Điều 589 Mục 2 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015).
“Ngay khi phát hiện vụ việc, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan công an và phối hợp với cơ quan công an để làm rõ sự việc, truy bắt đối tượng hủy hoại. Mặc dù đã có những chế tài nghiêm khắc nhưng kẻ xấu vẫn tái diễn hành vi vi phạm thể hiện sự coi thường, thách thức pháp luật. Do đó, cơ quan chức năng cần có hành động quyết liệt hơn nữa, trấn áp tội phạm nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật cũng như để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, luật gia Nguyễn Bá Dũng nêu quan điểm./.