Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trách nhiệm bồi thường khi tang vật tạm giữ bị hư hỏng

Chủ Nhật, 15/12/2024 20:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đối với tang vật tạm giữ là hàng hóa dễ hư hỏng, cán bộ cảnh sát giao thông phải báo cáo ngay thủ trưởng trực tiếp để xử lý; nếu để hư hỏng hoặc thất thoát thì phải bồi thường.

Nhiều bạn đọc muốn biết vậy nếu xe máy, ô tô, phương tiện giao thông khác… bị hư hỏng trong thời gian tạm giữ, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Minh Phương (công ty luật TNHH Trường Sơn) cho biết Thông tư 73/2024/TT-BCA ngày 15/11/2024 (gồm 5 Chương 33 Điều do Bộ trưởng Lương Tam Quang ký) quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT), có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Điều 18 Mục 2 Chương III Thông tư 73/2024/TT-BCA nêu rõ việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (Luật số: 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012), sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021.

Cụ thể, Khoản 4 Điều 125 Chương II Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều này và được thực hiện như sau:

a) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Khoản 9 Điều này;

b) Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản.

Trường hợp không ra quyết định tạm giữ thì phải trả lại ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

 Ảnh minh họa, nguồn: luat24h.com.vn.

Theo luật gia Phương, Điều 9 Chương II Nghị định 138/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định:

Người lập biên bản tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho đến khi bàn giao tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho người quản lý, bảo quản.

Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

Trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định này thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính từ khi tạm giữ phương tiện cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản.

Trong khi đó, Điều 10 Chương II Nghị định 138/2021/NĐ-CP nêu rõ quyền của tổ chức, cá nhân có tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ như sau:

Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hành vi, quyết định trái pháp luật của người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Kiểm tra trước khi nhận lại tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ khi hết thời hạn bị tạm giữ.

Yêu cầu người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ lập biên bản về việc tài sản trong thời gian tạm giữ bị mất, đánh tráo, hư hỏng, thiếu hụt và yêu cầu cơ quan của người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bồi thường theo quy định của pháp luật.

"Sau khi giải quyết bồi thường cho chủ sở hữu, người ra quyết định tạm giữ có thể yêu cầu người quản lý, bảo quản bồi thường lại, nhưng đây là một quan hệ dân sự khác. Chủ sở hữu tang vật, phương tiện chỉ cần biết trách nhiệm bồi thường là của người ra quyết định tạm giữ", luật gia Phương phân tích.

Để có căn cứ giải quyết, cán bộ cảnh sát giao thông phải lập biên bản tạm giữ đối với tang vật, phương tiện vi phạm, ghi rõ tình trạng của tang vật, phương tiện. Biên bản phải có chủ tang vật, phương tiện và người chứng kiến (nếu có) ký xác nhận, nhằm đảm bảo sự khách quan, minh bạch.

Hết thời hạn tạm giữ, nếu phát hiện tang vật, phương tiện bị hư hỏng (ngoại trừ các yếu tố khách quan), chủ sở hữu đối chiếu với tình trạng tại thời điểm lập biên bản để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc giải quyết trách nhiệm bồi thường sẽ căn cứ vào sự thỏa thuận giữa chủ tang vật, phương tiện và người ra quyết định tạm giữ, không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra tòa án.

Về kinh phí bồi thường, theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Luật số: 10/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017), trách nhiệm bồi thường do người thi hành công vụ vi phạm (ở đây là người ra quyết định tạm giữ) thuộc về nhà nước. Sau khi nhà nước bồi thường thiệt hại, người thi hành công vụ có trách nhiệm hoàn trả một khoản tiền tùy theo mức độ lỗi mà họ gây ra.

Quy định về trách nhiệm bồi thường nhằm bảo đảm quyền lợi của chủ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, cũng như nâng cao trách nhiệm công vụ của người có thẩm quyền trong việc lập biên bản, ra quyết định tạm giữ và quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện. Tuy vậy, tình trạng quá tải ở các địa điểm tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm giao thông thời gian qua đã và đang gây ra những khó khăn nhất định.

Nên chăng nghiên cứu các quy định theo hướng chỉ tạm giữ phương tiện trong trường hợp thật sự cần thiết (tai nạn, có dấu hiệu tội phạm…), nhằm hạn chế tối thiểu số lượng tang vật, phương tiện bị tạm giữ.

Một trong những mục đích của việc tạm giữ tang vật, phương tiện là nhằm đảm bảo nghĩa vụ nộp phạt của người vi phạm, do đó cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, xem xét và áp dụng giải pháp thay thế.

“Có thể thông qua cơ sở dữ liệu công dân, sử dụng mã số định danh cá nhân để buộc người vi phạm phải nộp phạt. Có thể quy định sau mốc thời gian nhất định mà không nộp thì mức phạt sẽ nhân đôi, thậm chí nhân ba. Nếu vẫn không nộp thì yêu cầu tòa án giải quyết, ra quyết định cưỡng chế….”, luật gia Phương nhấn mạnh/.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN