Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhà tình nghĩa có được chuyển nhượng?

Thứ Năm, 19/12/2024 20:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Thị Khuyên (tỉnh Yên Bái) hỏi: “Cách đây 12 năm, bác ruột duy nhất của tôi (không lấy vợ) được chính quyền địa phương xây nhà tình nghĩa trên đất của ông. Nay ông mất, gia đình tôi ở xa nên không thể trông coi. Vậy ngôi nhà trên có được phép bán và điều kiện để giao dịch là thế nào?"

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết pháp luật chưa có quy định hạn chế hay ngăn cấm người nhận nhà tình nghĩa chuyển nhượng cho người khác. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng nhà tình nghĩa được xây dựng trên đất thì phải đáp ứng được điều kiện về chuyển nhượng quyền sử dụng đất và điều kiện mua bán nhà ở theo quy định.

Nhà tình thương: Được Nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân có lòng hảo tâm xây dựng, cấp cho những hộ gia đình nghèo, những người không có nơi ở hoặc có nơi ở nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Mục đích của việc này là để hỗ trợ họ có một nơi ở ổn định, đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Nhà tình nghĩa: Được Nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân từ thiện xây dựng, nhưng đối tượng nhận là các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng. Đây là một hình thức thể hiện sự tri ân và đền đáp những cống hiến và hy sinh của họ cho đất nước.

Những người được cấp nhà tình thương và nhà tình nghĩa có quyền sở hữu ngôi nhà đó cũng như quyền sử dụng đất gắn liền với nhà. Quyền sở hữu này đi kèm với một số điều kiện và hạn chế nhằm đảm bảo mục đích nhân đạo và công bằng của chương trình.

Cụ thể, người nhận nhà tình thương và nhà tình nghĩa không được phép chuyển nhượng, cho thuê hoặc thừa kế ngôi nhà và đất trong vòng 10 năm kể từ ngày họ nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Quy định về nhà tình thương, nhà tình nghĩa không chỉ hướng đến việc cung cấp nơi ở cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng mà còn đảm bảo rằng tài sản được sử dụng đúng mục đích, hỗ trợ họ trong dài hạn và tránh bị lợi dụng. Đồng thời, sau một thời gian nhất định, người sở hữu/thừa kế hợp pháp… có thể linh hoạt hơn trong việc sử dụng và quản lý tài sản của mình theo nhu cầu thực tế. Điều này thể hiện sự cân nhắc kỹ lưỡng của Nhà nước và các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ người dân, vừa đảm bảo tính nhân đạo vừa bảo vệ lợi ích lâu dài của người nhận.

Liên quan tới quy định pháp luật về mua bán, chuyển nhượng....nhà tình nghĩa/nhà tình thương, luật sư Tuấn phân tích, Khoản 3 Điều 135 Mục 3 Chương X Luật Đất đai 2024 (Luật số: 31/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024) nêu rõ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chỉ được cấp sau khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật….

Ảnh minh họa: baoquankhu5.vn

Trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước hoặc tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch hoặc tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật thì Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện việc đo đạc, chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này; người sử dụng đất không phải trả chi phí đối với trường hợp này.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Mục 5 Chương III Luật Đất đai 2024, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều 124 và Điểm a Khoản 4 Điều 127 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

d) Trong thời hạn sử dụng đất;

đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 160 Mục 1 Chương X Luật Nhà ở 2023 (Luật số: 27/2023/QH15 ngày 27 tháng 11 năm 2023) nêu rõ:

1. Giao dịch về mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, thế chấp, góp vốn bằng nhà ở thì nhà ở phải có đủ điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Không thuộc trường hợp đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo;

c) Đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;

d) Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp ngăn chặn theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Không thuộc trường hợp đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền;

e) Điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

2. Giao dịch về nhà ở sau đây thì nhà ở không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận:

a) Mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; bán nhà ở trong trường hợp giải thể, phá sản;

b) Tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;

c) Mua bán, thuê mua nhà ở có sẵn của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trong các trường hợp sau đây: nhà ở thuộc tài sản công; nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở phục vụ tái định cư không thuộc tài sản công;

d) Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;

đ) Nhận thừa kế nhà ở.

Giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 2 Chương I Luật Nhà ở 2023 nêu rõ: Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp. Như vậy, nhà tình nghĩa, nhà tình thương cũng được xem là nhà ở.

“Như vậy, nhà tình nghĩa của bác bạn hoàn toàn có thể được mua bán nếu đáp ứng đủ các điều kiện để tham gia giao dịch về nhà ở”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN