Doanh nghiệp được trừ lương khi nhân viên đi làm muộn?
(ĐCSVN) - Theo luật sư, hiện có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động, trong đó không có hình thức trừ lương. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.
Bạn đọc Lương Thị Mỹ Hà (quận Tây Hồ, Hà Nội) hỏi: Thực tế ghi nhận có cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức phạt tiền khi nhân viên đi làm muộn. Điều này có đúng quy định pháp luật không và khi nào người sử dụng lao động được trừ lương người lao động?
Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết Điều 117 Mục 1 Chương VIII Bộ luật Lao động 2019 (Bộ luật số: 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019) quy định kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Trong đó, nội dung nội quy lao động được quy định tại Điều 118 Mục 1 Chương VIII Bộ luật Lao động 2019 là không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm các nội dung sau:
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trật tự tại nơi làm việc;
- An toàn, vệ sinh lao động;
- Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
- Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
- Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
- Trách nhiệm vật chất;
- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn |
Có thể thấy, thời giờ làm việc là một trong những nội dung trong nội quy lao động. Do vậy, nếu nhân viên vi phạm ở mức độ trong nội quy thì công ty được phép kỷ luật lao động.
Về xử lý kỷ luật lao động, tại Điều 124 Mục 1 Chương VIII Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ các hình thức gồm: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức; sa thải.
Bên cạnh đó, tại Điều 127 Mục 1 Chương VIII Bộ luật Lao động 2019 liệt kê rõ các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động gồm: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Luật sư Kỹ phân tích, trong một số đơn vị, vị trí công tác đặc thù, tùy theo tần suất, thái độ và hậu quả (nếu có) của hành đi làm muộn mà lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan có thể thành lập hội đồng, họp công khai và xem xét áp dụng hình thức kỷ luật lao động như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức hoặc sa thải nhưng không được trừ lương của người lao động.
Nếu người sử dụng lao động phạt nhân viên đi làm muộn bằng hình thức trừ lương tức là người sử dụng lao động đã làm trái với quy định của pháp luật.
Về trường hợp người sử dụng lao động được trừ lương người lao động, Điều 102 Chương VI Bộ luật Lao động 2019 nêu: Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
“Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động”, luật sư Kỹ nhấn mạnh.
Trường hợp người sử dụng lao động trừ lương người lao động không đúng quy định pháp luật có thể bị phạt tiền theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 19 Chương II Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2022. Cụ thể, phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Mức phạt tiền này được áp dụng đối với các hành vi vi phạm là cá nhân. Còn mức phạt đối với tổ chức khi vi phạm các hành vi nêu trên thì sẽ bị phạt bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Chương I Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 19 Chương II Nghị định 12/2022/NĐ-CP./.