Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việt Nam trước nguy cơ dân số “âm”

Thứ Năm, 12/12/2024 10:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trước nguy cơ dân số “âm”, chúng ta phải có những chính sách tốt để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi trong việc sinh con và nuôi dạy con cái. Đặc biệt, cần phá bỏ rào cản khi sinh con như mất thu nhập, mất cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến...

Việt Nam là quốc gia có nhiều thành tựu trong công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Chúng ta khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta lại phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh khi mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế. Tại Hội thảo tham vấn chính sách mức sinh thay thế vừa được Cục Dân số tổ chức ngày 11/12, ông Dũng cho biết, từ năm 2006 đến nay, tỷ suất sinh liên tục giảm, đến năm 2023 còn 1,96 con/phụ nữ (năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ). Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 11 năm qua và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Điều đáng lưu tâm là mức sinh này không đều, rất chênh lệch giữa các địa phương, vùng miền và đã có khu vực xuống thấp đến mức lo ngại. Năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ (năm 2022 là 21 tỉnh). Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long là 2 khu vực có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Ảnh minh họa: Trần Đình Trọng 

Theo thống kê của Bộ  Y tế năm 2022, trong những tỉnh có mức sinh thay thế thấp đáng báo động, có Cần Thơ là 1,68 con/mẹ, Sóc Trăng là 1,8 con/mẹ; Tiền Giang là 1,88 con/mẹ; Đồng Nai 1,87 con/ mẹ, Bà Rịa - Vũng Tàu 1,91 con/mẹ… đặc biệt TP.HCM ở mức rất thấp, là 1,39 con/mẹ; Hậu Giang 1,44 con/mẹ…

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tốc độ tăng dân số nước ta thấp xa so với 3-4 thập kỷ trước và ở mức rất thấp so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm của giai đoạn 2009-2019 là 1,14% thấp hơn giai đoạn 1999-2009 là 1,18%. Tốc độ tăng dân số năm 2022 là 0,98% và năm 2023 là 0,84%. Dự tính, số người tăng thêm mỗi năm sẽ giảm dần và từ năm 2059 có thể là số âm, tức là quy mô dân số không tăng thêm.

Trong khi đó, bức tranh trái ngược là ở vùng/nhóm dân cư ở thành thị có đời sống cao, điều kiện giáo dục học hành thấp thì lại có mức sinh thấp, nơi có đời sống khó khăn hơn lại sinh nhiều hơn, như Tây Nguyên 2,4; Tây Bắc 2,4 con. Nhóm dân cư nhóm nghèo nhất và trình độ thấp hơn là đẻ nhiều hơn và khó kéo giảm mức sinh. Ngoài ra mức sinh của khu vực nông thôn (2,26 con/phụ nữ) cao hơn khu vực thành thị (1,83 con/phụ nữ) và cao hơn mức sinh thay thế. Nếu những địa phương có điều kiện kinh tế khá không duy trì đủ mức sinh thay thế, hệ lụy trong 15 năm, 20 năm tới những vùng kinh tế đòi hỏi nguồn lao động sẽ bị thiếu hụt, sẽ dẫn đến dòng di dân di chuyển từ nông thôn vào đô thị tạo ra hệ lụy xã hội.

Ngoài ra, đối với toàn xã hội, nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động nghiêm trọng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế - xã hội… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì mức sinh thay thế, cân bằng giới tính khi sinh và giữ vững mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh xuống thấp, nhất là ở các tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp.

Tuy nhiên, đây là một bài toán khó, bởi thực tế tỉ lệ sinh giảm đang là xu thế ở nhiều nước mà nguyên nhân được cho là do điều kiện công việc áp lực cao, sinh con làm ảnh hưởng đến công việc, quá trình thăng tiến, đời sống nhiều khó khăn, chưa có nhiều chính sách khuyến khích cho những người sinh con, có con nhỏ, trẻ em; chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, tình trạng ngại kết hôn, ngại sinh con... Hầu hết các nước phát triển trên thế giới đã thi hành rất nhiều chính sách khuyến sinh, song việc giảm sinh dễ nhưng tăng mức sinh rất khó, hầu như chưa nước nào thành công trong tăng mức sinh.

Trước thực trạng trên, tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" với mục tiêu cụ thể là tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Chiến lược dân số đến năm 2030 của Việt Nam cũng đưa ra con số là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số đạt 104 triệu dân. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, cần có những chính sách phù hợp để điều chỉnh mức sinh, giữ vững quy mô và cơ cấu dân số một cách hài hòa nhất...

Bộ Y tế đang xây dựng Luật Dân số, trong bản dự thảo, Bộ Y tế đề xuất quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con. Theo đó, các cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Đây có thể sẽ là một biện pháp cải thiện mức sinh con, tuy nhiên, cũng cần hết sức cân nhắc khi triển khai trên diện rộng, bởi sẽ có khả năng những vùng nghèo, trình độ dân trí thấp hơn sẽ bùng nổ dân số, trong khi những khu vực thành thị, đẻ ít lại càng ít sinh con hơn. Có thể đi kèm với Luật là những quy định như những vùng có mức sinh cao thì cần khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên, hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ KHHGĐ. Ở các địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp thì rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh con ít, thậm chí có chính sách hỗ trợ cho việc sinh con và nuôi dạy con cái. Cần thay đổi nhận thức của người dân, phấn đấu không vượt quá mức sinh thay thế nhưng phải cân đối giữa các vùng miền

Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành, địa phương có mức sinh thay thế thấp ban hành những chính sách khuyến sinh. Có những tỉnh, thành phố hỗ trợ tiền mặt, quà tặng đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Riêng tỉnh Hậu Giang còn hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập; hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng tiền viện phí...

Mới đây, thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, mức hỗ trợ này dựa trên chi phí y tế khi mang thai và sinh con. Dự kiến, thành phố sẽ chi hơn 198,5 tỷ đồng để thực hiện chính sách này trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 21/12/2024.

Đây là những động thái thể hiện mong muốn thúc đẩy mức sinh thay thế của các địa phương. Tuy nhiên, dường như những sự hỗ trợ này chưa làm thay đổi được tâm lý của những đối tượng chịu tác động. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, việc này chỉ mang tính động viên về tinh thần, thể hiện sự quan tâm của địa phương, còn để khuyến khích sinh con không thể làm trực tiếp bằng cách giục giã các cặp vợ chồng sinh con, mà phải gián tiếp qua cải thiện các điều kiện sống như có những chính sách an sinh, hỗ trợ về giáo dục, y tế, đời sống..., tạo điều kiện thuận lợi để các cặp vợ chồng có thể sinh con, nuôi dạy con thì mới có thể cải thiện được mức sinh thay thế.

Bà Trần Thị Thúy Anh, Chuyên gia quản lý chương trình UN Women tại Việt Nam cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ tài chính thông qua cung cấp gói trợ cấp sinh đẻ/trẻ em/gia đình và nghỉ thai sản, cần phải là những chính sách mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em (nhà trẻ, mẫu giáo công và tư) có chất lượng và chi phí phù hợp; thúc đẩy bình đẳng giới, nam giới cũng phải có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái và chia sẻ trách nhiệm gia đình. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ phụ nữ có trình độ học vấn và có việc làm.

Rõ ràng, sự đồng bộ trong xây chính sách là điều quan trọng nhất để duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương. Điều này cần có sự quan tâm, coi trọng của các địa phương, có sự quan tâm đầu tư thích đáng, các chính sách phù hợp vì sự phát triển bền vững trong tương lai. Đó phải là những chế độ an sinh xã hội, chế độ thai sản, chăm sóc bà mẹ trẻ em, truyền thông để các cặp vợ chồng hiểu được lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Sinh con mà không mất thu nhập, không mất cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến; thuận lợi trong việc nuôi dạy con cái… thì chắc chắn sẽ có sự tác động nhất định tới tâm lý muốn sinh con các cặp vợ chồng./.

TH

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN