Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhờ áp dụng phòng vệ thương mại nên tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ mỗi năm

Chủ Nhật, 22/12/2024 08:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Công tác chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Bộ Công Thương đẩy mạnh, trực tiếp giao cho Cục Phòng vệ thương mại triển khai.

 Sản xuất, chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại đã thường xuyên, kịp thời cập nhật, tuyên truyền, phổ biến về các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nắm bắt, ứng phó kịp thời với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, thực hiện Đề án 824 (theo Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, Cục Phòng vệ thương mại đã tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao: Phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài làm rõ các cáo buộc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nhằm chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, tuyên truyền, phổ biến nguy cơ tiềm ẩn và quyết tâm của Chính phủ trong việc chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo số liệu mới nhất của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến nay Bộ Công Thương đã điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với 30 loại hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, trong có 17 biện pháp đang có hiệu lực. Các biện pháp này đã góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và việc làm của hàng triệu lao động, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội, tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 nghìn tỷ mỗi năm. 

 Giá tôm chân trắng xuất khẩu sang Hòa Kỳ (thời điểm tháng 7/2024) - Nguồn: Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Song song với áp dụng các biện pháp điều tra phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, thì Bộ Công Thương cũng đã và đang thực hiện kháng kiện đối với 26 vụ việc bị nước ngoài áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó đã kháng kiện thành công 3 vụ việc, qua đó xác định mức độ bán phá giá là 0%, gồm: Sản phẩm đĩa giấy vào thị trường Hoa Kỳ; sản phẩm ống thép hàn không gỉ vào thị trường Ấn Độ; pin năng lượng mặt trời vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Góp phần gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD.

Cùng với đó, đã kháng kiện thành công để phía Hoa Kỳ đi đến kết luận sản phẩm nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm có xuất xứ từ Việt Nam không bán phá giá, không gây thiệt hại đến cùng ngành hàng sản xuất trong nước của Hoa Kỳ. Thành công của vụ việc này, giúp bảo đảm giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 300 triệu USD.

Riêng về vụ việc điều tra chống trợ cấp năm 2024, nước ngoài đã khởi xướng điều tra 7 vụ việc đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Các vụ việc này yêu cầu có tham gia trả lời từ Chính phủ Việt Nam cùng việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc ứng phó và xử lý vụ việc. Cho đến nay, các vụ việc điều tra chống trợ cấp đều nhận được kết quả đáng ghi nhận, trong đó có 3 vụ việc có kết luận sơ bộ hoặc kết luận cuối cùng đều xác định mức biên độ trợ cấp đối với doanh nghiệp bị đơn hợp tác là dưới 6% từ thị trường Hoa Kỳ đối với các sản phẩm: tôm nước ấm đông lạnh; đĩa giấy; pin năng lượng mặt trời. Từ đó bảo đảm duy trì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gần 5 tỷ USD./.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN