Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Thứ Bảy, 14/12/2024 21:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm trong thời gian qua. Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” tiếp tục khẳng định sự quan tâm đó đồng thời thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho Nhân dân.

 Thủ tướng động viên, tặng quà, tham gia khởi công xây nhà mới cho một số hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn H.Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Nhật Bắc)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chính sách trên đã giúp cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có thể thấy, đạt được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực, rộng rãi của các tổ chức, cộng đồng dân cư và nhân dân.

Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn đang còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, các chương trình mục tiêu, hộ nghèo, hộ cận nghèo,…) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để "an cư, lạc nghiệp", yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Do vậy, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Hơn nữa, theo như chia sẻ của của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thì “đến nay thu nhập bình quân đầu người đã hơn 4.300 USD, quy mô nền kinh tế Việt Nam gần 500 tỉ USD, không có lý do gì để người dân ở trong nhà tạm, dột nát”.

Thế nhưng, để triển khai trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần có một nguồn lực vô cùng lớn. Trong số 315.000 hộ cần hỗ trợ để cải thiện nhà ở hiện nay, chỉ riêng việc hỗ trợ nhà ở cho 106 nghìn hộ có công, với mức 60 triệu đồng/nhà xây mới và 30 triệu đồng/nhà sửa chữa theo quy định mới, thì đã cần đến con số rất lớn - khoảng 4 nghìn tỉ đồng.

Khó khăn là vậy nhưng Thủ tướng đã nhấn mạnh, phải xác định rõ quan điểm hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thủ tướng cũng chỉ rõ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm; đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được, được nhân dân ghi nhận.

Đồng thời phải quán triệt phương châm: "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ", "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".

Xóa nhà tạm là công việc chung của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Chính phủ đã cho thấy sự quyết tâm và tăng hạn mức hỗ trợ. Giờ đây, các địa phương cũng phải phát huy tinh thần chủ động, tự chủ, tự cường, không ỷ lại, bằng cách vận động, xã hội hóa nguồn thu đúng như tinh thần kêu gọi của Thủ tướng là "ai có gì giúp nấy", “ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, "tương thân, tương ái", “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, "lá lành đùm lá rách", “lá rách ít đùm lá rách nhiều”…

Những ngôi nhà mới khang trang, chắc chắn được thay thế cho những căn nhà dột nát giúp bà con có cuộc sống ổn định, yên bình 

Để chương trình được triển khai hiệu quả, kịp thời, cần gắn với vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu đồng thời, các địa phương, đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp giữa các chương trình, các hoạt động hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Với ý nghĩa sâu sắc của Chương trình trên, hiện nay, nhiều địa phương đang đẩy nhanh việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn với mong muốn người dân có mái ấm đón Tết.

Tại Hà Giang, đến ngày 30/10/2024, tổng số hộ cần hỗ trợ nhà ở của tỉnh là 5.848 gia đình, trong đó xây mới 4.951 nhà, sửa chữa 897 nhà. Từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hà Giang tập trung đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm; kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa hình thức hỗ trợ. Phấn đấu hoàn thành trên 500 căn nhà đã khởi công, hoàn thành nhà mới trước Tết Nguyên đán cho bà con. Dự kiến, trong năm 2025, tỉnh hoàn thành ít nhất 500 ngôi nhà cho hộ nghèo và gia đình khó khăn…

Tại tỉnh Gia Lai, triển khai chương trình “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, tỉnh dự kiến hỗ trợ xây mới và sửa chữa 8.178 căn nhà ở địa phương, trong đó xây mới 6.441 căn và sửa chữa 1.737 căn.  Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Gia Lai huy động sức mạnh của xã hội cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

Tại TP Hồ Chí Minh, triển khai phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025", UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong năm 2025". Đến nay, qua rà soát hiện tại trên địa bàn Thành phố có 325 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về nhà ở thuộc 8 quận, huyện, với tổng kinh phí dự kiến xây mới và sửa chữa khoảng 15,8 tỉ đồng được thực hiện trong năm 2024 và hoàn thành trước 30-4-2025 thông qua việc tổ chức vận động của Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội.

Không chỉ chăm lo cho người dân trên địa bàn, trong nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã chia sẽ hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm, nhà dột nát tại 3 tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Kon Tum với tổng số tiền là 209 tỷ đồng…

Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình đồng chí, nghĩa đồng bào cao cả, mang tính toàn dân, toàn diện. Chương trình ấy đang cần cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cần sự chung tay của toàn dân để chương trình được triển khai hiệu quả và thúc đẩy sớm hoàn thành mục tiêu đã đề ra./.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN