Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồ án quy hoạch phân khu Ga Hà Nội 10 năm không xong?

Thứ Ba, 10/12/2024 10:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tháng 6/2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000 thuộc địa giới hành chính các quận: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng với yêu cầu phải xong sau 9 tháng. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm và qua 3 đời Chủ tịch UBND thành phố, đồ án này vẫn chưa xong, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống và việc sản xuất kinh doanh của hơn 20.000 người dân và các doanh nghiệp ở trong vùng quy hoạch mà còn gây lãng phí lớn ngân sách thành phố khi 10 năm qua vẫn phải cấp kinh phí nuôi bộ máy làm nhiệm vụ này.

(Ảnh minh họa: Nguồn laodong.vn) 

Đồ án quy hoạch phân khu Ga Hà Nội 10 năm không xong

Ngày 12/6/2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký quyết định số 3140/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000 với quy mô diện tích đất quy hoạch khoảng 94ha; quy mô dân số khoảng 20.000 người. Mục tiêu là cụ thể hóa định hướng của đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt… Thời gian lập quy hoạch phân khu là không quá 9 tháng và phù hợp với yêu cầu về kế hoạch, tiến độ của thành phố.

Gần 2 năm sau, tháng 4/2016, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) theo hình thức hợp đồng trọn gói.

Tháng 8/2016, để phục vụ công tác lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lúc này là ông Nguyễn Đức Chung, ký quyết định số 4164 đồng ý Sở QH-KT tổ chức đoàn gồm 10 người là lãnh đạo và cán bộ của Sở QH-KT sang Nhật Bản học tập kinh nghiệm lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch trong thời gian 6 ngày (8 - 13/8/2016). Kinh phí của đoàn công tác này được xác định trong tổng dự toán chi phí lập đồ án trích quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận tỷ lệ 1/2000. Trong 10 thành viên của đoàn có cả ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, khi đó là Trưởng phòng QHKT 2 của sở, hiện đang là Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội. 

Đầu năm 2017, tư vấn Nikken Sekkei Civil đã hoàn thiện đồ án để báo cáo thành phố. Theo đó, Phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận nằm trong địa giới 8 phường thuộc 4 quận: Điện Biên (quận Ba Đình); Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng); Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiện (quận Đống Đa). Giới hạn quy hoạch: phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học; phía Nam: phố Khâm Thiên, đường quy hoạch; phía Đông: đường Lê Duẩn và các phố Nguyễn Thượng Hiền, Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu; phía Tây: phố Tôn Đức Thắng…

Theo đơn vị tư vấn, mục tiêu của đồ án là quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000, nhằm tạo thành đô thị thân thiện với môi trường, hướng tới giảm tác động phát triển đô thị tới môi trường và cải thiện môi trường đô thị. Quy hoạch cải tạo khu nhà ở mật độ cao hiện hữu, bảo đảm môi trường sống tốt cho dân cư, nâng cao giá trị của các di tích và quần thể di tích kiến trúc hiện có. Đề xuất quy định quản lý theo đồ án quy hoạch được duyệt là cơ sở cho việc lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng các dự án đầu tư theo quy định, quản lý đầu tư, xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt….

Ngày 10/2/2017, tại cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố về việc hoàn thiện đồ án này, sau khi nghe đơn vị tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering và các sở, ngành liên quan báo cáo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp cùng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hướng dẫn đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện đồ án, thực hiện quy trình tiếp theo (trong đó có lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, hội nghề nghiệp; xin ý kiến Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan…); thẩm định , trình phê duyệt theo quy định…

Tuy nhiên, việc triển khai tiếp theo rất ì ạch. Thậm chí, đơn vị tư vấn Nikken đã nhiều lần phát văn bản gửi Giám đốc Sở QH-KT đề nghị Sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán nốt kinh phí. Nhưng sau đó mọi việc vẫn không có tiến triển.

Tháng 10/2021, sau 4 năm đồ án không xong thì Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia được Thủ tướng phê duyệt làm thay đổi định hướng khu vực Ga Hà Nội. Điều này đã buộc Hà Nội phải điều chỉnh lại nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội và phụ cận.

Tháng 4/2022, sau cuộc họp với các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu Sở QH-KT chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch. Theo đó, ranh giới quy hoạch nên thu hẹp. Nghiên cứu định hướng chức năng khu vực Ga Hà Nội trở thành Trung tâm văn hoá, dịch vụ thương mại, du lịch tổng hợp… hình thành trung tâm dịch vụ, văn hoá, thương mại, du lịch tổng hợp, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị công trình kiến trúc Pháp có giá trị kiến trúc trước năm 1954…

Hơn 1 năm sau, tháng 7/2023, Sở QH-KT có văn bản số 3507 đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu Ga Hà Nội. Theo đó, điều chỉnh thu hẹp phạm vi ranh giới, diện tích lập quy hoạch với tổng diện tích 92ha. Quy mô dân số trong phạm vi lập quy hoạch khoảng 24.537 người, gômg 20.000 người thuộc phạm vi lập quy hoạch phân khu và 4.537 người thuộc Khu tập thể Văn Chương...

Ngày 16/8/2023, tại Thông báo số 9342, UBND TP Hà Nội thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn đồng ý với những đề xuất trên, giao Sở QH-KT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng dự toán chi phí lập quy hoạch bằn nguồn vốn chi thường xuyên, thu hồi tiền tạm ứng, nộp trả ngân sách theo quy định…

Cho tới thời điểm này (tháng 11/2024), qua 4 đời Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đồ án vẫn chưa hoàn thành. 

Cần làm rõ trách nhiệm của Sở Quy hoạch- Kiến trúc

Theo quy định của pháp luật, đồ án quy hoạch phân khu bao gồm việc xác định chức năng sử dụng cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; chỉ tiêu về dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật đối với từng ô phố; bố trí công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng; bố trí mạng lưới các công trình hạ tầng kỹ thuật đến các trục đường phố phù hợp với các giai đoạn phát triển của toàn đô thị; đánh giá môi trường chiến lược. Đồ án quy hoạch phân khu là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết…

Do đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận chưa hoàn thành đang gây khó khăn trực tiếp tới việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đặc biệt là tác động tới đời sống của hơn 20.000 người dân tại 8 phường thuộc 4 quận nằm trong vùng quy hoạch.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, không ít doanh nghiệp đang thuê đất làm trụ sở, cơ sở kinh doanh trong khu vực quy hoạch đang gặp khó, bởi đồ án quy hoạch phân khu là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết.

Theo quy định, sau khi hết thời hạn thuê đất với thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức phải làm thủ tục gia hạn thuê đất. Để có căn cứ gia hạn thuê đất, Sở Tài nguyên- Môi trường phải có ý kiến của các cơ quan: Cục Thuế thành phố xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai và các nghĩa vụ tài chính khác trên địa bàn của doanh nghiệp; UBND quận có ý kiến về việc quản lý, sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất, việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường, PCCC của doanh nghiệp trên địa bàn quận… Đặc biệt, Sở QH-KT phải có ý kiến cụ thể về việc đề nghị thuê đất của doanh nghiệp có phù hợp với chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của quy hoạch phân khu đô thị hay không.

Tuy nhiên, do Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận tỷ lệ 1/2000 chưa được phê duyệt thì không có cơ sở để xác định chức năng sử dụng đất, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, việc sử dụng đất, triển khai lập dự án đầu tư tại những khu đất cụ thể mà doanh nghiệp muốn gia hạn thuê sử dụng. Vì vậy, thời gian qua, không ít doanh nghiệp muốn gia hạn sử dụng đất, khi hỏi ý kiến của Sở QH-KT thì đều được Sở trả lời hiện khu đất nằm trong phạm vi, ranh giới lập đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận hiện đang được triển khai nghiên cứu lập quy hoạch. Sau khi quy hoạch phân khu tại đây được phê duyệt, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc sẽ thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Với các trả lời thế này thì người dân, doanh nghiệp sẽ chỉ còn biết… chờ.  

Việc sau 10 năm triển khai, đồ án này vẫn chưa xong là minh chứng của sự lãng phí trong đầu tư công của thành phố Hà Nội. Bởi lẽ ngoài việc ngân sách thành phố đã ứng kinh phí cho đơn vị tư vấn với số tiền nhiều tỷ đồng để triển khai lập đồ án; cử cả một đoàn cán bộ sang Nhật học kinh nghiệm thẩm định, phê duyệt đồ án thì suốt 10 năm qua còn phải chi ngân sách để duy trì bộ máy thực hiện. Thậm chí, năm 2022, UBND TP Hà Nội đã lập hẳn một Ban Quản lý đồ án Quy hạch kiến trúc thuộc Sở QH-KT để triển khai lập các đồ án quy hoạch theo Quyết định 1279 (trong đó có đồ án quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội và phụ cận). Đơn vị này có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng được nhà nước đảm bảo ngân sách hoạt động với 27 nhân sự nhưng tới nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. 

Lật lại hồ sơ này, chúng tôi thấy rằng để xảy ra tình trạng này, ngoài trách nhiệm của lãnh đạo Sở QH-KT thì còn có trách nhiệm của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Sở QH-KT.

Cụ thể, ngày 20/5/2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao quyết định của Thành ủy Hà Nội và UBND TP điều động ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở QH-KT đến công tác tại Đảng bộ quận Hoàn Kiếm, giữ chức Phó Bí thư Quận ủy và giới thiệu để HĐND quận bầu làm Chủ tịch UBND quận nhiệm kỳ 2011- 2016.

Tuy nhiên, chỉ một ngày trước khi nhận nhiệm vụ mới, ngày 19/5/2014, ông Dương Đức Tuấn, với vai trò Phó Giám đốc Sở QH-KT, đã ký xác nhận nội dung Nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và phụ cận tủ lệ 1/2000 kèm theo tờ trình số 1878/TTr-QHKT trình phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận tỷ lệ 1/2000. Đây là một trong những cơ sở để ngày 12/6/2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định 3140/QĐ-UBND Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000.

Kể từ đó đến nay, hàng năm thành phố đều đặn bố trí vốn để thực hiện đồ án này và luôn luẩn quẩn trong công tác tổ chức thực hiện giữa Sở QH-KT và UBND TP Hà Nội. Thậm chí, ông Dương Đức Tuấn hiện là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp phụ trách lĩnh vực quy hoạch kiến trúc nhưng chưa hề chỉ đạo duyệt đồ án này, dù đó là sản phẩm do chính mình tham mưu đề xuất trình thành phố từ năm 2014. Trong khi là người trực tiếp tham gia từ đầu, hơn ai hết ôn Tuấn phải là người biết rõ đồ án này có những vướng mắc hoặc chưa hoàn thiện ở khâu nào và phải có chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ.

Cho tới thời điểm này, mục tiêu phủ kín quy hoạch phân khu của Hà Nội đã không thành hiện thực do đồ án quy hoạch phân khu đô thị Ga Hà Nội và phụ cận vẫn chưa xong. Mới đây nhất, ngày 22/11/2024, ông Dương Đức Tuấn ký văn bản só 3889/UBND-ĐT gửi Giám đốc Sở QH-KT, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng). Tjheo đó, ngày 25/7/2024, UBND TP Hà Nội có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065.

“Tuy nhiên, đế nay Sở QH-KT, Viện Quy hoạch xây dựng chậm thực hiện chỉ đạo của UBND TP, làm ảnh hưởng đế tiến độ, kế hoạch công tác của UBND Thành phố. UBND Thành phố nghiêm khắc phê bình Sở QH-KT. Viện Quy hoạch xây dựng trong việc chậm thực hiện nhiệm vụ đã được UBND Thành phố giao…”, văn bản nêu. 

Câu hỏi đặt ra là chỉ với 1 đồ án mà 10 năm qua không được duyệt là do năng lực chuyên môn của đơn vị tư vấn hay do năng lực của các cán bộ được giao nhiệm vụ này ở Sở QH-KT? Trách nhiệm này thuộc về ai?

Mai Tố Uyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN