Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỳ vọng!

Thứ Bảy, 21/12/2024 20:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 22/12, tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức đưa vào vận hành thương mại sau 12 năm xây dựng. Công trình được kỳ vọng thay đổi hệ thống giao thông công cộng, tạo đà cho sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế-xã hội của Thành phố trong tương lai.

Ngày 28/8/2012, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức được khởi công xây dựng. Tuyến đường có chiều dài 19,7 km (2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao) đi qua địa bàn Quận 1, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh và thành phố Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son), 11 nhà ga trên cao (Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Bến xe Suối Tiên) và depot Long Bình.

Các tuyến xe buýt kết nối với Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: Độc Lập - Đồ họa: Bảo Nguyễn

Sau 12 năm triển khai, ngày mai (22/12/2024), TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức đưa vào vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố - một trong 8 tuyến của hệ thống quy hoạch đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh. Hiện Thành phố đang trình “siêu đề án” phát triển hệ thống đường sắt đô thị, trong đó đề xuất mục tiêu đến năm 2035, xây dựng hoàn chỉnh thêm 7 tuyến với chiều dài khoảng 355 km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD.

Như vậy, có thể thấy, tuyến metro số 1 đang được kỳ vọng mở ra thời kỳ mới cho việc đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị của TP Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào giải quyết tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, thay đổi bộ mặt giao thông đô thị và đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, thúc đẩy mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) hiện đại, tiện lợi. Với tuyến metro số 1 của TP Hồ Chí Minh sắp đưa vào khai thác hứa hẹn đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân và đây cũng sẽ là cơ hội lớn đối với một thành phố năng động và phát triển như TP Hồ Chí Minh.

Ngoài mục đích phục vụ giao thông đi lại, tuyến metro số 1 còn tạo ra mô hình đô thị vệ tinh. Đây là mô hình mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đã phát triển và khá thành công. Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ đưa các nhà ga metro trở thành không gian thương mại, giải trí, văn hóa. Trong đó điểm nhấn là khu vực nhà ga Bến Thành (quận 1) với thiết kế ngầm rộng lớn, có quy mô 4 tầng hầm. Vài năm tới, nhà ga Bến Thành sẽ là đầu mối của ít nhất 3 tuyến metro khác, trong đó có tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương đang thi công gói di dời hạ tầng điện nước, cáp viễn thông. Theo kế hoạch, không gian ngầm của nhà ga Bến Thành sẽ trở thành trung tâm thương mại, du lịch, giải trí, triển lãm, tham quan… của người dân. Điều này không chỉ tạo động lực kinh tế mà còn định hình lối sống mới cho cư dân đô thị trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, Thành phố cũng còn gặp phải không it khó khăn, thách thức.

Câu hỏi đặt ra: Làm sao để Thành phố khai thác hiệu quả tuyến metro số 1 này và trong thời gian tới là các tuyến metro khác?

Theo các chuyên gia, cái khó đầu tiên mà ai cũng nhìn thấy đó là chúng ta bắt đầu quản lý điều hành và nhu cầu hành khách còn thấp so với công suất thiết kế, do mạng lưới metro và cả mạng lưới giao thông công cộng chưa hoàn chỉnh và gắn kết. Do đó, đòi hỏi Thành phố phải chú ý tới việc tích hợp với các phương thức khác đồng thời phải quan tâm vấn đề thông tin truyền thông rộng rãi để chính người dân Thành phố, những du khách khi tới đây sẵn sàng lựa chọn hình thức giao thông hiện đại và thuận tiện này.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đây mới chỉ là khởi đầu cho một hành trình mới, dài hơn. Những câu chuyện tiếp theo sẽ xoay quanh vấn đề làm sao để tuyến đường sắt này không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối không gian đô thị và định hình lối sống mới.

Hà Nội có tàu điện và bây giờ là TP Hồ Chí Minh, điều này góp phần nối dài vào danh sách 222 thành phố của 70 quốc gia trên thế giới có metro. Từ những kinh nghiệm xây dựng cho tới vận hành tuyến metro số 1 chúng ta cùng hi vọng đây sẽ là điền đề quan trọng để TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến khác trong tương lai với hiệu quả về mặt thời gian cũng như chi phí, công nghệ, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện đại và đồng bộ cho TP Hồ Chí Minh.

Các bãi giữ xe máy nằm dọc các ga trên cao

Được biết, những ngày qua, nhiều người dân tại TP Hồ Chí Minh đã được trải nghiệm trên tuyến metro đầu tiên của Thành phố.

Tuyến metro số 1 có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách, bao gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành giá vé với mức từ 6.000 - 20.000 đồng/lượt. Vé theo thời gian 1 ngày là 40.000 đồng/người; giá vé 3 ngày là 90.000 đồng/người. Giá vé tháng cho hành khách phổ thông là 300.000 đồng/tháng và học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/tháng.

Tại kỳ họp vừa qua, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ giá vé cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện.

Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tàu điện bắt đầu khai thác vận hành thương mại, hành khách đi Metro Bến Thành-Suối Tiên sẽ được miễn giá vé 100%. Khách đi 17 tuyến xe buýt kết nối tuyến metro cũng được miễn phí trong thời gian này./.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN