Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo kiệt xuất, lỗi lạc của cách mạng Việt Nam

Thứ Ba, 09/07/2024 10:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, đặc biệt là 2 năm trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một chiến sỹ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất, lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, người đã hy sinh trọn đời vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912, tại xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình nhà nho nghèo. Cả ông nội và ông ngoại của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đều là nhà nho yêu nước và đều làm nghề dạy học. Nguyễn Văn Cừ ở với ông ngoại từ nhỏ, được ông dạy chữ Hán và truyền dạy lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã bộc lộ tư chất thông minh, tính kiên định và sớm giác ngộ tinh thần yêu nước sâu sắc.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ  (1912 - 1941) 

Năm 1927, Nguyễn Văn Cừ lên Hà Nội học và thi đỗ vào trường Bưởi (nay là Trường Trung học Chu Văn An). Tại đây, Nguyễn Văn Cừ được giác ngộ cách mạng, tham gia nhiều hoạt động yêu nước, được đọc báo Thanh niên và tác phẩm “Đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ đó, tích cực tham gia nhiều hoạt động yêu nước và cách mạng. Đến tháng 5/1928, do những hoạt động yêu nước và cách mạng, Nguyễn Văn Cừ bị đuổi học, trở về dạy học ở làng Hà Lỗ, tức làng Giỗ Đông, nay thuộc huyện Đông Anh - ngoại thành Hà Nội để tìm cách liên lạc với tổ chức. Thời gian dạy học ở đây, Nguyễn Văn Cừ đã gặp được nhiều nhà cách mạng lớp đàn anh, những người có tầm ảnh hưởng lớn với cách mạng Việt Nam; trong đó, có đồng chí Ngô Gia Tự - một lãnh tụ của Đảng sau này. Tháng 8/1928, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt, giam giữ 12 ngày rồi thả.

Cuối tháng 8/1928, Kỳ bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bí mật họp tại Hà Nội, đề ra chủ trương đưa các hội viên đi “vô sản hóa” tại các hầm mỏ, xí nghiệp, công trường. Lúc này, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp theo dõi, giám sát, nên đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Bắc Ninh đã cử và giới thiệu Nguyễn Văn Cừ với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng phụ trách cả vùng mỏ - để đưa Nguyễn Văn Cừ ra vùng mỏ than Đông Bắc hoạt động, chủ yếu là ở khu mỏ Vàng Danh.

Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Nguyễn Văn Cừ là một trong những đảng viên đầu tiên được xét kết nạp vào Đảng, khi mới 17 tuổi. Tháng 9/1929, Nguyễn Văn Cừ được rút về Hải Phòng phụ trách việc xây dựng trạm liên lạc của Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng với nước ngoài, qua đường tàu biển; sau đó, được đồng chí Nguyễn Đức Cảnh điều về giúp việc cho Tỉnh ủy Hải Phòng. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930), ở trong nước diễn ra cuộc sắp xếp tổ chức mạnh mẽ, từ các chi bộ của các tổ chức cộng sản tiền thân thành các chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và phát triển tổ chức chi bộ mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ tích cực dấn thân vào khắp vùng mỏ Quảng Ninh để hoạt động. Cuối năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đề xuất và được Xứ ủy Bắc Kỳ chấp thuận, đã đứng ra lập Đặc khu ủy vùng mỏ và được cử làm đại diện của Xứ ủy Bắc Kỳ bên cạnh Đặc khu ủy.

Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và
cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh” nhân kỷ niệm 110 năm
Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. (Ảnh: Anh Tuấn) 

Ngày 15/2/1931, trên đường công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Mật thám Pháp giam giữ đồng chí qua các nhà lao, từ Hòn Gai, Hải Phòng đến Hỏa Lò - Hà Nội. Ngày 13/5/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí tham gia cách mạng bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án lưu đày chung thân và đày ra Côn Đảo.

Năm 1936, do sự thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, Chính phủ của Mặt trận Bình dân Pháp ra lệnh tổng ân xá tù chính trị ở Đông Dương. Sau hơn 5 năm bị lưu đày ở địa ngục trần gian Côn Đảo, ngày 29/9/1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều nhà cách mạng được trở về đất liền và được thả tự do.

Cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Văn Cừ ra Hà Nội móc nối các đồng chí tham gia cách mạng để tiếp tục hoạt động, khôi phục cơ sở đảng sau những năm bị địch khủng bố trắng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Minh (một người được đào tạo từ Quốc tế Cộng sản về) lập ra Ủy ban sáng kiến, lần lượt thu hút vào Ủy ban này những cán bộ cách mạng mới được địch thả tự do về hoạt động ở Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo, phân công của Ủy ban sáng kiến, tổ chức đảng lần lượt được khôi phục ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác. Đến tháng 3/1937, Hội nghị thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời được triệu tập. Tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, được Xứ ủy phân công làm đại diện Xứ ủy bên cạnh Trung ương Đảng.

Cuối tháng 8 đến đầu tháng 9/1937, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp ở Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong được bầu làm Thường vụ Trung ương, do đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư.

Trong hai ngày 29 và 30/3/1938, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương họp tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang ở Mát-xcơ-va; bầu Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí; bầu Ban Bí thư gồm 3 đồng chí (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong) - đây là cơ quan mới của Đảng - do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư. Như vậy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành Tổng Bí thư thứ tư của Đảng khi chưa đầy 26 tuổi, trẻ nhất trong Ban Chấp hành Trung ương, lại chưa được đào tạo ở nước ngoài. Điều này thể hiện năng lực xuất chúng của đồng chí, một nhân cách cộng sản cao đẹp và có một nghị lực phi thường, nên giành được sự tín nhiệm của tập thể những người cộng sản đã dày dạn trên con đường đấu tranh giành độc lập.

Trên cương vị là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, mặc dù chỉ trong khoảng thời gian 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất của một lãnh tụ tài năng, sáng tạo. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sục sôi trong cả nước, tạo ra cục diện phát triển mới của cách mạng Việt Nam, tiền đề dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
(Ảnh: bacninh.gov.vn)  

Là một người thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cải lương, cơ hội, với tác phẩm “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng. Tác phẩm “Tự chỉ trích” đã thể hiện Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một nhà lãnh đạo có tầm chiến lược, linh hoạt và sáng tạo trong chỉ đạo thực tiễn. Tác phẩm này còn toát lên năng lực tư duy lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tình thế cách mạng đòi hỏi Đảng phải vươn lên ngang tầm, trong tổng kết thực tiễn để sáng tạo lý luận xây dựng Đảng. “Tự chỉ trích” đã trở thành một tác phẩm lý luận chính trị kinh điển bàn về tự phê bình và phê bình trong Đảng, góp phần to lớn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, là tác phẩm xuất sắc, có vị trí quan trọng trong kho tàng lý luận của Đảng ta và cách mạng Việt Nam.

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, địch ráo riết săn lùng người lãnh đạo đầy tài trí của Đảng. Ngày 18/1/1940, trên đường từ nhà chị Hai Sóc ở làng Bà Điểm (Gò Vấp - Gia Định) - nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở lúc đó - đến cơ quan Đảng ở đường Nguyễn Tấn Nghiêm (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), mật thám Pháp đã vây bắt được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cùng nhiều cán bộ cách mạng.

Rạng sáng ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng bị địch xử bắn tại Ngã Ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, đặc biệt là 2 năm trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một chiến sỹ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất, lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, người đã hy sinh trọn đời vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. 

Đồng chí là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh cách mạng.

Đồng chí đã để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học vô cùng quý giá về tinh thần cách mạng triệt để, tinh thần tự phê bình và phê bình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tế phong phú với lý luận khoa học, giữ vững mối quan hệ máu thịt với quần chúng nhân dân.../.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN