Đồng chí Trần Đăng Ninh - Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
(ĐCSVN) - Đồng chí Trần Đăng Ninh là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tinh thần kiên trung, bất khuất, tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân. Ghi nhận những đóng góp lớn lao của đồng chí Trần Đăng Ninh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Sao Vàng.
Đồng chí Trần Đăng Ninh (tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng) sinh năm 1910, tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội).
Thuở nhỏ, mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng đồng chí vẫn được theo học chữ Nho với một thầy đồ trong làng, sau đó học lớp tiểu học ở trường làng. Lớn lên, đồng chí xin gia đình cho ra Hà Nội để học nghề in và làm thợ tại Nhà in Lê Văn Tân.
Năm 1935, với bản lĩnh của một thanh niên yêu nước, không chịu cảnh lầm than, nô lệ, khi làm công nhân tại Nhà in Lê Văn Tân, đồng chí đã sớm giác ngộ Chủ nghĩa cộng sản và tham gia cách mạng. Năm 1936, đồng chí tham gia Phong trào Đông Dương Đại hội, được cử vào Ban Chấp hành Nghiệp đoàn ái hữu thợ in Hà Nội. Tháng 7/1936, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Với ánh sáng soi đường của chủ nghĩa cộng sản, cùng trái tim nhiệt huyết của người chiến sỹ cách mạng và năng lực công tác xuất sắc, cuối năm 1939, đồng chí đã được chỉ định vào Thành ủy Hà Nội; năm 1940 tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ.
Đồng chí Trần Đăng Ninh (1910 - 1955). (Ảnh: thanhtra.gov.vn) |
Tháng 9/1940, khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, đồng chí được Xứ ủy cử lên lãnh đạo phong trào Bắc Sơn. Tháng 5/1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 7/1941, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Ngày 21/11/1941, đồng chí bị giặc Pháp bắt và giam tại nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội. Cuối năm 1942, bị phát vãng lên nhà lao Sơn La, nơi rừng sâu, núi thẳm với ý đồ của thực dân Pháp hòng bóp nghẹt ý chí cách mạng của người chiến sỹ cộng sản. Mặc dù bị giặc Pháp giam cầm, tra tấn dã man, đầy qua 2 nhà lao Hỏa Lò, Sơn La, song với bản lĩnh của người cộng sản, kiên định lý tưởng cách mạng, đồng chí vẫn bí mật tham gia hoạt động trong Ban đấu tranh nhà lao Hỏa Lò và vào Ban Chấp hành Chi bộ đặc biệt ở nhà lao Sơn La.
Giữa năm 1943, đồng chí vượt ngục trốn khỏi nhà lao Sơn La, sau khi bắt liên lạc lại với cách mạng, được Trung ương chỉ định hoạt động cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt trong Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ. Tháng 12/1943, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai và giam tại nhà lao Hỏa Lò.
Hội thảo khoa học “Hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Đăng Ninh với phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn và khu vực Bắc Bộ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/8/2024. (Ảnh: tuyengiao.vn) |
Đêm ngày 9/3/1945, lợi dụng thời cơ Nhật đánh Pháp, đồng chí đã vượt ngục nhà lao Hỏa Lò và tiếp tục hoạt động. Tháng 4/1945, được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc kỳ. Tháng 5/1945, được cử tham gia Bộ Tư lệnh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 8/1945, được cử vào Ủy ban Tổng khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được chỉ định vào Ban Chấp hành Tổng bộ Việt Minh.
Cuối năm 1946, sau khi giặc Pháp phá bỏ Hiệp ước sơ bộ được ký kết ngày 6/3/1946 giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Chính phủ Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, đồng chí Trần Đăng Ninh được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách việc bố trí, di chuyển các cơ quan của Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc; làm phái viên của Chính phủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước; phái đi giải quyết nhiều việc quan trọng, nhiều nhiệm vụ đặc biệt, có liên quan đến một số chính sách của Đảng như: Việc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc; chính sách dân tộc; chính sách tôn giáo và chính sách đối với nhân sỹ, trí thức…
Giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ của một Đảng vừa giành được chính quyền đã phải bước vào cuộc kháng chiến cứu quốc, song Trung ương Đảng luôn chú trọng tới công tác xây dựng Đảng; coi trọng công tác kiểm tra để giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng được giao trọng trách làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Sau khi Ban Kiểm tra Trung ương được thành lập, với vai trò là Trưởng Ban Kiểm tra, đồng chí Trần Đăng Ninh, cùng Ban Kiểm tra Trung ương, các ban kiểm tra khu ủy, liên khu ủy (sau một thời gian được thành lập) đã thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng của Trung ương và các cấp ủy giao. Ở Trung ương có những vụ việc quan trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho đồng chí Trần Đăng Ninh, cùng một số cán bộ thực hiện.
Để tưởng nhớ đồng chí Trần Đăng Ninh, tháng 7/1956, Bưu điện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát hành một bộ tem gồm 4 mẫu in chân dung đồng chí. |
Năm 1949, đồng chí tham gia Đảng đoàn Mặt trận dân tộc thống nhất, được bổ nhiệm làm Phó Tổng thanh tra của Chính phủ và được cử vào Ban Giám sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Năm 1950, đồng chí được phái sang Trung Quốc đặt quan hệ và yêu cầu bạn chi viện cho cuộc kháng chiến của Việt Nam. Sau khi về nước, đồng chí được giao nhiệm vụ đặc phái viên của Chính phủ, phụ trách công tác cầu đường và vận tải phục vụ tiền tuyến. Tháng 7/1950, đồng chí được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, Bộ Quốc phòng. Năm 1951, đồng chí được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp tục phụ trách công tác hậu cần trong quân đội. Tuy nhiên, do mắc bệnh hiểm nghèo, đồng chí đã mất vào ngày 6/10/1955, để lại nhiều thương tiếc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước.
Ghi nhận những đóng góp lớn lao của đồng chí Trần Đăng Ninh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Sao Vàng… Bưu điện Việt Nam đã phát hành bộ tem in chân dung đồng chí.
Hiện nay, một số con đường, trường học trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Điện Biên, thành phố Hà Nội mang tên đồng chí Trần Đăng Ninh./.