Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người nghệ sĩ đa tài của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam

Thứ Sáu, 15/11/2024 09:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhạc sĩ Văn Cao là một trong những nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam; là tác giả của "Tiến quân ca" - Quốc ca của Việt Nam; đồng thời cũng là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Văn Cao còn là một chiến sĩ cách mạng, họa sĩ, nhà thơ với nhiều tác phẩm giá trị.

Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15/11/1923, tại Lạch Tray, Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Thuở nhỏ, Văn Cao học ở Trường tiểu học Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng), sau lên học trung học tại trường dòng Saint Joseph, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc.

 Nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh: vnanet.vn)

Năm 1938, khi mới 15 tuổi, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành trung. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.

Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời, ông tham gia vào nhóm Đồng Vọng và bắt đầu sáng tác ca khúc. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, đây được coi là bài thơ đầu tay của ông.

Năm 1942, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội, theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy.

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh mà ông đã quen biết trước đó. Vũ Quý thuyết phục ông tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc. Văn Cao đã sáng tác ca khúc đó trong nhiều ngày tại căn gác số 171 phố Mongrand (phố Nguyễn Thượng Hiền ngày nay) và đặt tên cho tác phẩm là "Tiến quân ca". "Tiến quân ca" được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt "Tiến quân ca" làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn "Tiến quân ca" làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại Điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca".

Lễ tiếp nhận Bài "Tiến quân ca" do gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao hiến tặng và truy tặng Huân Chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao, ngày 15/7/2016. (Ảnh: TTXVN) 

Trong năm 1944, Văn Cao được Vũ Quý giao nhiệm vụ thành một lập đội vũ trang, thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có công tác bảo vệ an toàn cho các đội viên tuyên truyền tại các nơi công cộng do Văn Cao làm đội trưởng với tên gọi Đội danh dự Việt Minh.

Đội danh dự Việt Minh được thành lập vào cuối tháng 12/1944 tại căn gác nhỏ của Văn Cao ở 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. Những đội viên trong đội đều do Văn Cao tuyển chọn. Đa số là những người bạn hoạt động với ông ở Hải Phòng. Văn Cao thường xuyên tổ chức những khóa huấn luyện ngắn ngày cho đồng đội của mình về võ thuật, sử dụng vũ khí và kỹ năng hóa trang... (Văn Cao học võ từ năm 9 tuổi. Thời trai trẻ ở Hải Phòng, Văn Cao đã nhiều lần lên võ đài thi đấu và biểu diễn võ thuật).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Lao động. Năm 1946, Văn Cao được cử cùng đồng chí Hà Đăng Ấn chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ. Sau đó chính thức được mời tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc và được bầu là Ủy viên Chấp hành, Văn Cao hoạt động ở liên khu III, phụ trách tổ điều tra của Công an Liên khu và viết báo Độc Lập.

Đầu năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của công an Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Tháng 3/1948, Văn Cao được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1949, Văn Cao thôi làm báo Văn Nghệ chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Cuối năm 1954, hòa bình lập lại, Văn Cao trở về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh. Ông nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khóa I và III).

Văn Cao là người chiến sĩ cách mạng nhưng cũng là người nghệ sĩ đa tài, ông khẳng định tài năng của mình trên cả ba lĩnh vực thi ca, hội họa và âm nhạc.

Ở lĩnh vực hội họa, với năng khiếu thiên bẩm, ngay từ khi học lớp đồng ấu, Văn Cao đã được thầy học chọn trình bày báo trường và từ bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn ấy được học tập, bồi dưỡng đã giúp Văn Cao tiến dài trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Sau khi vào học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương (1943), Văn Cao đã đến với chất liệu sơn dầu. Ông tham gia trưng bày “Triển lãm Duy nhất” (Salon Unique - 1944) với ba bức tranh sơn dầu “Cô gái dậy thì”, “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”, “ Thái Hà ấp đêm mưa” và lập tức gây chấn động dư luận. Ba bức tranh đều được giải thưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, lên Lào Cai, Văn Cao tiếp tục vẽ tranh thể hiện rung động nghệ sĩ của ông trước cuộc sống kháng chiến với các bức tranh “Phố lu”, “Gối mộng”, “Suối tóc”, “Lớn lên trong kháng chiến” được xem là những họa phẩm thành công… Từ sau năm 1956, Văn Cao đi vào hướng thẩm mĩ mới, ông làm bìa sách, vẽ tranh minh họa, kí họa chân dung. Hàng trăm bức tranh minh họa Báo Văn nghệ, rất nhiều bìa sách ông làm cho Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Ngoại văn, một số chân dung bạn bè văn nghệ sĩ thân quen… đã được công chúng đánh giá cao.

Chương trình nghệ thuật “Đàn chim Việt” kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023). (Ảnh: vietnamplus.vn)

Tuy nhiên, có lẽ âm nhạc mới là lĩnh vực mà Văn Cao được mọi người biết đến nhiều nhất. “Buồn tàn thu” (1940) là ca khúc đầu tay của ông với ca từ đẹp, giai điệu buồn tha thiết. Mặc dù số ca khúc Văn Cao sáng tác không nhiều, nhưng trong đó có nhiều bài nổi tiếng, từ các ca khúc lãng mạn “Buồn tàn thu”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”…, các hành khúc “Thăng Long hành khúc ca”, “Gò Đống Đa”, “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, các thôn ca “Làng tôi”, “Ngày mùa”, đến chính ca “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, anh hùng ca “Chiến sĩ Việt Nam”, “Trường ca sông Lô”… đã được bao thế hệ công chúng yêu thích, ngưỡng mộ. Ông còn sáng tác ca khúc và viết nhạc cho vở kịch “Nhật kí địa chất”, “Từ Trường Sơn”, “Hà Nội năm 1946” và các phim “Tiếng đàn diệu kì”, “Thạch Sanh” (phim cắt giấy)…

Cùng với âm nhạc, hội hoạ, Văn Cao cũng đã để lại cho nhân thế những sáng tác thơ nổi tiếng. Năm 1940 Văn Cao hoàn thành tác phẩm “Một đêm đàn lạnh trên sông Hương”. Sau đó ông còn công bố những bài thơ gây tiếng vang lớn. Thơ của Văn Cao luôn luôn có sự đổi mới, nhạy cảm với thời cuộc, nhân tình thế thái, luôn tạo cho thơ sức nặng của tầm cao tư tưởng.

Nhạc sĩ Văn Cao mất ngày 10/7/1995, sau một thời gian lâm bệnh. Năm 1996, một năm sau khi mất, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba... Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định...

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN