Đồng chí Lê Hồng Phong - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
(ĐCSVN) - Đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 06/9/1902, tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, phủ Hưng Nguyên (nay là xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), một vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Chân dung đồng chí Lê Hồng Phong. (Ảnh tư liệu) |
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, người dân nô lệ, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.
Từ nhỏ, Lê Hồng Phong đã thể hiện là một cậu bé thông minh, ham học nên được gia đình cho theo học chữ Nho tại trường làng, sau đó chuyển sang học chữ quốc ngữ hết bậc Sơ học yếu lược.
Năm 16 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lê Hồng Phong phải rời quê xuống Vinh xin làm công nhân tại Nhà máy Diêm-Bến Thủy. Chứng kiến cuộc sống lầm than của những người lao động, Lê Hồng Phong cùng với người bạn thân của mình là Phạm Thành Khôi (tức Phạm Hồng Thái) đã vận động công nhân đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi và phản đối chính sách hà khắc của giới chủ. Sau sự kiện này, Lê Hồng Phong bị đuổi việc.
Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã, sau đó gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng và năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham gia lớp huấn luyện cán bộ cách mạng do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Bắt đầu từ đây, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong đã gắn liền với phong trào cộng sản quốc tế và sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Thẻ đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong. (Ảnh tư liệu) |
Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Từ năm 1924 - 1931, sau khi sang đến Thái Lan một thời gian, Lê Hồng Phong cùng một số bạn bè tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1924. Ở Quảng Châu, Lê Hồng Phong cùng một số bạn như: Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lâm Đức Thụ trong nhóm Tâm Tâm xã đã tích cực khôi phục lại phong trào yêu nước đang bị suy yếu.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu. Người tiếp xúc với nhóm người Việt Nam yêu nước ở đây, lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nguyễn Ái Quốc mở các lớp huấn luyện chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng vô sản. Lê Hồng Phong là một trong những học trò đầu tiên của Người, được Người giác ngộ đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản.
Từ tháng 8/1924 đến hết năm 1925, Lê Hồng Phong tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ dân quốc. Đồng chí được chuyển sang Trường Hàng không ở Quảng Châu. Tại đây, tháng 2/1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Do học xuất sắc, đồng chí được Chính phủ Quảng Châu và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học từ tháng 10/1926 đến tháng 12/1927 và tốt nghiệp Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát. Sau đó, đồng chí vào học Trường Đào tạo phi công quân sự tại Bôrítxgơlépxcơ. Học chưa xong khóa, thì tháng 10/1928, đồng chí được cử về học ở Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Ở đây, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và tham gia trong Ủy ban tổ chức Đảng nhóm Đông Dương. Sau 3 năm học, đồng chí tốt nghiệp Trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Đồng chí vào học tiếp năm thứ nhất nghiên cứu sinh, đang học dở dang thì tháng 11/1931, đồng chí được cử về nước để tham gia công tác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ Liên Xô, đồng chí Lê Hồng Phong lên đường về nước vào cuối năm 1931. Việc cần thiết là phải định hướng cho phong trào hoạt động. Đồng chí Lê Hồng Phong đã tham gia soạn thảo Chương trình hành động của Đảng, được Quốc tế Cộng sản thông qua.
Tháng 7/1933, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Cao Bằng làm việc với Tỉnh uỷ nhằm xây dựng Cao Bằng thành căn cứ vững mạnh để chắp nối liên lạc, phát triển phong trào cách mạng khắp cả nước. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, hệ thống cơ quan lãnh đạo tỉnh uỷ, thành uỷ… Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước được khôi phục.
Tháng 3/1934, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (Ban Chỉ huy ở ngoài) được tiến hành. Sự thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài cùng Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài và đại diện các tổ chức đảng trong nước đã khẳng định vị trí lãnh đạo tối cao của Ban Chỉ huy ở ngoài đối với các tổ chức Đảng, đồng thời cũng ghi nhận vai trò chỉ đạo cao nhất của đồng chí Lê Hồng Phong đối với mọi vấn đề về đường lối, tổ chức của Đảng; trong đó có việc quan trọng là chuẩn bị mọi mặt về đường lối, tổ chức, nhân sự cho Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ ngày 27 - 31/3/1935, Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương được diễn ra. Mặc dù không trực tiếp dự Đại hội nhưng vai trò và tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong đã được thể hiện trong tiến trình và kết quả của Đại hội; đồng thời việc Đại hội bầu vắng mặt đồng chí Lê Hồng Phong vào cương vị Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) đã khẳng định công lao và uy tín của Đồng chí đối với việc xây dựng đường lối chính trị, khôi phục cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong thời gian diễn ra Đại hội lần thứ I Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đến Mátxcơva tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu là Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản.
Trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 1935 - 1936 và Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong đã có nhiều cống hiến to lớn đối với cuộc đấu tranh thống nhất các quan điểm trong Đảng, xây dựng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng phù hợp với tình hình mới trên thế giới và trong nước, trên cơ sở vận dụng Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, để tập hợp rộng rãi lực lượng quần chúng trong cuộc đấu tranh chống nguy cơ phát xít, chống chiến tranh đế quốc, đòi tự do, cơm áo hoà bình cho dân tộc, qua đó giáo dục, rèn luyện và nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng.
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong chủ trì, diễn ra vào ngày 26/7/1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc) có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị này, chính từ việc vận dụng chính xác đường hướng chung của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng điều chỉnh chiến lược và thay đổi sách lược, đưa cách mạng Việt Nam vào một thời kỳ mới, hòa nhập với xu thế chung của cách mạng thế giới và khu vực.
Cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động bí mật tại Sài Gòn. Sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3/1938, đồng chí Lê Hồng Phong tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ và có nhiều đóng góp trên mặt trận báo chí nhằm thống nhất các quan điểm của Đảng về đấu tranh dân chủ. Thông qua các hoạt động tư tưởng, lý luận, đồng chí Lê Hồng Phong đã luận giải, tuyên truyền, cổ động các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, uốn nắn những nhận thức mơ hồ, lệch lạc trên các vấn đề chiến lược, sách lược trong một bộ phận đảng viên và quần chúng Nhân dân; vạch trần các luận điệu sai trái, phản động, cơ hội chủ nghĩa của bọn tờrốtkít, tay sai của chủ nghĩa phát xít, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng đó, đồng chí đã tỏ rõ sự nhạy bén, bản lĩnh chính trị, sự kiên định và trình độ tri thức lý luận khoa học; góp phần quan trọng trong việc xây dựng và củng cố Đảng về mặt tư tưởng, tổ chức, đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam thời kỳ Mặt trận dân chủ, cũng là sự chuẩn bị tích cực để đi tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Phần trưng bày về đồng chí Lê Hồng Phong tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Vietnamplus) |
Người chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên trung
Thời gian học tập và rèn luyện tại Trung Quốc, đồng chí Lê Hồng Phong đã hăng hái tham gia chiến đấu trong quân đội của Chính phủ cách mạng Quảng Châu do Tôn Trung Sơn đứng đầu để bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, chống lại các thế lực quân phiệt, các lực lượng phản động ở Trung Quốc khi đó. Đồng chí tích cực hoạt động, ủng hộ, bảo vệ cách mạng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tham gia Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức - tổ chức cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Malaixia, Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia thành lập năm 1925.
Đồng chí cũng hăng hái tham gia trong tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ (MOPR) do Quốc tế Cộng sản thành lập, nhằm giúp đỡ, bảo vệ những chính trị phạm, chống lại sự đàn áp, khủng bố của chính quyền đế quốc thực dân.
Với những nỗ lực, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Phong đối với phong trào cách mạng Trung Quốc, năm 1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong những năm học tập tại Liên Xô, đồng chí Lê Hồng Phong đã đóng vai trò là cầu nối giữa Quốc tế Cộng sản và cách mạng Việt Nam, giúp Quốc tế Cộng sản những ý kiến quý báu về phong trào cách mạng Đông Dương.
Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1929) và được Đại hội VII Quốc tế Cộng sản bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Đồng chí thực sự là tấm gương tiêu biểu, cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản về sự kết hợp tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.
Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Lo sợ trước phong trào cách mạng dâng cao, thực dân Pháp tăng cường đàn áp. Tháng 1/1940, chúng bắt giam đồng chí Lê Hồng Phong tại quê, rồi giam vào Khám Lớn Sài Gòn, cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Trước những đòn tra tấn dã man, liên tục của địch, đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời. Chúng hành hạ đồng chí cho đến kiệt sức. Trước khi trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942, đồng chí nhắn lại: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất người cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong là tài sản vô giá của Đảng và cách mạng Việt Nam, có giá trị trường tồn, sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam./.