Nâng cao nhận thức về sóng thần trên toàn thế giới
(ĐCSVN) - Ngày Nhận thức về sóng thần thế giới (05/11) được kỷ niệm nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia và các tổ chức quốc tế cùng thường xuyên nâng cao nhận thức về sóng thần và chia sẻ những cách tiếp cận sáng tạo để giảm thiểu rủi ro do sóng thần gây ra.
Một ngôi làng ven bờ biển Sumatra đổ nát sau thảm họa sóng thần tháng 12/2004. (Ảnh: IT) |
Giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương trước thảm họa sóng thần
Hiện tượng sóng thần là một thảm họa thiên nhiên hiếm gặp nhưng có tác động chưa từng có. Một trong những trận sóng thần tàn khốc nhất là trận sóng thần xảy ra vào tháng 12/2004 ở Ấn Độ Dương.
3 tuần sau thảm họa chưa từng có này, cộng đồng quốc tế đã tập trung tại Kobe, Nhật Bản, nơi các quốc gia thành viên đã thông qua Khung hành động Hyogo 2005 - 2015. Tài liệu này tạo thành khuôn khổ quốc tế mang tính chiến lược và có hệ thống đầu tiên nhằm giảm thiểu rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương trước thảm họa. Cộng đồng quốc tế cũng đã thành lập Hệ thống cảnh báo và giảm thiểu sóng thần ở Ấn Độ Dương (gọi là hệ thống SATOI), có các trạm giám sát địa chấn và máy đo thủy triều hài hòa, cho phép phổ biến các cảnh báo sớm tới các trung tâm thông tin quốc gia.
Vào tháng 12/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định tuyên bố ngày 05/11 là Ngày Nhận thức về sóng thần thế giới. Ngày kỷ niệm này được chọn theo giai thoại của Nhật Bản có tên gọi “Inamura no hi” (đốt lúa sau thu hoạch). Giai thoại kể về một nông dân đã đốt các bó lúa quý giá của mình để dẫn đường cho dân làng tới một khu đất cao tránh sóng thần trong trận động đất Ansei Nankai lịch sử xảy ra vào ngày 05/11/1854 tại Hirogawa, tỉnh Wakayama, Nhật Bản. Lòng dũng cảm của anh đã giúp sơ tán ngôi làng. Sau đó, anh bắt đầu xây dựng lại ngôi làng theo cách kiên cường hơn.
Động đất mạnh 9 độ Richter gây sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản ngày 11/3/2011. (Ảnh: IT) |
Truyền lại những bài học cho thế hệ mai sau
Vào ngày 26/12/2004, một trận động đất ở Ấn Độ Dương đã gây ra sóng thần tàn khốc ảnh hưởng đến 14 quốc gia và cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người. Sự kiện này đánh dấu thảm họa toàn cầu lớn đầu tiên trong thế kỷ XXI và vẫn là một trong những thảm họa nguy hiểm nhất cho đến nay.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm xảy ra thảm họa này, bài học mà những người sống sót rút ra - chẳng hạn như nhận biết các dấu hiệu cảnh báo về sóng thần và tầm quan trọng của việc tìm kiếm vùng đất cao hơn - có thể vẫn còn hữu ích cho thế hệ hôm nay.
Chủ đề của Ngày Nhận thức về sóng thần thế giới năm nay (05/11/2024) nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, tập trung vào “thanh niên và thế hệ tương lai”. Các hoạt động được lên kế hoạch cho ngày này nhằm mục đích kỷ niệm 20 năm trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 bằng cách truyền lại những bài học cho các trẻ em và thanh thiếu niên hiện nay.
Nhân ngày kỷ niệm này, Văn phòng Giảm nhẹ Thiên tai của Liên hợp quốc (UNDRR) đã kêu gọi các quốc gia thường xuyên xảy ra sóng thần cập nhật các tuyến đường sơ tán, lắp đặt hệ thống cảnh báo mới và nâng cao nhận thức của trẻ em và thanh thiếu niên. UNDRR cũng khuyến khích thanh thiếu niên và các viện nghiên cứu tham gia trò chơi trực tuyến “Ngăn chặn thảm họa” và học hỏi từ trò chơi này để hiểu cách cứu lấy mạng sống trong thảm họa.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Nhận thức về sóng thần thế giới năm 2024, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: Năm nay đánh dấu kỷ niệm 20 năm thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương, một trong những thảm họa nguy hiểm nhất trong lịch sử gần đây, cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người.
“Vào Ngày Nhận thức về sóng thần thế giới này, chúng ta tôn vinh ký ức về các nạn nhân và đổi mới cam kết bảo vệ 700 triệu người trên thế giới đang bị đe dọa bởi sóng thần. Cách tốt nhất để đạt được điều này là tất cả các đối tác thực hiện sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người của Liên hợp quốc. Sáng kiến này cảnh báo mọi người trên trái đất về nguy cơ sóng thần hoặc các thảm họa khác đang đến gần” – Tổng thư ký António Guterres nhấn mạnh.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, giáo dục là điều cần thiết để cứu lấy các sự sống và như chủ đề năm nay nhắc nhở chúng ta, sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên là rất quan trọng. Ông António Guterres kêu gọi các chính phủ và đối tác ở các khu vực ven biển nâng cao nhận thức để trẻ em và thanh thiếu niên biết cách tiến hành, trong trường hợp phải sơ tán, để quay trở lại các khu vực cao hơn.
Hãy cùng nhau hành động để tương lai của đồng loại không bị sóng thần cuốn trôi. Hãy xây dựng khả năng phục hồi ngay bây giờ!
Sóng thần là gì? Thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Nhật “tsu” (cảng) và “nami” (sóng). Hiện tượng này bao gồm một loạt các đợt sóng khổng lồ được tạo ra bởi những chuyển động đột ngột của đáy biển hoặc các chuyển động diễn ra gần đại dương. Ví dụ, một vụ phun trào núi lửa, một trận động đất và một vụ lở đất có thể gây ra hiện tượng nước biển dâng cao và chuyển động thẳng đứng của một khối nước lớn. Sóng thần thường giống như những bức tường nước tấn công dữ dội vào bờ biển trong vài giờ với chu kỳ từ 05 - 60 phút. Làn sóng đầu tiên thường không thể nhận thấy được nhưng theo sau đó là những làn sóng khác có cường độ đáng kinh ngạc. Nước rút từ đất liền, trong khi một đợt sóng mới tràn vào, mang theo vô số mảnh vụn và thiệt hại do trận lũ trước gây ra. Nguyên nhân gây ra sóng thần là gì? Một trận động đất Sóng thần có thể xảy ra sau một trận động đất, khi đáy đại dương di chuyển dọc theo một đứt gãy. Hầu hết các cơn sóng thần được tạo ra bởi sự chuyển động nơi mảng đại dương và mảng lục địa tiếp xúc với nhau, trong một khu vực được gọi là ranh giới mảng. Nhưng không phải tất cả các trận động đất đều gây ra sóng thần. 4 trường hợp thường có sóng thần là: Tâm chấn của trận động đất nằm dưới đại dương hoặc gần bờ biển. Trận động đất có cường độ mạnh, ít nhất là 6,5 độ Richter. Trận động đất gây ra đứt gãy dọc theo một lỗ hổng và xảy ra ở độ sâu nông, cách bề mặt trái đất chưa đến 70 km. Trận động đất gây ra sự chuyển động thẳng đứng của đáy biển, có thể cao tới vài mét. Sạt lở đất Sạt lở dưới nước hoặc lở đất gần bờ biển cũng có thể tạo ra sóng có biên độ đáng kể do khối lượng mét khối đất bị sập. Một vụ phun trào núi lửa Mặc dù ít thường xuyên hơn nhưng các vụ phun trào núi lửa cũng có thể gây ra sóng thần. Chúng có thể di chuyển khối lượng lớn nước và tạo ra những đợt sóng có sức tàn phá cực lớn. Đó là trường hợp xảy ra vào ngày 27/8/1883 khi núi lửa Krakatoa ở Indonesia phun trào và gây ra sóng thần cực mạnh. Hiện tượng này tàn phá các bờ biển, đặc biệt là san bằng thị trấn Merak ở Java và cướp đi sinh mạng của 36.417 người. Các nhà khoa học cũng lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra trong trường hợp có sự va chạm của sao chổi hoặc vật thể ngoài không gian trong đại dương. Thiên thể Mặc dù không có cơn sóng thần do thiên thạch hoặc tiểu hành tinh rơi xuống nào được ghi nhận trong lịch sử gần đây, nhưng các nhà khoa học ước tính rằng nếu một thiên thể rơi xuống đại dương, một lượng nước lớn chắc chắn sẽ bị dịch chuyển và có thể gây ra sóng thần. (Theo Liên hợp quốc) |