Chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo
(ĐCSVN) - Cùng nhau, chúng ta hãy chấm dứt chu kỳ bạo lực, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và bảo đảm rằng các nhà báo có thể thực hiện sứ mệnh thiết yếu của mình một cách an toàn và không sợ hãi - ở mọi nơi.
Vào tháng 12/2013, tại phiên họp thứ 68, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết mang tên “An toàn của các nhà báo và vấn đề miễn trừ”, trong đó tuyên bố ngày 02/11 đánh dấu Ngày quốc tế Chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo. Nghị quyết này kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện những biện pháp cụ thể để chống lại việc miễn trừng phạt. Ngày quốc tế này được chọn để tưởng nhớ hai nhà báo người Pháp, Ghislaine Dupont và Claude Verlon, bị ám sát vào ngày 02/11/2013 tại Mali.
Nghị quyết cũng lên án mọi cuộc tấn công và bạo lực chống lại các nhà báo và nhân viên truyền thông, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên làm mọi thứ có thể để ngăn chặn và giải quyết các vụ bạo lực tương tự, đưa thủ phạm gây ra tội ác chống lại các nhà báo và nhân viên truyền thông ra trước công lý, và bảo đảm rằng các nạn nhân có các biện pháp khắc phục thích hợp. Nghị quyết tiếp tục kêu gọi các quốc gia thúc đẩy một môi trường an toàn và thuận lợi, trong đó các nhà báo có thể thực hiện công việc của mình một cách độc lập và không bị can thiệp quá mức.
Theo Cơ quan giám sát các nhà báo bị giết hại của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), từ năm 2006 - 2024, hơn 1.700 nhà báo đã bị giết trên toàn thế giới và gần 9 trong số 10 trường hợp ám sát này vẫn chưa được giải quyết về mặt pháp lý.
Hai con của nhà báo Julio Valdivia đứng bên cạnh quan tài ông quản tại nhà riêng ở Tezonapa, Veracruz, Mexico. (Ảnh: AP) |
Việc miễn tội tấn công nhà báo có tác động tiêu cực đến xã hội
Theo báo cáo năm 2022 của Tổng Giám đốc UNESCO về sự an toàn của các nhà báo và nguy cơ không bị trừng phạt, châu Mỹ Latinh và Caribe vẫn là khu vực có số vụ ám sát nhà báo cao nhất.
Theo Tổ chức Giám sát các nhà báo bị sát hại của UNESCO, kể từ năm 1993, hơn 1.700 nhà báo đã bị sát hại trên toàn thế giới và gần 9/10 vụ việc chưa được giải quyết. Chu kỳ bạo lực chống lại các nhà báo này dẫn đến sự gia tăng các vụ giết người và thường là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của nền pháp quyền và hệ thống tư pháp.
Ngoài ra, các nhà báo cũng phải đối mặt với vô số mối đe dọa, từ bắt cóc, tra tấn và các cuộc tấn công thể xác khác cho đến quấy rối, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số. Các mối đe dọa bạo lực và tấn công các nhà báo nói riêng tạo ra bầu không khí sợ hãi trong giới truyền thông chuyên nghiệp, cản trở luồng thông tin, ý kiến và ý tưởng tự do trong dân chúng.
Các nhà báo nữ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa và tấn công, nhất là trên không gian mạng. Theo tài liệu của UNESCO có tựa đề “The Chilling: Global trends in online violence against women journalists” (Nỗi sợ hãi: Xu hướng toàn cầu về bạo lực trực tuyến đối với các nhà báo nữ), 73% nhà báo nữ được khảo sát cho biết họ đã bị đe dọa, hăm dọa và xúc phạm trực tuyến trong quá trình làm việc.
Trong nhiều trường hợp, các mối đe dọa bạo lực và tấn công nhà báo không được điều tra đúng mức. Sự miễn trừ này càng củng cố thêm những thủ phạm gây ra tội ác, đồng thời có tác động tiêu cực đến xã hội, trong đó có chính các nhà báo. UNESCO lo ngại rằng việc miễn tội sẽ gây tổn hại cho toàn bộ xã hội bằng cách che đậy những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, tham nhũng và tội phạm.
Hơn nữa, các hệ thống tư pháp điều tra tất cả các mối đe dọa bạo lực đối với các nhà báo sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng xã hội sẽ không tha thứ cho các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo và quyền tự do ngôn luận của tất cả mọi người.
Chấm dứt việc miễn trừ tội ác đối với các nhà báo là một trong những thách thức lớn và phức tạp. (Ảnh minh họa: https://www.unesco.org) |
Sự an toàn của nhà báo trong thời kỳ khủng hoảng, tình huống khẩn cấp
Chấm dứt việc miễn trừ tội ác đối với các nhà báo là một trong những thách thức lớn và phức tạp, song đây là điều cần thiết cơ bản để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ quyền tự do ngôn luận cũng như khả năng cho tất cả mọi người tham gia vào một cuộc trao đổi ý tưởng cởi mở, tự do và năng động.
Trong bối cảnh xung đột gia tăng cùng với nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới, Ngày quốc tế Chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo năm 2024 (02/11/2024) được kỷ niệm nhằm mục đích thúc đẩy thảo luận rộng rãi hơn về sự an toàn của các nhà báo làm việc trong những bối cảnh này, bao gồm cả mối quan ngại của các nhà báo bị ảnh hưởng bởi những thách thức liên quan đến phòng ngừa, bảo vệ và thủ tục pháp lý.
Nhiều nhà báo, chuyên gia truyền thông và nhân viên liên quan đến truyền thông thực hiện nhiệm vụ của mình trong bối cảnh cực kỳ nguy hiểm. Để tạo ra thông tin độc lập, đáng tin cậy và có thể kiểm chứng, quá nhiều người trong số họ phải trả giá không thể chấp nhận được, chẳng hạn như cái chết, cưỡng bức mất tích, tra tấn, giam giữ và bắt cóc bất hợp pháp.
Các nhà báo đưa tin ở các vùng khủng hoảng và xung đột phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng khi thực hiện công việc của mình. Khi bắt đầu từ năm 2017, UNESCO đã ghi nhận số lượng chuyên gia truyền thông thiệt mạng ở các khu vực xung đột giảm dần, tuy nhiên, xu hướng gần đây đã bị đảo ngược. Cuộc giám sát của UNESCO năm 2023 ghi nhận hơn 50% vụ sát hại nhà báo ở các khu vực khủng hoảng và xung đột, với con số vẫn còn cao trong nửa đầu năm 2024.
Những thảm kịch này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, với sự thiệt hại và phá hủy cơ sở hạ tầng trên diện rộng, bao gồm cả phương tiện truyền thông và thông tin liên lạc, cũng như nhiều mối đe dọa liên quan đến xung đột và không liên quan đến xung đột khác, chẳng hạn như chấn thương, tịch thu thiết bị hoặc từ chối truy cập... Đối mặt với những rủi ro này và những rủi ro khác, một số lượng lớn các nhà báo buộc phải sống lưu vong, bỏ trốn hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn.
Cho dù đưa tin về xung đột, thảm họa nhân đạo, khủng hoảng khí hậu hay sức khỏe, các nhà báo vẫn tiếp tục phải đối mặt với những mối đe dọa không cân xứng và mức độ miễn trừ cao hơn đối với các vụ giết người phi pháp, tra tấn, cưỡng bức mất tích và giam giữ tùy tiện, cũng như đe dọa và quấy rối...
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế Chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo năm nay (02/11/2024), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ ngày kỷ niệm này là cơ hội để tái khẳng định cam kết của chúng ta đối với tự do báo chí và sự an toàn của các nhà báo trên toàn thế giới.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, tự do báo chí là điều kiện tất yếu của nhân quyền, dân chủ và pháp quyền. Tuy nhiên, trên khắp thế giới, các nhà báo bị ngăn cản thực hiện công việc của mình. Họ thường là mục tiêu của những lời đe dọa hoặc bạo lực, thậm chí có nguy cơ tử vong trong sứ mệnh đưa sự thật ra ánh sáng... “Trong những năm gần đây, số người chết đã lên tới mức báo động ở các khu vực xung đột - đặc biệt là ở Gaza, nơi số nhà báo và nhân viên truyền thông thiệt mạng vượt quá bất kỳ cuộc xung đột nào khác trong nhiều thập kỷ” - ông Guterres chỉ rõ. “Trên toàn thế giới, ước tính có 9 trong số 10 vụ sát hại nhà báo không bị trừng phạt. Sự miễn tội tạo ra bạo lực mới. Điều này phải thay đổi”.
Hiệp ước Tương lai được thông qua vào tháng trước kêu gọi tôn trọng và bảo vệ các nhà báo, chuyên gia truyền thông và các nhân viên liên quan làm việc trong các tình huống xung đột vũ trang.
Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ thực hiện những cam kết này bằng cách hành động ngay lập tức để bảo vệ các nhà báo, điều tra và truy tố tội ác chống lại họ - ở mọi nơi. Cùng nhau, chúng ta hãy chấm dứt chu kỳ bạo lực, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và đảm bảo rằng các nhà báo có thể thực hiện sứ mệnh thiết yếu của mình một cách an toàn và không sợ hãi - ở mọi nơi./.