Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nói “Không” với bạo lực

Thứ Tư, 02/10/2024 10:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày quốc tế Bất bạo động được kỷ niệm vào ngày 02/10, kỷ niệm ngày sinh của Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo phong trào độc lập của Ấn Độ và là người tiên phong về triết lý và chiến lược bất bạo động.

Theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 15/6/2007, Ngày quốc tế Bất bạo động là cơ hội để lan tỏa thông điệp bất bạo động, đặc biệt thông qua các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức. Nghị quyết tái khẳng định sự liên quan phổ quát của nguyên tắc bất bạo động và tìm cách thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, hiểu biết và bất bạo động.

"Bất bạo động”, khẩu súng lục ổ quay có nút thắt được trưng bày tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Bức tượng này là biểu tượng của Quỹ Dự án Bất bạo động. (Ảnh: UN)

Thay mặt cho 140 quốc gia đồng bảo trợ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anand Sharma đã giới thiệu nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, rằng sự tài trợ rộng rãi và đa dạng của nghị quyết là sự phản ánh sự tôn trọng của toàn thể đối với Mahatma Gandhi và của sự phù hợp lâu dài của triết lý của mình. Trích lời của nhà lãnh đạo quá cố, ông nói: “Bất bạo động là sức mạnh vĩ đại nhất của loài người. Nó còn mạnh hơn cả vũ khí hủy diệt mạnh nhất được tạo ra bởi sự khéo léo của con người”.

Mahatma Gandhi (02/10/1869 - 30/01/1948) có tên đầy đủ là Mohandas Karamchand Gandhi. Từ cuối năm 1910, Mahatma Gandhi là một trong những người tiên phong tìm đường lật đổ ách thống trị của thực dân Anh. Với triết lý đấu tranh “Bất bạo động”, Gandhi và những người ủng hộ ông đã phát động nhiều cuộc biểu tình vào những năm 1930, 1940 và phải chịu tù đày không ít lần cho tới khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, trong đó nổi bật nhất là hành trình đi bộ liên quan tới muối kéo dài 24 ngày, tháng 3/1930. Ngày 30/01/1948, Mahatma Gandhi đã bị sát hại ở New Delhi bởi một tay súng người Hindu cực đoan phản đối quan điểm đoàn kết giữa người Hồi giáo với người Hindu do ông đề xướng.

Mahatma Gandhi đã lãnh đạo Ấn Độ giành độc lập, truyền cảm hứng cho các phong trào bất bạo động đấu tranh cho dân quyền và thay đổi xã hội trên khắp thế giới. Trong suốt cuộc đời của mình, Mahatma Gandhi luôn tin tưởng vào giá trị của bất bạo động, ngay cả trong những điều kiện áp bức và đối mặt với những khó khăn dường như không thể vượt qua.

Mahatma Gandhi (Ảnh: TTXVN) 

Nguyên tắc bất bạo động - còn được gọi là phản kháng bất bạo động - bác bỏ việc sử dụng bạo lực thể xác để mang lại thay đổi xã hội hoặc chính trị. Hình thức đấu tranh xã hội này đã được toàn bộ người dân trên khắp thế giới áp dụng như một phần của các chiến dịch vì công bằng xã hội.

Giáo sư Gene Sharp, một chuyên gia về phản kháng bất bạo động, đã từng viết: Hành động bất bạo động là một kỹ thuật mà qua đó những người bác bỏ sự thụ động và sự khuất phục, cũng như những người coi đấu tranh là cần thiết, có thể chiến đấu trong trận chiến của mình mà không cần dùng tới bạo lực. Hành động bất bạo động không tìm cách tránh né hoặc phớt lờ xung đột. Đó là một cách trả lời câu hỏi làm thế nào để thực hiện hành động chính trị hiệu quả, và đặc biệt là làm thế nào để sử dụng quyền lực của mình một cách hiệu quả.

Mặc dù thuật ngữ bất bạo động thường được sử dụng như một từ đồng nghĩa với chủ nghĩa hòa bình, nhưng từ giữa thế kỷ XX, thuật ngữ này đã được nhiều phong trào đấu tranh cho sự thay đổi xã hội áp dụng nhưng không tập trung hoạt động vào việc phản đối chiến tranh. 

 Một con đường huyết mạch ở thị trấn Jabaliya, bị tan hoang bởi các vụ đánh bom của Israel. (Ảnh: IT)

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế Bất bạo động năm nay (02/10/2024), Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: Chúng ta kỷ niệm ngày sinh của Mahatma Gandhi và tái khẳng định những giá trị mà ông đã cống hiến cả đời mình: bình đẳng, tôn trọng, hòa bình và công lý.

Lưu ý thế giới chúng ta đang sống đầy rẫy bạo lực, ông Antonio Guterres chỉ rõ: “Ở bốn phương của thế giới, xung đột nổ ra. Từ Ukraine đến Sudan, qua Trung Đông và nhiều khu vực khác, chiến tranh tạo ra một địa ngục thực sự được đánh dấu bằng sự hủy diệt, đau khổ và sợ hãi. Bất bình đẳng và hỗn loạn khí hậu đang làm lung lay nền tảng của hòa bình”...

Tháng trước, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai đã mang lại hy vọng cho thế giới. Các quốc gia đã cùng nhau đặt nền móng cho một chủ nghĩa đa phương mới có khả năng hành động vì hòa bình trong một thế giới đang thay đổi. Điều này bao gồm việc chú ý nhiều hơn đến những nguyên nhân sâu xa của xung đột: bất bình đẳng, nghèo đói hoặc chia rẽ. Hơn lúc nào hết, các quốc gia trên thế giới phải chuyển những cam kết này thành hành động cụ thể./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN