Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào: Biểu tượng của mối quan hệ truyền thống đặc biệt

Thứ Tư, 30/10/2024 09:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong 75 năm qua (30/10/1949 - 30/10/2024), quá trình hoạt động cũng như những đóng góp to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã góp phần làm sâu sắc hơn, củng cố hơn tình đoàn kết keo sơn và mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào.

Sự ra đời, phát triển của lực lượng Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt (ngày 16/10/1945) và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào - Việt (ngày 30/10/1945). Đó là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam, Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung.

Chuyên gia quân sự Việt Nam với Bộ đội Pa-thét Lào. (nh tư liu) 

Từ năm 1948, lực lượng quân sự của Việt Nam tại Lào đã từng bước được tổ chức thành các đơn vị độc lập với quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn. Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào; khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Ngày 30/10/1949 được lấy làm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào.

Tháng 4/1950, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện hoạt động trên chiến trường Bắc Lào thành ba phân khu (A, B và C), được biên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 ở Việt Nam, bước sang năm 1951, theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Lào, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh tiếp tục tăng cường cán bộ và bộ đội tình nguyện sang chiến trường Lào.Tháng 4/1951, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thống nhất các lực lượng Quân tình nguyện ở Bắc Lào và Tây Lào, thành lập Ban cán sự Đảng và Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Mặt trận Thượng Lào.

Trong những năm 1954 - 1959, phương thức hợp tác giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Lào có sự thay đổi. Ta chủ trương chuyển từ chế độ Quân tình nguyện (trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) sang chế độ cố vấn quân sự (từ năm 1959 gọi là Chuyên gia quân sự). Về mặt quân sự, Trung ương Đảng ta đặt chế độ cố vấn tách khỏi hệ thống Quân tình nguyện, thực hiện ở ba cấp: Bộ Quốc phòng, Trường quân chính và các đơn vị, địa phương.

Từ năm 1960, khi đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng trắng trợn vào công việc nội bộ của Lào, thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, mối quan hệ đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được củng cố và phát triển ngày càng sâu đậm.

Theo thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Chính phủ, sau năm 1965, Việt Nam tiếp tục tăng cường các đơn vị tình nguyện và chuyên gia giúp bạn. Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với quân và dân các bộ tộc Lào cùng các đơn vị chủ lực từ Việt Nam sang mở các chiến dịch lớn đánh bại các cuộc hành quân của địch, tiêu diệt các căn cứ phỉ ở Thượng Lào.

Năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào, yêu cầu nhiệm vụ giúp cách mạng Lào đòi hỏi ngày càng lớn. Để đáp ứng với tình hình mới của bạn, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động chấn chỉnh tổ chức biên chế các đoàn Quân tình nguyện và Chuyên gia đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Khi đế quốc Mỹ và ngụy quân liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương (năm 1970), sự phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang Việt Nam và Lào tiếp tục có bước phát triển mới.

Theo đề nghị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Lào, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng Việt Nam lần lượt cử các đoàn cố vấn, chuyên gia quân sự sang chiến trường Lào, giúp bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng, tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng, trường kỳ, gian khổ, hy sinh với bao nhiêu chiến dịch lớn nhỏ để đập tan mọi âm mưu, sách lược của bọn đế quốc và bè lũ tay sai.

“Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”

 Liên quân Lào - Việt trong kháng chiến chống Pháp, năm 1950. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vận dụng sáng tạo đường lối, nguyên tắc đoàn kết quốc tế của Đảng cũng như phương châm chiến lược “giúp bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào đã tích cực hoạt động giúp cách mạng Lào đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc, giành được nhiều chiến công vang dội, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào. Với những thành quả đạt được, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam giao phó, trở thành biểu tượng sinh động của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào và là tài sản vô giá của hai dân tộc Việt Nam và Lào.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã chịu đựng vô vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, lập nhiều chiến công trên chiến trường Lào. Nhiều tập thể và cá nhân thuộc Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước Lào tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam được nhân dân các bộ tộc Lào tin yêu, coi như con em của bộ tộc mình. Những đóng góp to lớn đó đã góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố vững chắc tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước và hai quân đội Việt Nam - Lào.

Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào nhấn mạnh, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam là “những chiến sĩ quốc tế đặc biệt… đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đã đồng cam cộng khổ, “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho chúng tôi, kề vai sát cánh chiến đấu, sống chết bên nhau với quân đội quân dân chúng tôi trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời”.

Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử đã qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của một mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hiếm có trên thế giới. Chặng đường ấy ghi dấu sự quyết tâm, hy sinh xương máu và nghĩa tình quân dân từ chính những người con ưu tú của hai dân tộc.

Con đường chung đi tới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cùng nhau xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam và Lào bắt nguồn chính từ tình nghĩa sắt son trong liên minh chiến đấu, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN