Văn Cao - "Cây cổ thụ" của nền nghệ thuật Việt Nam
(ĐCSVN) - Văn Cao là một trong những nghệ sĩ tài hoa bậc nhất Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam, đồng thời là một chiến sĩ cách mạng, họa sĩ, nhà thơ với nhiều tác phẩm giá trị.
Nhạc sĩ Văn Cao được coi là "Cây cổ thụ" của nền nghệ thuật Việt Nam. Những bài hát của ông đã đi cùng những năm tháng quan trọng nhất của đất nước khi trải dài từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc cho đến những bản tình ca ra đời trong khói lửa chiến tranh và cả những năm tháng hoà bình. Ảnh: TTXVN |
Nhạc sĩ Văn Cao (quê ở Vụ Bản, Nam Định), sinh ra tại Hải Phòng. Thuở nhỏ Văn Cao học tại trường Bonal (nay là trường Trung học phổ thông Ngô Quyền), sau chuyển sang trường SaintJoseph. Ông từng làm nhân viên Sở Bưu điện Hải Phòng, bắt đầu sáng tác thơ, viết văn xuôi và viết ca khúc từ năm 1939.
Đa tài với thơ, nhạc, họa, nhưng có lẽ âm nhạc mới là lĩnh vực mà Văn Cao được mọi người biết đến nhiều nhất. Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác không nhiều (khoảng 50 ca khúc), nhưng hầu hết các tác phẩm đều ở lại rất lâu trong lòng người yêu nhạc.
Bài hát đầu tiên “Buồn tàn thu” được ông sáng tác năm 1939, khi mới 16 tuổi. Từ năm 1941 - 1943, ông lần lượt cho ra đời các ca khúc trữ tình, lãng mạn như “Thiên Thai”, “Bến xuân”, “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”, “Suối mơ”, “Trương Chi”…
Từ những năm đầu thập kỷ 40, nhất là khi ông rời Hải Phòng lên Hà Nội, trong Văn Cao đã xuất hiện một giọng điệu âm nhạc mới, khỏe khoắn, cứng cỏi, hướng về lịch sử dân tộc, như: Gò Đống Đa (1940), Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941)… có thể coi đây là những ca khúc bước chuyển để chuẩn bị cho một thể loại mới trong âm nhạc Văn Cao - thể loại hành khúc.
Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - một cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc, Văn Cao đã viết những khuôn nhạc hành khúc đầu tiên trong những ngày sống tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là “Tiến quân ca”. Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau “Tiến quân ca”, Nhạc sỹ Văn Cao còn sáng tác nhiều hành khúc cách mạng như “Chiến sỹ Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Bắc Sơn”, “Tiến về Hà Nội”... Trong thời kỳ này, ông còn viết những ca khúc trữ tình với tinh thần lạc quan, thấm đượm tình yêu nước, yêu đời như “Làng tôi” (1947), “Ngày mùa” (1948). Ông còn sáng tác trường ca, với tác phẩm đỉnh cao là “Trường ca Sông Lô”.
Ngoài ca khúc, sau này, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như “Sông Tuyến”, “Biển đêm”, “Hàng dừa xa”...; sáng tác nhạc phim cho phim truyện "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim tài liệu “Anh Bộ đội cụ Hồ” của Xưởng phim Quân đội Nhân dân...
Năm 1975, khi đất nước được giải phóng, nhạc sĩ của Quốc ca Việt Nam tự nhận thấy rằng ông phải có trách nhiệm viết một cái gì đó để “khép lại” cuộc chiến đấu đã kéo dài trong nhiều năm của dân tộc. Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” được sáng tác dịp Tết Bính Thìn năm 1976 - mùa xuân đầu tiên của đất nước sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp, cũng trở thành một tuyệt phẩm của người nhạc sĩ.
Cùng với âm nhạc, trong lĩnh vực thi ca, Văn Cao cũng đã để lại cho nhân thế những sáng tác nổi tiếng. Thơ Văn Cao in đậm tìm tòi, cách tân trong hình thức, không theo vần điệu mà từ cung bậc của cảm xúc mang tính triết lý, nhưng đầy chất lãng mạn, trữ tình, nhằm tăng cường khả năng truyền cảm.
Từ những bài thơ đầu tiên được sáng tác trước 1945, Văn Cao đã để lại dấu ấn trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám với “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, được nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam cho là “có thể sánh ngang với những tuyệt phẩm Thơ Mới theo mô tip đàn - đêm - trăng - nước, như “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu, hay “Đà giang” của Vũ Hoàng Chương”: Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi/ Từng canh trời điểm một sao rơi/ Tà tà trăng lặn hiu hiu gió/ Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi.
Hai bài thơ đặc sắc khác in dấu một phong cách độc đáo của Văn Cao ở giai đoạn đầu trong hành trình thơ ông là “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” (viết năm 1945) và “Ngoại ô mùa đông” năm 1946, đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 3/1948.
Đường thơ Văn Cao tiếp tục có bước phát triển quan trọng qua một trường ca được đánh giá là kiệt tác, đó là “Những người trên cửa biển”, được ông viết vào mùa xuân năm 1958 với câu mở đầu về nơi ông được sinh ra “Sinh ra tôi đã có Hải Phòng”.
Với năng khiếu thiên bẩm, ngay từ khi học lớp đồng ấu, Văn Cao đã được thầy học chọn trình bày báo trường và từ bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn ấy được học tập, bồi dưỡng đã giúp Văn Cao tiến dài trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Sau khi vào học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương (1943), Văn Cao đã đến với chất liệu sơn dầu. Ông tham gia trưng bày “Triển lãm Duy nhất” (Salon Unique - 1944) với ba bức tranh sơn dầu “Cô gái dậy thì”, “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”, “ Thái Hà ấp đêm mưa” và lập tức gây chấn động dư luận. Ba bức tranh đều được giải thưởng. Trong kháng chiến chống Pháp, lên Lào Cai, Văn Cao tiếp tục vẽ tranh thể hiện rung động nghệ sĩ của ông trước cuộc sống kháng chiến với các bức tranh “Phố lu”, “Gối mộng”, “Suối tóc”, “Lớn lên trong kháng chiến” được xem là những họa phẩm thành công…
Tuyển tập “Văn Cao - Mùa chữ, Mùa người” được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Ảnh: NM |
Từ sau năm 1956, Văn Cao đi vào hướng thẩm mĩ mới, ông làm bìa sách, vẽ tranh minh họa, kí họa chân dung. Hàng trăm bức tranh minh họa báo Văn nghệ, rất nhiều bìa sách ông làm cho nhà xuất bản Thanh niên, nhà xuất bản Phụ nữ, nhà xuất bản Ngoại văn, một số chân dung bạn bè văn nghệ sĩ thân quen… đã được công chúng đánh giá cao.
Có thể nói, ở lĩnh vực sáng tạo nào từ nhạc đến hội họa và thi ca, Văn Cao cũng cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật. Như sự đánh giá của dư luận, hoặc ngay cả lời bày tỏ của chính Văn Cao với đồng nghiệp và báo chí: “Ông vẽ và làm thơ như một thôi thúc, còn âm nhạc trước sau vẫn là lẽ sống của đời mình”.
Nhận định về sự nghiệp văn nghệ quý giá của Văn Cao, nhiều người ca ngợi ông là nghệ sỹ đa tài, thích “lãng du” qua những “miền” nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục, dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba “miền” ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho những người đến sau. Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc, thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Cụ thể, hiển nhiên nhất là thể loại tình ca, hùng ca, trường ca trong âm nhạc và trường ca trong thơ Việt Nam hiện đại.
Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ 20 nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, nhưng vượt lên tất cả, người nghệ sỹ đặc biệt đa tài Văn Cao luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ. Ông đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn nghệ nước nhà ở cả ba lĩnh vực: âm nhạc - thơ - hội họa. Ông được Nhà nước ta trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng…