Nguyễn Văn Huyên - Một học giả, trí thức yêu nước
(ĐCSVN) - Khi nhắc đến GS.TS Nguyễn Văn Huyên, chúng ta không chỉ nhớ đến một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, mà còn biết đến một nhà khoa học lỗi lạc.
GS.TS Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: TTXVN |
Một trí thức yêu nước
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975) quê ở làng Lai Xá, tổng Kim Thừa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhưng ông sinh ra và lớn lên ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội.
Năm 18 tuổi, ông và người em trai là Nguyễn Văn Hưởng được gia đình cho đi Pháp du học. Ông học tú tài toàn phần rồi Cử nhân Văn khoa năm 1929, Cử nhân Luật năm 1931 tại Đại học Sorbonne.
Năm 1934 ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Pari với luận án chính "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam" và chuyên đề phụ của luận án "Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á". Hai bản luận án và chuyên đề này được xếp loại xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp với sự hoan nghênh của giới chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan …
Khi về nước, với học vấn và học vị cao bậc nhất lúc đó, ông khước từ làm quan và những hứa hẹn của chính quyền thực dân, mà chỉ chọn nghề dạy học. Ông dạy môn lịch sử và địa lý tại Trường Bưởi. Sự lựa chọn này theo như gia phả mà gia tộc họ Nguyễn đã ghi “Lấy nghiệp giáo để giúp người” và cũng là chí hướng của ông.
Năm 1938, ông đã tham gia hoạt động cùng các trí thức yêu nước ở Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, là Ủy viên Ban trị sự của Hội ở Bắc kỳ, cùng với Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn. Ông cùng với nhà sử học Trần Văn Giáp là tác giả của phương pháp “I tờ…” để dạy và học chữ Quốc ngữ. Đây là quyết định có tính bước ngoặt trong cuộc đời ông. Và trong những ngày sôi động của cách mạng, ông cũng đã cùng với Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường, đại diện trí thức Thủ đô ký bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị.
Sau khi cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ. Ông còn được Hội đồng Chính phủ tiến cử tham gia hai cuộc hội nghị lịch sử có quan hệ đến vận mệnh đất nước. Ông là thành viên trong Ban cố vấn Hội nghị Đà Lạt và là thành viên trong phái đoàn ta năm 1946 dự Hội nghị Fontaineblaus tại Paris-Pháp. Trong những ngày ở Pháp ông thường được làm việc trực tiếp với Hồ Chủ tịch.
Người đặt nền móng cho nền giáo dục
Sau chuyến đi Pháp trở về, đầu tháng 11/1946, GS.TS Nguyễn Văn Huyên nhận được tấm danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến Phủ Chủ tịch bàn công việc và ông được đích thân cụ Hồ tiến cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và giữ chức vụ này liên tục cho đến khi ông qua đời ngày 19/10/1975.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS.TS Nguyễn Văn Huyên có những đóng góp quan trọng và có tính quyết định trong xây dựng nền Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ việc xóa nạn mù chữ cho đến cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950-1951) và lần thứ hai (1956), phong trào thi đua “Hai tốt”, duy trì và phát triển nền giáo dục trong những năm tháng ác liệt của bom đạn thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Cụ thể, trong chống nạn mù chữ ông là người lãnh đạo, đồng thời là một người chiến sĩ xung kích. Ông đã đề xuất nhiều phương pháp dạy chữ quốc ngữ mang tính đại chúng phù hợp với các đối tượng người dân lúc bấy giờ. GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã lãnh đạo việc dùng tiếng Việt trong sự nghiệp giáo dục, dùng ngay tiếng Việt chứ không phải dùng tiếng Pháp như ở nhiều nước khác. Điều đó đã góp phần xây dựng nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Cùng với đó là tổ chức xây dựng nền giáo dục kháng chiến kiến quốc. Mặc dù kháng chiến nhưng vẫn xây dựng, giữ vững và phát triển hệ thống các trường học, nhất là các trường đại học trên chiến khu.
Phòng trưng bày tư liệu về GS.TS Nguyễn Văn Huyên thời kỳ 1945 - 1975 tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên |
Ông cũng là người chủ trì tổ chức thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) và cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1956). Hai cuộc cải cách giáo dục đó đã tạo ra mô hình giáo dục mới, gắn kết giáo dục với nhiệm vụ chính trị của đất nước, với thực tiễn cuộc sống, góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và trong cả nước về sau.
Tổ chức xây dựng một hệ thống giáo dục quốc dân hoàn chỉnh từ mẫu giáo, phổ thông đến đại học. Ông luôn quan tâm đến việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa các cấp học, phương pháp giảng dạy và giáo dục, đến giáo dục ở các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Ông rất coi trọng nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xây dựng hệ thống các trường sư phạm, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cải thiện điều kiện vật chất và đặc biệt là đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt" trong toàn Ngành…
Về văn hóa, Nguyễn Văn Huyên được giới chuyên môn ở Việt Nam đánh giá là người đã cùng học giả Đào Duy Anh đặt nền móng cho nghiên cứu văn hoá, văn minh Việt Nam. Các nghiên cứu của ông góp phần khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng của riêng mình thể hiện qua việc thờ thành hoàng như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử.
Thông qua các nghiên cứu với phương pháp và cách tiếp cận khoa học của Nguyễn Văn Huyên về văn học dân gian, lễ hội truyền thống, kiến trúc, địa lý học lịch sử, cấu trúc giai tầng trong xã hội, người ta có thể nhận thấy tinh thần, tâm lý dân tộc Việt Nam. Nhà sử học Trần Quốc Vượng đã viết: "Ông, là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại đầu tiên ở nửa đầu thế kỷ XX này"..."Giới nghiên cứu trẻ/già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn, vừa cụ thể vừa tổng thể."
Với những cống hiến to lớn của mình, GS. Nguyễn Văn Huyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000). Tên ông được đặt cho một phố chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội.
Ngày 19/12/2014, gia đình cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên khánh thành Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội./.