Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Tấm gương sáng trọn đời cống hiến cho cách mạng và nền khoa học nước nhà​

Thứ Sáu, 13/09/2024 09:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng và nền khoa học nước nhà, là một tấm gương sáng, mẫu mực, giàu nghị lực, giản dị, trung thực, thẳng thắn, được đồng chí, đồng đội, nhân dân tin tưởng, yêu mến, được bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng.

Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/09/1913 tại làng Chánh Hiệp, huyện Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh long). Cha ông là cụ Phạm Văn Mùi dạy học ở tỉnh Vĩnh long, mẹ là cụ Lý Thị Diệu và chị gái là Phạm Thị Nhẫn. Vốn có tư chất thông minh, giàu nghị lực, đam mê học hành, từ nhỏ Phạm Quang Lễ đã được cha hết mực thương yêu, dạy dỗ chu đáo.

Tuy nhiên, không được bao lâu thì biến cố gia đình ập đến. Cha Phạm Quang Lễ qua đời sớm. Sau khi cha mất, mẹ và chị gái nhận thấy không có khả năng tìm được kế mưu sinh nơi thị thành, cả hai đã quyết định về quê làm nông kiếm tiền cho Phạm Quang Lễ ở lại Vĩnh Long tiếp tục việc học hành.

 Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. (Ảnh tư liệu)

Dù tuổi thơ không được trọn vẹn, nhưng chính lời răn dạy của cha, nỗi nhọc nhằn của mẹ, sự hy sinh của chị gái đã trở thành động lực giúp Phạm Quang Lễ vượt qua mọi khó khăn, cố gắng học tập để không phụ lòng của những người thân yêu.

Ông là cựu học sinh của trường trung học College de Mytho. Năm 1933, Phạm Quang Lễ thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Pháp. Sau đó ông xin đi làm thư ký công sở ở Mỹ Tho và nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ. Năm 1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp tiếp tục học. Ông tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris; Đại học Mỏ; Đại học Điện; Đại học Sorbonne; Đại học Cầu đường Paris. Ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức và làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

Năm 1946, người thanh niên Phạm Quang Lễ không một chút do dự từ bỏ công việc với mức lương tháng là 5.500 France (tương đương 22 lượng vàng lúc bấy giờ), theo Bác Hồ trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Đến ngày 05/12/1946, Phạm Quang Lễ vinh dự được Bác Hồ đặt cho tên mới là “Trần Đại Nghĩa" và cái tên Bác Hồ đặt cho ông năm đó đã đi vào lịch sử về ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam. Dù khó khăn, thiếu thốn cả về nhân lực, vật lưc, tài lực cộng với môi trường làm việc nguy hiểm nhưng vẫn không làm nản lòng, chùn bước, mà trái lại, ông càng làm việc hăng say để cống hiến.

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc cùng các cộng sự của mình trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí hiện đại, ngang tầm thế giới lúc bấy giờ như: Súng Bazooka, súng SKZ, súng cối, đạn bay (Bom bay), đạn trống tăng AT, xe phóng từ trường, cách phá bom bi... và chỉ đạo tìm giải pháp chống nhiễu của máy bay B52, để bộ đội ta điều chỉnh tên lửa Sam II bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ.

Bên trong nhà tưởng niệm khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tại ấp Phú Mỹ 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long. (Ảnh: qdnd.vn)

Để cho ra đời những sản phẩm vũ khí hiện đại, góp phần quyết định vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngoài tư chất thông minh, sự sáng tạo trên cơ sở nền tảng kiến thức mà ông đã bí mật, bền bỉ nghiên cứu trong 11 năm ở Pháp và Đức, thì yếu tố không nhỏ góp phần quyết định chính là lòng yêu nước, sự tận tâm trong công việc, với tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn đúng với cái tên gọi và bí danh mà Bác Hồ đã đặt cho ông “Trần Đại Nghĩa".

Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1952, ông được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông làm chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước, Viện trưởng viện Khoa học Việt Nam.

Năm 1966 ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, phụ trách về kỹ thuật quốc phòng. Thời gian này ông đã lãnh đạo cán bộ kỹ thuật cải tiến nâng tầm bắn của tên lửa Sam II (do Liên Xô sản xuất), tiêu diệt được siêu pháo đài bay B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội bằng chính những tên lửa Sam II của Liên Xô, khiến cả thế giới phải thán phục về quân sự của Việt Nam.

Hội thảo khoa học “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học - quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Đại Nghĩa. (13/9/1913 - 13/9/2023). (Ảnh: nhandan.vn)

Ngày 30/04/1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã ghi trong nhật ký của mình: “Nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, vì hoài bão của tôi hồi nhỏ, sứ mệnh của tôi rất đơn giản là tham gia về mặt khoa học, kỹ thuật vũ khí trong cuộc đấu tranh cách mạng để giải phóng đất nước, và nay đất nước đã được giải phóng, tôi không muốn gì hơn nữa, vì một đời không thể làm hơn". Ông có ý định muốn nghỉ hưu. Thế nhưng, tiếp tục chấp hành sự phân công của Chính phủ, mà hơn hết vẫn là mong muốn được góp sức phục vụ quê hương, ông làm Chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại biểu Quốc hội khóa II và III, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức.

Ngày 09/08/1997, ông lâm bệnh và qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh. Dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, dù bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã cống hiến trọn vẹn cho khoa học và trên hết là cho dân tộc Việt Nam./.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN