G20 2024: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”
(ĐCSVN - Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, trong năm Chủ tịch G20-2024, Brazil thúc đẩy 03 ưu tiên gồm: Thúc đẩy bao trùm xã hội và chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu.
G20 2024: “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững” |
Nhóm G20 được thành lập năm 1999 gồm các nước G7 và các nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Nga, Úc, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, Ả rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU). G20 chiếm 67% dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 75% thương mại quốc tế. Từ năm 2008 đến nay, G20 đã tổ chức 18 lần Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ), không kể các HNTĐ bất thường. HNTĐ lần thứ 18 được tổ chức tại Ấn Độ (09 - 10/9/2023). HNTĐ lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại Brazil vào 18 - 19/11/2024.
Bên cạnh HNTĐ, nước chủ nhà sẽ tổ chức nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao (Sherpa) và nhóm công tác trong các lĩnh vực ngoại giao, nông nghiệp, y tế, lao động - việc làm, năng lượng - môi trường, tài chính - ngân hàng, du lịch, thương mại, kinh tế số…
Nước Chủ tịch G20 có vai trò quan trọng, quyết định danh sách khách mời. Qua các Hội nghị G20 gần đây, nước Chủ tịch thường quyết định danh sách khách mời dựa trên các ưu tiên như các nước láng giềng, đối tác chiến lược hoặc các nước có mối quan hệ đặc biệt. Một số đại diện/quốc gia là khách mời thường xuyên như Tây Ban Nha, Chủ tịch các tổ chức: 3G - Singapore (Nhóm quản trị toàn cầu); ASEAN; APEC (không thường xuyên); NEPAD (Đối tác mới vì sự phát triển Châu Phi).
Đến nay, G20 đã có 18 lần tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh (HNTĐ). Tại HNTĐ G20 lần thứ 18 từ ngày 09 - 10/9/2023 tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, các nhà Lãnh đạo G20 đã nhất trí cam kết:
- Về quản trị toàn cầu, khẳng định vai trò của chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương trong giải quyết các thách thức hiện nay; thúc đẩy cải tổ nền quản trị toàn cầu và các thể chế tài chính quốc tế theo hướng minh bạch, cân bằng hiệu quả, mang tính đại diện và có tính giải trình cao hơn.
- Bảo đảm ổn định kinh tế toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng, bao trùm, nỗ lực hiện thực hóa các SDGs thông qua tăng cường phối hợp chính sách vĩ mô, điều chỉnh linh hoạt các chính sách tiền tệ, tài khóa, chính sách lao động giữa các nước thành viên; thúc đẩy việc làm bền vững, chất lượng và an toàn; thu hẹp khoảng cách giới, thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong nền kinh tế; giảm bất bình đẳng, thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, việc làm, hạ tầng kỹ thuật số; kêu gọi tiếp cận công bằng với công nghệ AI, triển khai các cơ chế quản lý quốc tế cần thiết để hạn chế thông tin giả và các tác động đến các nền dân chủ, nhấn mạnh vai trò của OECD trong quá trình này. Các nước G20 nhấn mạnh bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, kêu gọi thực hiện sáng kiến Biển Đen về vận chuyển ngũ cốc, thực phẩm và phân bón an toàn từ U-crai-na và Nga.
- Về tài chính, ngân hàng, tái cam kết về tỉ giá hối đoái vào tháng 4/2021 do Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đưa ra; ủng hộ tiếp tục thực hiện sáng kiến Khuôn khổ chung (CF) năm 2020 của IMF, WB và Mỹ giúp các nước nghèo và các nước thu nhập trung bình trì hoãn trả nợ, giải quyết các gánh nợ công; kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết ODA để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các SDGs.
- Về thương mại, tái khẳng định ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, không phân biệt đối xử, công bằng, cởi mở, toàn diện, bình đẳng, bền vững và minh bạch, với WTO là trung tâm; đồng thời, thúc đẩy thương mại và đầu tư là động lực cho tăng trưởng, ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, công bằng, tạo môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi, phù hợp với WTO và các hiệp định môi trường đa phương. Các thành viên hoan nghênh áp dụng Khuôn khổ chung G20 về lập Bản đồ Chuỗi giá trị toàn cầu, nguyên tắc cấp cao về số hóa tài liệu thương mại…
- Về năng lượng và khí hậu: (i) Đẩy nhanh các hành động giải quyết khủng hoảng và thách thức khí hậu, môi trường, trong đó có Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thỏa thuận Pa-ri, khuôn khổ đa dạng sinh học Côn Minh - Montreal; (ii) Tăng đầu tư toàn cầu cho tài chính khí hậu (Tổng thống Pháp nhấn mạnh các nỗ lực G20 đã đạt được trong hỗ trợ tài chính các nước phương Nam như phân bổ 108 tỉ Quyền rút vốn đặc biệt cho các nước dễ tổn thương (trong đó Pháp cho vay 40% tiền dự trữ, tương đương 7,5 tỉ USD), nhắc lại kết quả tại Hội nghị thượng đỉnh Tài chính toàn cầu, trong đó có huy động 100 tỉ USD từ khu vực tư nhân để ứng phó các thách thức toàn cầu, khôi phục ít nhất 30% tổng số hệ sinh thái bị suy thoái năm 2030, chấm dứt ô nhiễm nhựa, giảm thiểu rủi ro thiên tai…) (iii) Kêu gọi các bên đặt ra Mục tiêu định lượng tập thể mới năm 2024, thúc đẩy mục tiêu Đóng góp quốc gia tự nguyện (NDC) cuối năm 2023; (iv) Đẩy nhanh nỗ lực giảm dần nguồn năng lượng than và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, giá cả phải chăng và toàn diện, tính tới hoàn cảnh quốc gia khác nhau; (v) Hỗ trợ các nước thúc đẩy đổi mới, chuyển giao công nghệ tự nguyện, tiếp cận nguồn chi phí thấp cho chuyển đổi năng lượng.
Tại Hội nghị, Anh công bố cam kết kỷ lục 2 tỉ USD cho Quỹ chống biến đổi khí hậu xanh, Úc công bố kế hoạch trở thành cường quốc năng lượng tái tạo vào năm 2030. Hội nghị đã kết nạp Liên minh châu Phi (AU) là thành viên chính thức kể từ năm 2024.
Việt Nam đã 4 lần được mời tham dự HNTĐ G20: Năm 2010, Canada và Hàn Quốc mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017, Việt Nam được mời tham dự HNTĐ G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm Chủ tịch.
Năm 2019, Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời. Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại các phiên họp về đổi mới sáng tạo, khí hậu - môi trường và tích cực tham gia các hoạt động của Hội nghị. Thủ tướng đề nghị G20 thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển.
Năm 2020, Việt Nam được mời tham dự các hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ả-rập Xê-út với tư cách Chủ tịch ASEAN. Chủ đề của G20 năm 2020 là “Hiện thực hóa các cơ hội trong thế kỷ 21 vì mọi người dân”, với 03 trọng tâm chính gồm: Trao quyền cho người dân; Bảo vệ hành tinh; Định hình các lĩnh vực mới. Dịch COVID-19 đã tác động nhiều đến chương trình nghị sự của G20 trong năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự HNTĐ trực tuyến về ứng phó COVID-19 vào tháng 3/2020 và HNTĐ thường niên tháng 11/2020.
Việc Thủ tướng Việt Nam tham dự hai HNTĐ G20 trực tuyến đã khẳng định sự ủng hộ, tích cực hợp tác của Việt Nam và ASEAN đối với G20 và cộng đồng quốc tế trong chống dịch COVID-19, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam là thành viên chủ động và đóng góp có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề chung toàn cầu. Tháng 5/2023, Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan được Ấn Độ mời tham gia Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20.
Từ ngày 01/12/2023, lần đầu tiên Brazil chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20. Ngoài HNTĐ, năm 2024, Brazil dự kiến sẽ tổ chức khoảng 100 cuộc họp của 16 nhóm công tác[1] và gần 20 Hội nghị Bộ trưởng. Ngoài 21 thành viên (G20 và Liên minh châu Phi), Brazil mời 08 nước khách mời (Ăng-gô-la, Ai Cập, Ni-giê-ri-a, Na-uy, Bồ Đào Nha, Xing-ga-po, Tây Ban Nha, UAE.) tham gia tất cả các hoạt động G20-2024. Đối với Việt Nam, Brazil mời ta tham dự HNTĐ và dự kiến một số nhóm công tác ta quan tâm.
Với chủ đề “Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững”, trong năm Chủ tịch G20-2024, Brazil thúc đẩy 03 ưu tiên gồm: thúc đẩy bao trùm xã hội và chống đói nghèo, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững, cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu.
[1] Ngoại giao, Tài chính-Ngân hàng, Phát triển, Thương mại và Đầu tư, Chuyển đổi năng lượng, Khí hậu và môi trường, Giáo dục, Nông nghiệp, Nghiên cứu và Đổi mới, Việc làm, Trao quyền cho Phụ nữ, Kinh tế số, Du lịch, Y tế, Chống tham nhũng, Liên minh toàn cầu chống đói nghèo.