Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tạo thế và lực cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa

Thứ Bảy, 28/12/2024 15:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Năm 2024, di sản văn hóa Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số thành tích đáng tự hào. Hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa được củng cố, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 23.11.2024…đã tạo thế và lực cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nước nhà.

Việt Nam hiện có rất nhiều di sản được  UNESCO ghi danh.

 

Năm 2024, di sản lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO… Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, trong đó có 34 di sản được UNESCO ghi danh (gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 138 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích quốc gia, 620 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia; 202 bảo tàng, gồm 126 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm… Việc các di sản văn hóa được xếp hạng, ghi danh ở các cấp độ địa phương, quốc gia, quốc tế đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Không những thế, nhiều di tích tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch, đã trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách tham quan, qua đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương nơi có di sản, đồng thời tạo việc làm cho người lao động.

Đặc biệt Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 23.11.2024 đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa, thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, với 10 điểm mới, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của cả nước, của các địa phương, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, “phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước”.

Năm 2024, nhiều bảo tàng cũng đã tích cực, chủ động đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, từng bước đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày và giáo dục di sản văn hóa trên không gian số…đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.

Tất cả những điều trên đã tạo thế và lực cho di sản phát triển, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế, khẳng định uy tín và kinh nghiệm với thế giới, tạo nên mô hình mẫu trong quản lý di sản văn hóa, vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường theo đánh giá của UNESCO.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, năm qua, nhận thức xã hội về di sản văn hóa chưa thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; việc tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa còn chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn; kinh phí đầu tư cho hoạt động tu bổ di tích còn thấp dẫn đến tình trạng một số di tích bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Nguồn nhân lực thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu.

 Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản đã được vinh danh không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn nâng tầm vị thế quốc gia. 

Ở một số nơi, một số ít địa phương, đơn vị chưa chấp hành tốt pháp luật về di sản văn hóa. Hoạt động đăng ký di vật, cổ vật chưa thực sự tương xứng với hiện trạng di vật, cổ vật hiện đang được lưu trữ trong cộng đồng, dẫn đến việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chưa được thực sự hiệu quả, minh bạch, đặc biệt trong xu hướng có nhiều hoạt động trao đổi, chuyển nhượng cổ vật, bảo vật có giá trị cao. Nguy cơ mai một di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu còn cao, ngày càng xuất hiện nhiều các yếu tố tác động là nguyên nhân dẫn tới sự mai một của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại. Hoạt động buôn bán trái phép cổ vật có nguồn gốc ở Việt Nam vẫn đang diễn ra tại một số thị trường buôn lậu quốc tế, chủ yếu là các cổ vật có giá trị bị đưa ra khỏi Việt Nam trong thời gian chiến tranh.Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư cho hoạt động bảo tàng. Việc tổ chức hoạt động dịch vụ của bảo tàng dù đã có trong quy định của pháp luật về di sản văn hóa nhưng vẫn vướng mắc trong triển khai.

Để hạn chế những tiêu cực này, theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL- Hoàng Đạo Cương chúng ta cần tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) 2024 sau khi Luật có hiệu lực thi hành; triển khai hiệu quả các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021- 2025”; “Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2030”.

Bên cạnh đó cần tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận, ghi danh di sản văn hóa tại các Danh sách của UNESCO. Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện các dự án, công trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và các công trình thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch của các địa phương. Phối hợp với các cơ quan, các tổ chức quốc tế xây dựng danh mục di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam có giá trị hiện đang bị lưu lạc ở nước ngoài. Từng bước đề xuất phương án thu hồi, mua, đưa những di vật, cổ vật này về nước theo Công ước 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; nghiên cứu đề xuất khả năng Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 2001 về Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước và Công ước UNIDROIT để đẩy mạnh, hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước và tìm kiếm, hồi hương di vật, cổ vật cónguồn gốc Việt Nam về nước.

Đặc biệt cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa; tổ chức liên hoan trình diễn, triển lãm về di sản văn hóa; tăng cường các hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa tại các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài và các bảo tàng có quan hệ hợp tác với Việt Nam. Tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ khoa học cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa thông qua các cuộc tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở trong và ngoài nước…

 

 

 

 

 

 
TT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN