Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 2024: Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 157.000 tỷ đồng, 245 ha đất

Thứ Bảy, 28/12/2024 23:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Năm 2024: Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 157.000 tỷ đồng, 245 ha đất; Khởi tố thêm 6 bị can ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Liên bang Nga rút khỏi thỏa thuận hợp tác hạt nhân với châu Âu… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 28/12.

Năm 2024: Thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 157.000 tỷ đồng, 245 ha đất

Các đại biểu chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN 

Năm 2024, toàn ngành thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể, 9.017 cá nhân; đã chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 269 vụ việc, với 173 đối tượng.

Đây là thông tin được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy, năm 2024, tổng hợp số liệu cho thấy, toàn ngành đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính, 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.360 tập thể, 9.017 cá nhân.

Đáng chú ý, toàn ngành Thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho biết, toàn ngành tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, về thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tại 4.653 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 164 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN 

Các cấp, các ngành cũng tiến hành chuyển đổi vị trí công tác với 18.635 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Đáng chú ý, trong năm 2024, các cơ quan đã xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập với 6.775 người, từ đó đã kỷ luật 10 người do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; 46 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 52 người.

Cạnh đó, các cơ quan đã phát hiện 61 vụ việc, 107 người liên quan đến tham nhũng (trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 11 vụ, 19 người; qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 36 vụ, 69 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 14 vụ, 19 người liên quan đến tham nhũng).

Khởi tố thêm 6 bị can ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Ngày 28/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với các bị can là cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam để điều tra về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Các quyết định, lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.

Công an tỉnh Thái Bình tạm giữ bị can để làm rõ hành vi "Cưỡng đoạt tài sản". Ảnh tư liệu: TTXVN 

Các bị can bị khởi tố gồm: Phạm Hồng Dương (sinh năm 1981, trú xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), Trưởng văn phòng đại diện khu vực Tây Bắc Bộ; Phạm Ngọc Hoàng (sinh năm 1989, trú tổ 6, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), Trưởng Ban Media; các phóng viên thuộc văn phòng đại diện khu vực Tây Bắc Bộ gồm Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1990, trú phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1996, trú phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1988, trú khu 1, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); Trần Thị Thúy (sinh năm 1981, trú xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), kế toán văn phòng đại diện khu vực Tây Bắc Bộ.

Các bị can bị áp dụng biện pháp tạm giam, riêng bị can Trần Thị Thúy áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Như đã đưa tin trước đó, ngày 25/9/2024, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Ngày 1/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với các 8 bị can gồm Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, lãnh đạo, phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Mở rộng điều tra vụ án, ngày 24 và 25/12/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định khởi tố 9 bị can là cán bộ, phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự….

Liên bang Nga rút khỏi thỏa thuận hợp tác hạt nhân với châu Âu

Hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS ngày 28/12 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật hủy bỏ Thỏa thuận Khung và Nghị định thư về Chương trình môi trường hạt nhân đa phương tại Liên bang Nga (MNEPR).

Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN 

Thỏa thuận MNEPR được ký tại Stockholm (Thuỵ Điển) vào ngày 21/5/2003 và có hiệu lực từ ngày 14/4/2004.

Mặc dù thỏa thuận đã tạo điều kiện thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm phóng xạ ở khu vực Tây Bắc Liên bang Nga, nhưng theo các tài liệu đi kèm từ Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, “sự hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận này thực tế đã bị đình chỉ từ năm 2015-2017”.

Thỏa thuận MNEPR cũng bao gồm sự tham gia của các quốc gia Bỉ, Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU), Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, cũng như Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (EURATOM) và Ngân hàng Tái thiết, Phát triển châu Âu (EBRD).

Các dự án trong khuôn khổ thoả thuận MNEPR được tài trợ bởi quỹ Northern Dimension do EBRD quản lý.

Theo thỏa thuận, bất kỳ bên nào cũng có thể rút khỏi bằng cách gửi thông báo chấm dứt bằng văn bản tới ít nhất một bên lưu chiểu: Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga hoặc Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

PC (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN