Xảy ra 4 vụ cháy chỉ trong một ngày ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
(ĐCSVN) - Xảy ra 4 vụ cháy chỉ trong một ngày ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên bị phạt 12 năm tù; Chìm tàu ngoài khơi Maroc khiến 70 người mất tích… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 27/12.
Xảy ra 4 vụ cháy chỉ trong một ngày ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Sáng sớm 27/12, một ngôi nhà trọ 5 tầng trên đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã bị cháy khiến hai người thiệt mạng.
Đám cháy lớn xảy ra vào khoảng 5h50 tại nhà trọ có kết cấu 5 tầng trong hẻm số 63 đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B. Người trong nhà trọ và xung quanh nhanh chóng tìm cách dùng bình chữa cháy mini dập lửa nhưng không thành.
Ngọn lửa bùng lên dữ dội, bao trùm khu nhà trọ. Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an Thủ Đức và các khu vực liên quan đến hiện trường chữa cháy.
Đám cháy sau đó được dập tắt. Lực lượng chức năng xác định có hai người tử vong. Bảy người bị thương đã được chuyển vào các bệnh viện cấp cứu. Thiệt hại về tài sản đang được thống kê. Bước đầu lực lượng chức năng xác định đám cháy xuất phát từ bãi để xe máy ở tầng trệt.
Hình ảnh đám cháy tại ngôi nhà ở phố Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: VOV) |
Trong khi đó, tại Hà Nội, chỉ trong một buổi sáng ngày 27/12 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy khiến một số người bị thương, gây thiệt hại về tài sản.
Vào khoảng 10h sáng 27/12, tại một gara ô tô trên địa bàn xã Song Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) bất ngờ xảy ra cháy lớn, người dân không thể khống chế được đám cháy đã báo tin đến cơ quan chức năng sở tại. Đến khoảng 10h20, vụ cháy được khống chế và dập tắt sau đó. Vụ cháy khiến 2 nhân viên gara ô tô bị thương nhẹ cùng nhiều thiết bị, ô tô bị thiêu rụi.
Trước đó, vào khoảng 9h05 sáng cùng ngày, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu vực nhà tập thể A14, ngõ 120 Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Theo nhân chứng, ngọn lửa bốc lên tại tầng 3 ngôi nhà, lửa lớn và khói đen lan lên cả khu vực tầng 4, khu vực cháy bị vây kín bởi các chuồng cọp. Vụ cháy may mắn không gây thiệt hại về người.
Một vụ cháy khác cũng diễn ra vào sáng cùng ngày, cụ thể, khoảng 6h10 sáng 27/12, người dân bất ngờ phát hiện khói lửa nghi ngút bốc ra từ quán ăn ở địa chỉ số 2, ngõ 4, phố Ao Sen (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội), lửa quá lớn, cháy lan lên tầng cao, một số người có mặt trong ngôi nhà đã nhanh chóng tìm cách thoát ra ngoài. Đến khoảng 6h45, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Không có thiệt hại về người, về tài sản đang được thống kê. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy nghi do chập điện.
Cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên bị phạt 12 năm tù
Chiều 27/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 17 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 về các tội: "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Che giấu tội phạm".
Theo đó, bị cáo Trần Tùng (sinh năm 1978, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị Tòa tuyên phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Trần Tùng là 12 năm tù.
Bị cáo Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên). (Ảnh: CAND) |
Năm bị cáo: Trần Thị Quyên (sinh năm 1986, Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt), Lê Thị Phượng (sinh năm 1969, cựu Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương), Nguyễn Văn Văn (sinh năm 1965, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), Lê Ngọc Tường (sinh năm 1979, cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) đều bị phạt 2 năm tù; Nguyễn Mạnh Trường (sinh năm 1980, cựu Chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “Nhận hối lộ”.
Mười bị cáo: Vũ Hồng Quang (sinh năm 1977, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) bị phạt 3 năm 6 tháng tù, tổng hợp với hình phạt 4 năm tù của bản án trước đó tuyên tháng 7/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, hình phạt chung đối với bị cáo Quang là 7 năm 6 tháng tù; Trần Thanh Nhã (sinh năm 1991, trú tại phường 3, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), Đặng Nhật Đức (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Top Agent Japan) đều bị phạt 3 năm tù; Vũ Hoàng Dũng (sinh năm 1987, trú tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Cương (sinh năm 1977, Trưởng phòng Thương mại Điện tử Công ty Cổ phần thương mại hàng không Vietjet), Bùi Đăng Khoa (sinh năm 1984, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Du ngoạn thế giới), Phạm Quốc Thắng (sinh năm 1977, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PNR), Trương Thị Mỹ Dung (sinh năm 1972, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên) đều bị phạt 2 năm tù; Trần Thị Ngân (sinh năm 1984, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Ana Travel) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Minh Phụng (sinh năm 1970, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ du lịch và Xây dựng Gia Huy) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “Đưa hối lộ”.
Bị cáo Nguyễn Xuân Thông (sinh năm 1975, cựu cán bộ Công an) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Che giấu tội phạm”.
Hội đồng xét xử đánh giá, đây là vụ án tham nhũng có diễn biến phức tạp, xảy ra trong khi dịch COVID - 19 bùng phát. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, xâm phạm đến quyền bảo hộ công dân ở nước ngoài, làm mất lòng tin của nhân dân.
Hội đồng xét xử đã phân hóa hành vi phạm tội của từng bị cáo, đồng thời xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều đó thể hiện chủ trương nhân đạo, tốt đẹp của Nhà nước đối với người phạm tội.
Chìm tàu ngoài khơi Maroc, 70 người mất tích
Ngày 26/12, Chính phủ Mali cho biết một tàu chở người di cư đã bị chìm ngoài khơi Maroc khiến 70 người mất tích, trong đó có 25 người đến từ Mali.
Một chiếc thuyền di cư được cứu trên biển. (Ảnh minh họa: AFP) |
Tuyên bố của Chính phủ Mali cho biết khoảng 80 người di cư có mặt trên tàu hướng đến Tây Ban Nha. Vụ chìm tàu xảy ra ngày 19/12. Trong số các nạn nhân được xác định, có 25 người Mali. Ngoài ra, trong số 11 người sống sót được giải cứu, có 9 người cũng đến từ quốc gia Tây Phi này.
Maroc tiếp tục phải đối mặt với áp lực di cư ngày càng tăng do hậu quả trực tiếp của tình hình bất ổn đang diễn ra ở khu vực Sahel. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Maroc đã ngăn chặn hơn 45.000 người di cư bất hợp pháp sang châu Âu và triệt phá 177 băng nhóm buôn người. Trong khi đó, lực lượng hải quân nước này đã giải cứu hơn 10.000 người di cư gặp nạn trên biển.
Quốc gia Bắc Phi này từ lâu đã là điểm xuất phát chính cho những người di cư châu Phi muốn đến châu Âu qua biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương hoặc bằng cách vượt qua hàng rào bao quanh các vùng đất Ceuta và Melilla của Tây Ban Nha tại châu Phi.
Việc Maroc giám sát chặt chẽ hơn các tuyến biên giới phía Bắc thúc đẩy ngày càng nhiều người di cư thử tuyến đường qua Đại Tây Dương nguy hiểm hơn và dài hơn đến Quần đảo Canary của Tây Ban Nha./.