Giáo sư Tạ Quang Bửu – Nhà khoa học tài năng, uyên bác
(ĐCSVN) - Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910 -1986) là nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam, đã có nhiều cống hiến ở các lĩnh vực: ngoại giao, giáo dục, quân sự - quốc phòng, khoa học công nghệ của đất nước. Với kiến thức uyên thâm, ông là nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn chiến lược và là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam".
Giáo sư Tạ Quang Bửu. Ảnh: Tư liệu |
Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh ngày 23 tháng 7 năm 1910 tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 21 tháng 8 năm 1986.
Là người thông minh học giỏi từ nhỏ, năm 1922 ông đỗ điểm cao và học trường Quốc học Huế. Năm 1926, sau khi đỗ Thành Chung, ông ra học ở Trường Bưởi Hà Nội. Năm 1929, ông thi đỗ đầu Tú tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán…, nhận được học bổng sang Pháp học.
Trở về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà đi dạy Toán và tiếng Anh tại các trường tư, ban đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài tiếng Anh và Toán, Lý, Hóa ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường.
Từ 1942 đến 1945, ông đi làm công cho hãng Điện - Nước SIPEA, được cử phụ trách nghiên cứu, nhờ vậy ông thu thập thêm những hiểu biết về công nghiệp. Ngày 17/8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Bắc để đến với Hồ Chí Minh và cách mạng.
Tháng 8/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Từ tháng 9/1945 đến 1/1946, ông đã đảm nhận chức vụ Tham Nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Các đồng chí từ trái qua: Phan Anh, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Tạ Quang Bửu tại Bảo Biên, Định Hóa, Thái Nguyên năm 1947.Ảnh tư liệu |
Giáo sư Tạ Quang Bửu tham gia Tổng Quân ủy, làm ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao và trở thành Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 1947 đến tháng 7/1948. Khi Bộ Quốc phòng được tổ chức lại, ông giữ chức Thứ trưởng, lo công tác hậu cần và thay mặt Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đi thị sát các mặt trận để về báo cáo lại tình hình trong các phiên họp Hội đồng Chính phủ, giúp Bộ trưởng trong công tác khoa học kỹ thuật quân sự.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho sự cai trị của Pháp tại Đông Dương. Giáo sư Tạ Quang Bửu có mặt trong đoàn đại biểu Chính phủ ta tới Thuỵ Sĩ dự Hội nghị Geneva về Đông Dương. Trong Hội nghị này, với tư cách đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự với tướng Delteil của Pháp.
Hòa bình lập lại, Giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn tiếp tục giữ cương vị Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, Đảng và Nhà nước cử ông làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
Tại hội nghị Geneve tháng 7/1954, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện phía Việt Nam ký hiệp định với Pháp. Ảnh tư liệu |
Giáo sư Tạ Quang Bửu là nhà khoa học đa tài, uyên bác có nhiều cống hiến ở nhiều lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, quân sự - quốc phòng, khoa học - công nghệ. Đặc biệt, với kiến thức uyên thâm, ông nhà quản lý giáo dục có tầm nhìn chiến lược và là “cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam".
Giáo sư Tạ Quang Bửu là người đặt nền móng cho đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học. Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội (1956-1961). Sự phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội gắn với công lao to lớn của Hiệu trưởng Tạ Quang Bửu. Trong giai đoạn này, ông đồng thời đảm nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước vào các năm 1958- 1965. Đây là thời kỳ ông đặt nền tảng phát triển cho các ngành khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Từ năm 1965- 1976, Giáo sư Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Trong điều kiện chiến tranh, Giáo sư đã đề xuất dạy những điều cơ bản nhất, hiện đại nhất phù hợp với điều kiện Việt Nam. Từ đó, ông chỉ đạo cải tiến chương trình giảng dạy và quy tụ những nhà khoa học giỏi, các nhà chuyên gia giỏi và các nhà sư phạm giỏi để biên soạn giáo trình mới. Ông cho tổ chức hàng loạt các hội thảo về giảng dạy đại học để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc đại học.
Một đóng góp vô cùng lớn của Giáo sư Tạ Quang Bửu nữa là đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý cho đất nước về sau. Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã gửi hàng nghìn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, thực tập sinh du học ở các nước xã hội chủ nghĩa. Việc hoạch định chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước đã được chuẩn bị chu đáo. Do vậy khi chiến tranh kết thúc, nước nhà đã có một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đủ sức đảm đương nhiệm vụ xây dựng đất nước. Nhiều cán bộ được đào tạo trong thời gian đó hiện đang giữ vai trò nòng cốt trên các mặt giáo dục, khoa học và quản lý kinh tế - xã hội.
Giải thưởng mang tên giáo sư Tạ Quang Bửu đem lại niềm vinh dự cho các nhà khoa học được tôn vinh, khích lệ động viên các nhà khoa học phấn đấu không ngừng vì công cuộc phát triển đất nước. |
Giáo sư Tạ Quang Bửu với tư cách là một nhà khoa học, ông còn truyền cảm hứng, kiến tạo, và tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà mọi người gọi Giáo sư Tạ Quang Bửu là "cây cầu nối khoa học thế giới với Việt Nam". Những cuốn sách ông viết như "Sống", "Về các cấu trúc Bourbaki, "Nguyên tử, hạt nhân, vũ trụ tuyến"... đã giúp nhiều nhà khoa học của ta tiếp cận được tương đối luận, lý thuyết mật mã di truyền, toán học lý thuyết cũng như khoa học vũ trụ. Ông còn trực tiếp chỉ đạo và cùng Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Tiến sỹ Vũ Đình Cự và đội ngũ các nhà kỹ thuật chế tạo thành công nhiều vũ khí, đạn dược (súng không giật SKZ, đạn bazoka, bom bay,...) thời chống Pháp; nghiên cứu chế tạo khí tài phá thuỷ lôi, khí tài gây nhiễu ...thời chống Mỹ.
Với những cống hiến lớn lao đối với đất nước và nhân dân, Giáo sư Tạ Quang Bửu đã được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Giải thưởng mang tên Tạ Quang Bửu định kỳ 03 năm một lần nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc, góp phần thúc đẩy khoa học và công nghệ của Việt Nam hội nhập và phát triển. Giải thưởng mang tên giáo sư Tạ Quang Bửu đem lại niềm vinh dự cho các nhà khoa học được tôn vinh, khích lệ động viên các nhà khoa học phấn đấu không ngừng vì công cuộc phát triển đất nước./.