Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà lãnh đạo tài ba
(ĐCSVN) - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người Cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng, vị tướng tài ba, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01/01/1914 trong một gia đình nông dân tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, trải qua lao động vất vả, được chứng kiến bao nỗi đau thương của quê hương, đất nước, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Vịnh nung nấu hoài bão cứu nước, đó là động cơ thôi thúc đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng, chấp nhận gian khổ, hy sinh cứu dân, cứu nước.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh |
Năm 1934, chàng trai trẻ Nguyễn Vịnh tham gia cách mạng và năm 1937 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đến năm 1938, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Vịnh, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thừa Thiên chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến nổ ra mạnh mẽ, làm kẻ thù hoảng sợ.
Từ năm 1938 - 1945, mặc dù bị địch bắt 3 lần và bị giam giữ trong các nhà tù nổi tiếng khắc nghiệt như: nhà lao Thừa Phủ, nhà tù Lao Bảo, nhà đày Buôn Mê Thuột nhưng đồng chí Nguyễn Vịnh thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đến tháng 3/1945, đồng chí được trả tự do và trở lại hoạt động.
Tháng 8/1945, thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Vịnh ra Việt Bắc dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại đây, đồng chí vinh dự được Bác Hồ đặt bí danh Nguyễn Chí Thanh, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở về Xứ uỷ Trung Kỳ lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng, đặc biệt là tổ chức khởi nghĩa và thành lập chính quyền cách mạng ở Huế, nơi đầu não của chính quyền phong kiến Nam Triều. Những cống hiến của đồng chí đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trong những năm 1948 - 1950, được giao đảm trách cương vị Bí thư Liên khu ủy 4, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Liên khu ủy vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang và nhân dân liên khu vượt qua muôn vàn thử thách, cam go, xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi to lớn. Với những đóng góp xuất sắc và to lớn đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Bác Hồ tặng danh hiệu “Vị tướng du kích”.
Những năm tháng hoạt động trên quê hương, lãnh đạo phong trào cách mạng Trung Kỳ; chịu đựng sự đày ải trong lao tù của đế quốc đã chứng tỏ phẩm chất cách mạng, năng lực lãnh đạo, rèn luyện đồng chí trở thành người tiên phong trên các mặt trận của cách mạng Việt Nam.
Giữa năm 1950, trước yêu cầu xây dựng quân đội vững mạnh, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được phân công vào công tác trong quân đội, đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Bộ Chính trị. Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy trực tiếp lãnh đạo quân đội thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến của Đảng; góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ của các lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, đồng chí đã có công rất lớn trong xây dựng hệ thống cơ quan chính trị, đưa công tác chính trị trở thành “linh hồn”, “mạch sống” của quân đội ta và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, vững vàng vượt qua mọi thử thách cam go, quyết liệt làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Với những cống hiến to lớn cho cách mạng và quân đội, năm 1959, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng, là vị Đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi tình hình chiến sự miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 1967. (Ảnh TTXVN) |
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9/1960, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Năm 1961, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng giao phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương, tiền thân của Ban Kinh tế Trung ương ngày nay. Chỉ ít lâu sau, một phong trào thi đua mới trên mặt trận nông nghiệp nổi lên như sóng cồn. Đó là kết quả của mấy tháng liên tiếp đồng chí Nguyễn Chí Thanh xuống xâm nhập cơ sở ở Hợp tác xã Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Bài báo “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong” do đồng chí viết đăng trên báo Đảng, trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ.
Là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương nhưng hầu như đồng chí Nguyễn Chí Thanh có mặt cả tháng liền với các hợp tác xã, và từ đó nảy sinh phong trào “Gió đại Phong”. Là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường xuyên có mặt ở các đơn vị, gần gũi cán bộ, chiến sĩ và từ đó cờ “Ba nhất” phấp phới bay. Có thể nói, đồng chí ở đâu là ở đó có phong trào quần chúng.
Khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ đối với nước ta, tháng 9/1964, Bác Hồ chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để giao cho Quân ủy Trung ương chuẩn bị một kế hoạch chiến lược để đánh bại quân Mỹ và đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Miền. Theo lời Bác dạy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng đúc rút những bài học kinh nghiệm của những trận đầu thắng Mỹ điện gấp ra miền Bắc. Các phong trào lập công giành danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ diệt ngụy với khẩu hiệu: Tìm Mỹ mà đánh; Tìm ngụy mà diệt; Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh do Đại tướng phát động và tổng kết đã nhanh chóng phát triển thành cao trào, mang về những chiến công vang dội. Cuối năm 1965, Nghị quyết lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được nhất trí thông qua có sự đóng góp xứng đáng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đầu năm 1967, Nguyễn Chí Thanh được triệu tập ra Hà Nội để chuẩn bị cho bước phát triển mới của cuộc chiến. Tháng 6/1967, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo một cách toàn diện tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Theo kế hoạch, ngày 06/7/1967, đồng chí sẽ quay trở lại chiến trường miền Nam, nhưng rồi đúng ngày ấy đồng chí đã không qua khỏi vì bạo bệnh.
Các em học sinh trường Trung học cơ sở Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội. (Ảnh: nhandan.vn) |
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một chuỗi năm tháng đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết. Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí đã tỏ rõ bản lĩnh cách mạng; càng gian khổ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh càng trưởng thành, bộc lộ rõ tố chất đặc biệt của một nhà lãnh đạo tài năng. Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân lên trên hết, quyết tâm suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Nhà nước tặng, truy tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác./.