Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công

Thứ Sáu, 26/10/2018 14:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; nguồn vốn đến doanh nghiệp chậm trễ; việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp... là những vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10.

Sáng 26/10, Quốc hội bắt đầu hai ngày thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; sơ kết đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Lo ngại trước vấn nạn thất thoát, lãng phí trong đầu tư công

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với các báo cáo, đồng thời bày tỏ phấn khởi trước thành công lớn của đất nước với những chỉ số hết sức ấn tượng: Năm 2018 có 12 chỉ tiêu thì vượt 8 chỉ tiêu, đạt 4 chỉ tiêu. Tăng trưởng GDP đạt ở mức cao, xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, đặc biệt tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến và nông sản. Nợ công giảm…

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu rõ: 2018 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu. Kết quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm nức lòng nhân dân cả nước. Cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ sự lo ngại về nhiều dự án của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có nguy cơ thất thoát, lãng phí, điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). (Ảnh: TH)

“Nếu như đầu nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương, bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí của Bộ GTVT quản lý. Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng”, ông Cầu nói.

Dẫn chứng thêm hàng loạt các dự án đội vốn khác để minh chứng cho sự lo lắng về “lãng phí, thất thoát” như: Dự án Cát Linh - Hà Đông đã điều chỉnh tăng thêm 205,7%; Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tăng hơn 47.000 tỷ)…, ĐB Cầu cho rằng nếu cứ để tình trạng điều chỉnh tăng thêm và kéo dài thời gian thế này thì thất thoát lãng phí là điều không thể tránh khỏi.

“Cử tri đòi hỏi Chính phủ xử lý nghiêm những sai phạm này”, ĐB Cầu nêu.

Theo ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), đầu tư công thời gian qua đã hạn chế được trình trạng phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Song thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho các công trình không nằm trong kế hoạch trung hạn; phân bổ vốn cho dự án trong khi chưa xác định tổng mức đầu tư; phân bổ chậm.

“Đây là những hạn chế cần sớm khắc phục, để nâng cao hiệu quả đầu tư công”, ĐB Nguyễn Trường Giang nói.

Quá nhiều tầng nấc, nguồn vốn đến doanh nghiệp chậm

ĐB  Bùi Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng phản ánh, qua giám sát, việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài FDI, nhiều doanh nghiệp phản ánh hầu hết các dự án đều mất rất nhiều thời gian chờ đợi vốn vì phải qua nhiều trung gian, phải qua nhiều bộ để có vốn dự án.

“Trong Bộ có nhiều Cục, trong Cục có Vụ, trong Vụ lại có các phòng, ban, cá nhân phụ trách. Với quá nhiều tầng nấc như vậy, nên nguồn vốn đến với doanh nghiệp rất chậm trễ, thậm chí có dự án chỉ điều chỉnh vấn đề nhỏ, nhưng phải mất hàng năm mới thực hiện được”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương thẳng thắn.

Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ ráo riết chỉ đạo cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh, phân cấp trong một số lĩnh vực, tạo điều kiện các địa phương, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư một cách nhanh chóng, nhất là việc phân bổ nguồn vốn.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vụ tố cáo, tồn đọng kéo dài, vụ việc có dấu hiệu oan sai, có giải pháp giải quyết, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng khiếu nại tố cáo gây mất trật tự xã hội, môi trường xã hội.

Việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp

Đánh giá về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nhận thấy, qua 3 năm thực hiện, chương trình giảm nghèo bền vững đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.      

Song, ĐB Nguyễn Trường Giang tỏ ra băn khoăn khi việc bố trí nguồn lực cụ thể cho chương trình còn thấp, từ năm 2016 - 2018 mới bố trí được 38,12%, bình quân các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý mới bố trí 56%, có chính sách sau 2 năm chưa bố trí nguồn vốn thực hiện, nên không đạt mục tiêu đề ra. Việc bố trí vốn duy tu, bảo dưỡng với Chương trình 30a, Chương trình 135 mới đạt 49,6% so với nhu cầu.

Theo ĐB Giang, một trong những nguyên nhân chính là từ khi xây dựng chính sách, cơ quan đề xuất chính sách chưa tính toán bố trí nguồn lực. Việc dự báo nguồn lực thực hiện là yêu cầu bắt buộc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng nhiều khi chưa được quan tâm đúng mức, còn hình thức dẫn đến không bố trí được vốn. Trên cơ sở đó đề nghị, cần thực hiện nghiêm quy định về dự báo nguồn lực thực hiện được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, cũng như nâng cao trách nhiệm cơ quan đề xuất chính sách.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) lưu ý, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn là “lõi nghèo” của cả nước, thu nhập bình quân các hộ dân tộc thiểu số bằng 2/5 thu nhập bình quân cả nước; vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo…

ĐB Đinh Duy Vượt kiến nghị, cần quan tâm giải quyết căn cơ vấn đề thiếu nước sản xuất, để góp phần thúc đẩy sản xuất, thực hiện phòng, chống đói nghèo bền vững. Tập trung tháo gỡ triệt để, căn cơ việc thiếu đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.../.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN