Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Triển khai Luật Thủ đô: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ Năm, 14/11/2024 17:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại.

PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, phát biểu đề dẫn hội thảo.  

Ngày 14/11, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, cùng đại diện Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của Trung ương, lãnh đạo các đơn vị liên quan của thành phố.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình cho biết, ngày 28/6/2024, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật Thủ đô (sửa đổi) ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật Thủ đô được ban hành để quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. “Luật Thủ đô đã xóa nhiều rào cản hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Hà Nội trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời khơi thông pháp lý để Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững và hiện đại”, đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Hải Bình nêu rõ, hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn thúc đẩy việc ban hành Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15); tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong xây dựng và phát triển Thủ đô; nhận diện Luật Thủ đô trong bối cảnh mới, điều kiện mới, phân tích những cơ hội, thách thức đặt ra trong việc triển khai Luật Thủ đô. Cùng với đó là lộ trình, trách nhiệm, sự phối hợp của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật Thủ đô trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ, phân tích, nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ Luật Thủ đô với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, phân tích làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai Luật Thủ đô một cách kịp thời, qua đó tạo cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những chính sách “mở đường”, đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Hội thảo đã đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.

Tham luận tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thành phố cần hoàn thiện mô hình quản trị Thủ đô hiệu quả, hiện đại, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt là khẩn trương xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh; phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố.

Quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, TS Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Hà Nội là địa phương đi tiên phong cả nước trong phát triển nông nghiệp, với 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và 40% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao.

TS Cao Đức Phát cho rằng, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cũng đứng trước nhiều thách thức khi quỹ đất nông nghiệp giảm nhanh, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, năng suất đất trồng lúa còn chưa cao. Vì vậy, TS Cao Đức Phát nhấn mạnh rằng, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển một số lĩnh vực trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, thành phố cần sớm có quyết sách về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số. Đồng thời, thành phố sớm có chủ trương, định hướng và cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp đô thị. Đặc biệt là xây dựng một nền nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cho rằng Hà Nội phải xác định rõ các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển cao và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố như công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính, dịch vụ... Đồng thời, thành phố cần tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực này, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội thảo.

Kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức hội thảo khoa học lớn để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong đánh giá cao ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đầy tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cụ thể, tập trung vào những nội dung quan trọng, nội dung khó, đóng góp cho thành phố những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô sớm đi vào thực tiễn, đặc biệt, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.

Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị HĐND, UBND thành phố và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của Luật thuộc thẩm quyền của thành phố./.

Tin, ảnh: Phạm Cường - Đình Hiệp

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN