Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cháy khu ổ chuột ở Philippines, 1.000 ngôi nhà bị thiêu rụi

Chủ Nhật, 24/11/2024 20:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cháy lớn thiêu rụi khoảng 1.000 ngôi nhà ở khu ổ chuột Philippines; châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới; triệt phá đường dây nhập lậu, tiêu thụ hàng nghìn tấn “khí cười” là những tin tức đáng chú ý trong ngày 24/11.


Cháy lớn thiêu rụi khoảng 1.000 ngôi nhà ở khu ổ chuột Philippines

Ngày 24/11, hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại một khu ổ chuột ở thủ đô Manila của Philippines.

Vụ hỏa hoạn tại Isla Puting Bato. Ảnh: AFP 

Sở Cứu hỏa Manila cho biết khoảng 1.000 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong biển lửa, được cho là đã bốc lên từ tầng 2 của một ngôi nhà. Hiện chưa có thông tin về thương vong.

Các hình ảnh do cơ quan thảm họa của thành phố cung cấp cho thấy những ngôi nhà ở làng Isla Puting Bato đã không còn.

Sở cứu hỏa cho biết đây là nơi sinh sống của khoảng 2.000 hộ gia đình. Khu vực trên rất dễ xảy ra hỏa hoạn, do hầu hết các ngôi nhà đều được làm bằng vật liệu nhẹ. Lực lượng chức năng đã điều 36 xe tải, 4 thuyền cứu hỏa đến dập lửa, trong khi không quân cũng đã điều 2 trực thăng đến hỗ trợ.

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới

Theo hãng tin Bloomberg, từ sau cú sốc năng lượng lớn cách đây hai năm, thị trường khí đốt châu Âu vẫn đang vật lộn để phục hồi. Bloomberg nhận định, giá khí đốt đã tăng tới 45% trong năm nay, phần lớn do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine. Dù giá hiện tại vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2022, nhưng đủ cao để đẩy mạnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất.

Tiến sĩ Markus Krebber, Giám đốc điều hành của RWE AG (một trong những công ty năng lượng lớn nhất châu Âu), nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn gặp vấn đề với nguồn cung khí đốt. Nếu muốn hoàn toàn độc lập khỏi khí đốt Nga, chúng ta cần tăng cường năng lực nhập khẩu”.

Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN. 

Lời cảnh báo của ông Krebber được đưa ra trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt của châu Âu đang cạn kiệt nhanh chóng, do nhu cầu sưởi ấm tăng cao trong mùa đông, cộng với việc thiếu gió làm giảm sản lượng điện từ năng lượng tái tạo.

Tuần này, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Gazprombank, một ngân hàng chính của Nga tham gia vào các giao dịch liên quan đến năng lượng và cũng là kênh kết nối cuối cùng giữa Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Động thái này có nguy cơ làm gián đoạn những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga qua đường ống. Các nhà phân tích tại Energy Aspects, cảnh báo: “Mất đi một trong những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga sẽ gia tăng áp lực lên thị trường và đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao hơn nữa”.

Ngày 23/11, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Mỹ khi đưa Gazprombank vào danh sách trừng phạt.

Theo ông Szijjarto, quyết định này có thể làm gia tăng khó khăn cho một số quốc gia Trung Âu, trong đó có Hungary, trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các kế hoạch nhằm giảm phụ thuộc năng lượng Nga, nhưng khối này vẫn là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga về nhiên liệu hóa thạch. Tình hình hiện tại đặt châu Âu trước những thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông đang đến gần.

Triệt phá đường dây nhập lậu, tiêu thụ hàng nghìn tấn khí cười

Công an thành phố Hà Nội cho biết vừa triệt phá đường dây nhập lậu, tiêu thụ hàng nghìn tấn khí N2O từ nước ngoài về Việt Nam, bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội phát hiện đối tượng Nguyễn Tuấn Linh (sinh năm 1987; hộ khẩu thường trú Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) cùng đồng bọn có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động nhập khẩu, kinh doanh khí N2O tại Công ty TNHH thương mại DCMC Việt Nam (Công ty DCMC; địa chỉ: Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Tang vật vụ án. Ảnh: TTXVN. 

Ngày 7/11, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O; 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan đến hoạt động phạm tội.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội xác định: Từ năm 2022 đến nay, Công ty DCMC đã kê khai hải quan việc nhập khẩu khoảng 6.190 tấn khí N2O, trị giá khoảng 108,3 tỷ đồng với mục đích sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm (làm phụ gia). Tuy nhiên, Công ty DCMC chỉ sử dụng số lượng ít vào mục đích sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đã bán khoảng 4.327 tấn cho Công ty Royal Gas và Công ty Tấn Lộc và hợp thực hóa bằng việc xuất khống hóa đơn bán hàng cho khách hàng cá nhân không có quan hệ mua bán với Công ty DCMC; số khí còn lại, Công ty DCMC bán lại cho một số doanh nghiệp ở nước ngoài. Đồng thời, trên thực tế Công ty Royal Gas và Công ty Tấn Lộc đã trả cho Công ty DCMC khoảng 260 tỷ đồng nhưng Công ty DCMC chỉ kê khai thuế với số tiền khoảng 115,13 tỷ đồng; còn lại để ngoài sổ sách, không kê khai thuế; ước tính trong 2 năm 2022 và 2023, các đối tượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền khoảng 23,73 tỷ đồng.

Ngày 19/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Tuấn Linh, Phạm Minh Giang, Đặng Huy Hiển về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Chu Bích Ngọc, Nguyễn Thị Hiền về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Hoàng Bùi Khanh về tội Buôn lậu. Các quyết định đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật./.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN