Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả tích cực từ bệnh án điện tử

Thứ Sáu, 15/11/2024 00:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tính đến đầu tháng 11/2024, trên cả nước đã có 107 bệnh viện, phòng khám triển khai sử dụng bệnh án điện tử. Công nghệ hiện đại được ứng dụng trong bệnh án điện tử đã mang lại những “lợi ích kép” cho cả người bệnh và đội ngũ y, bác sỹ tại các cơ sở y tế.

Đột phá trong chuyển đổi số

Mới đây, khi trở lại khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, anh Bùi Văn Đức (Hòa Bình) rất bất ngờ khi chỉ cần quét mã căn cước công dân, các thông tin cá nhân cơ bản và cả bệnh sử đều hiển thị, nhanh chóng được phân luồng, thuận tiện cho việc thăm khám. Anh Đức bộc bạch: “Nói thật là tôi đã xác định tâm lý phải mất ít nhất nửa ngày để được làm thủ tục khám chữa bệnh. Nhưng lần này, việc làm thủ tục diễn ra rất nhanh, thuận tiện, chỉ chưa đến 2 giờ từ thủ tục đến các chỉ định thủ thuật xét nghiệm, chụp chiếu và sau cùng là kết quả đã hoàn thiện. Gần như tất cả các công đoạn đều làm thông qua công nghệ số. Việc thanh toán chi phí cũng thực hiện luôn tại phòng khám, không phải di chuyển khắp nơi nộp tiền. Sau khi làm các thủ thuật, quay lại phòng khám các bác sĩ đã có thể đọc kết quả trên máy. Từ đó tiết kiệm thời gian, công sức cho bệnh nhân và người nhà”.

Bệnh án điện tử giúp bác sĩ theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân đầy đủ và thuận tiện (Ảnh: M.T).

Trực tiếp thụ hưởng những thành quả từ sử dụng bệnh án điện tử, chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Yên Thành (Nghệ An) chia sẻ sự hài lòng sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An: “Các thủ tục cũng như các chỉ định, phác đồ điều trị, đơn thuốc đều có thể xác nhận và xem trên máy tính bảng, hoặc điện thoại cá nhân. Dù chưa quen các thao tác nhưng nhờ được các y bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn nên tôi thấy dễ sử dụng và khá thuận tiện. Thậm chí không chỉ mình tôi, mà người thân cũng đều có thể theo dõi được quá trình điều trị để thêm yên tâm”.

Tìm hiểu được biết, bệnh án điện tử là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia. Bệnh án điện tử là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Bệnh án điện tử có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án thông thường. Mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử, diễn biến điều trị của người bệnh đều được số hóa, dữ liệu tiêu chuẩn, liền mạch, quy trình thực hiện giảm thiểu sử dụng giấy tờ. Do vậy, bệnh án điện tử được xem là bước đột phá quan trọng trong chuyển đổi số của ngành y tế, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

“Lợi ích kép” từ bệnh án điện tử

Thực tế việc áp dụng chuyển đổi số, bệnh án điện tử tại hơn 100 cơ sở y tế trên cả nước thời gian qua đã giúp giảm thiểu thời gian trong giải quyết các thủ tục hành chính; tạo điều kiện để các bác sĩ có thể nhanh chóng thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Các chỉ định đều được làm trên phần mềm. Sau khi kết thúc lệnh, các khoa phòng liên quan đều nhận được thông tin. Công nghệ hiện đại được ứng dụng trong bệnh án điện tử cũng như toàn bộ quá trình khám, chữa bệnh đã mang lại những “lợi ích kép” cho cả người bệnh và đội ngũ y, bác sỹ tại các cơ sở y tế.

Cụ thể, lợi ích đầu tiên của bệnh án điện tử là giúp bệnh nhân không phải lưu trữ các loại giấy tờ như sổ y bạ, kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, phim chụp, đơn thuốc… khi tái khám không cần mang theo hồ sơ bệnh án. Toàn bộ thông tin của bệnh nhân đều được lưu trên hệ thống phần mềm. Đồng thời, người bệnh cũng được đăng ký khám và nhận kết quả nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi và chủ động theo dõi quá trình điều trị. Điều này đã góp phần gia tăng sự hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Cùng với đó, bệnh án điện tử còn tạo nhiều thuận lợi trong việc khám chữa bệnh tăng hiệu suất lao động của các y, bác sỹ. Chuyển biến rõ nét nhất có thể nhận thấy tại các cơ sở y tế đó là sau hơn một năm triển khai ứng dụng bệnh án điện tử, đã không còn hình ảnh những chồng bệnh án giấy ngập trên bàn làm việc của các y, bác sỹ. Mọi hồ sơ, thông tin của bệnh nhân đã được lưu trữ một cách chi tiết, cụ thể, hệ thống trên máy tính. Khi cần, các cán bộ, nhân viên y tế có thể tra cứu dữ liệu cũ, nhập dữ liệu mới một cách dễ dàng, nhanh chóng thông qua một vài thao tác trên bàn phím. Ngoài ra, bệnh án điện tử cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có internet, tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.

Trước đây theo cách khám chữa bệnh truyền thống, mỗi bệnh nhân vào khám bao giờ cũng phải có một quyển bệnh án, bác sĩ vừa hỏi bệnh vừa khám, xong thì phải ghi chép lại bằng tay. Bây giờ bệnh án điện tử cho phép truy cập nhanh chóng để tìm thông tin của bệnh nhân. Các dữ liệu được cập nhật liên tục giúp cho cán bộ y tế có một cái nhìn toàn diện và đầy đủ về tình trạng của bệnh nhân. Từ đó tiết kiệm được thời gian cho bác sĩ trong việc tìm kiếm dữ liệu và khám chữa bệnh đồng thời quản lý được tốt hơn về kế hoạch điều trị, thuốc men.

 PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Hải Anh).

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Bắt đầu triển khai từ tháng 7/2024 với 6 trung tâm, khoa phòng đến trên toàn hệ thống, việc thực hiện Bệnh án điện tử thay thế Bệnh án giấy đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cán bộ y tế. Đơn vị đã và đang tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hệ thống để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân, giảm áp lực cho đội ngũ y tế".

Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng bệnh án điện tử

Thực tế tại các bệnh viện đã triển khai sử dụng bệnh án điện tử đã khẳng định rõ lợi ích của mô hình này với cả người bệnh và đội ngũ y, bác sỹ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, số lượng bệnh viện triển khai bệnh án điện tử trên cả nước còn ít. Tính đến đầu tháng 11/2024, mới chỉ có 107 bệnh viện công bố bệnh án điện tử trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai bệnh án điện tử diễn ra chậm trên cả nước. Trong đó, trở ngại lớn nhất là khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn. Mặt khác, do chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng. Kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Thông tư 46/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 28/12/2018 quy định về hồ sơ bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2019. Theo lộ trình, từ năm 2019 - 2023, các bệnh viện hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; các cơ sở khám, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị và triển khai phù hợp. Từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, thời gian qua, Bộ Y tế và các bệnh viện đã quyết tâm, nỗ lực rất lớn để triển khai bệnh án điện tử. Toàn quốc đã có 107 cơ sở y tế triển khai hình thức này, cho thấy kết quả khích lệ bước đầu. Tuy nhiên, so với tổng số cơ sở y tế thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy, thời gian tới, triển khai bệnh án điện tử tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành.

Có thể thấy, bệnh án điện tử là xu hướng phát triển tất yếu của ngành y tế, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tạo thuận lợi cho thầy thuốc và hỗ trợ tích cực cho ngành Bảo hiểm xã hội trong việc thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc triển khai bệnh án điện tử đã và đang là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành Y tế hiện nay./.

Thùy Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN