Cẩn trọng với nguy cơ nhiễm bệnh uốn ván
(ĐCSVN) - Uốn ván là bệnh lý truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm, nhất là ở trẻ em với tỷ lệ tử vong lên đến 95% nếu phát bệnh. Điều đáng nói, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở ngoài da, chấn thương hay vết xước ngoài da... nên dễ dẫn đến tâm lý chủ quan. Do đó, người dân cần cẩn trọng với các nguy cơ có thể dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này.
Điều trị bệnh nhân uốn ván tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp). |
Thời gian gần đây, các cơ sở y tế tại một số địa phương tiếp nhận khá nhiều ca bệnh uốn ván với các diễn biến nặng. Điển hình là bệnh nhân L.V.T. (nam, 46 tuổi), tiền sử khỏe mạnh, là công nhân xây dựng ở Hà Nam đi khám với biểu hiện ban đầu cứng hàm, khó há miệng, khó thở, đi lại khó khăn. Sau khi được thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nghi nhiễm trùng uốn ván và phải nhập viện điều trị với chẩn đoán ban đầu là uốn ván toàn thể - suy hô hấp. Ngay trong đêm nhập viện, bệnh nhân đã rất khó thở và phải mở khí quản cấp cứu, dùng thuốc an thần liều cao chống co giật, tiêm vaccine và huyết thanh phòng uốn ván để trung hòa độc tố và thở máy hỗ trợ hô hấp. Theo người nhà bệnh nhân T, trước khi nhập viện 2 tuần, quá trình lao động tại công trường, bệnh nhân không may bị máy cắt đá cắt vào ngón tay giữa của bàn tay trái. Tuy nhiên, do chủ quan nên bệnh nhân không đến bệnh viện mà tự xử lý vết thương tại nhà bằng cách đắp lá thuốc. Sau khi bị thương, bệnh nhân cũng không tiêm phòng uốn ván.
Khi vào viện, vết thương ở ngón tay bị hoại tử đen. Bệnh nhân đã được xử lý cắt lọc, rửa sạch vết thương. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị, bệnh tiến triển nặng dần và phải điều trị hồi sức tích cực bằng các phương pháp thở máy, lọc máu, dùng kháng sinh liều cao chống nhiễm khuẩn, vận mạch, bổ sung vi chất, truyền dinh dưỡng… Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng nguy kịch: Sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, suy gan thận cấp, tiêu cơ vân cấp, vô niệu, nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhân L.V.T. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh uốn ván và trở nên nguy kịch vì tâm lý chủ quan. Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là chưa tiêm phòng và đều bị các vết thương hở nhưng tự xử lý tại nhà, dẫn đến nhiễm vi khuẩn uốn ván.
Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, người mắc bệnh uốn ván thường có biểu hiện ban đầu là cứng hàm và khó há miệng, sau đó lan xuống các cơ khiến bệnh nhân không thể đi lại được. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến co giật cứng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp và nhanh chóng tử vong do ngực bị chẹn cứng, gãy xương, đứt cơ. Thời gian ủ bệnh uốn ván có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.
Tư vấn tiêm phòng uốn ván cho người dân tại tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Phương Hiền). |
Do đó, khi có vết thương trên da, cần lưu ý rửa sạch và sát trùng, giữ vết thương sạch để tránh nhiễm trùng và nguy cơ hoại tử. Nên để hở vết thương và không bịt kín để tránh viêm nhiễm. Nếu giẫm phải vật nhọn như đinh, sắt, gai thì cần xử lý vết thương ngay lập tức, sau đó đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị phòng ngừa bệnh uốn ván.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tính chất nguy hiểm của bệnh uốn ván còn ở chỗ là thông thường, vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở ngoài da, chấn thương, hay phẫu thuật; nhưng ngay cả khi bệnh nhân không thể xác định rõ vết thương đường vào, nguy cơ nhiễm vi khuẩn uốn ván vẫn có thể đến từ các vết xây xước nhỏ trong quá trình lao động, sinh hoạt trước đó mà bệnh nhân không để ý, do bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh dài, nên bệnh nhân không nhớ chính xác. Thậm chí, nhiều nghiên cứu khoa học còn cho thấy uốn ván xuất hiện sau các nhiễm trùng răng miệng, như sâu răng, nhổ răng, áp xe quanh răng...
Ngoài ra, trong một số trường hợp hiếm, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập qua các tổn thương hoặc nhiễm khuẩn đường ruột, chẳng hạn như từ các vết mổ trong nội soi hoặc tổn thương nhỏ ở dạ dày, trực tràng, hoặc hậu môn,… Do vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu nghi ngờ (cứng hàm tiến triển, co cứng cơ) và thực hiện các dự phòng thích hợp là yếu tố then chốt giúp bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn những diễn biến nghiêm trọng của bệnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, việc phòng ngừa uốn ván là vô cùng cần thiết. Hiện nay, tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván được coi là biện pháp phòng ngừa tốt nhất. Có nhiều loại vaccine phù hợp cho từng đối tượng, bao gồm cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi, đúng liều để bảo đảm hiệu quả tiêm phòng ở mức tối đa.
Đặc biệt, đối với những người làm nghề nông, lao động tay chân, thường xuyên tiếp xúc với nền đất; cần tiêm phòng uốn ván định kỳ, có biện pháp bảo hộ khi lao động để hạn chế bị các vết thương. Ngoài ra, bất kỳ vết thương nào trên cơ thể, dù nhỏ cần xử lý đúng cách, với các vết thương sâu cần xử lý tại các cơ sở y tế, và không để các vết thương hở tiếp xúc với bùn đất.
Đồng thời, mỗi người cũng cần bảo đảm cả vấn đề vệ sinh răng miệng nói chung. Nếu xuất hiện các dấu hiệu như khó há miệng, khó nói, hay khó khăn trong ăn uống, mọi người nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và phát hiện bệnh sớm và có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả./.