Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chọn cơ quan nào kiểm soát tài sản, thu nhập?

Thứ Ba, 30/10/2018 16:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: KT)

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội vừa thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý trực tiếp người có nghĩa vụ kê khai tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất là cán bộ làm công tác tổ chức thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập, dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.

Để khắc phục những hạn chế này, việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cần theo hướng tăng cường một bước tính tập trung, đồng thời cũng phải phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi.

Nếu theo phương án giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập thì có thể gây quá tải, thiếu khả thi, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cơ quan này, nhất là trong điều kiện dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai và giao thêm nhiều thẩm quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ lo ngại nếu giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở tương đương trở lên ở địa phương thì có quá tải với Thanh tra Chính phủ không? Đại biểu phân tích: “Thanh tra Chính phủ còn rất nhiều việc quan trọng khác nữa. Bây giờ giao cho anh nhiệm vụ kiểm soát đến cả Giám đốc Sở thì liệu có quá nhiều, quá tải cho cơ quan Thanh tra Chính phủ hay không. Nếu giao cho Thanh tra Chính phủ cả Giám đốc Sở thì lại chưa phù hợp với tinh thần phân cấp trong quản lý hành chính hiện nay. Chính phủ đang chủ trương phân cấp, phân quyền. Thanh tra Chính phủ có ngành dọc, chỉ đạo nghiệp vụ từ ngành dọc, từ Thanh tra Chính phủ cho đến thanh tra các địa phương, nên quy định Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập đến Phó Chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên và Giám đốc Sở và tương đương thì giao cho thanh tra tỉnh. Trong quá trình đó, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thanh tra cấp tỉnh làm nghiệp vụ này thì phù hợp hơn. Như vậy, đề nghị thanh tra Chính phủ chỉ kiểm soát từ Phó Chủ tịch tỉnh trở lên:.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) thể hiện sự thống nhất cao phương án giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương. Các cơ quan khác và tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập của người kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình. Bởi, phương án này đã thể hiện sự tăng cường hơn tính tập trung, đồng thời khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối của cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập như hiện nay. Phương án này không gây xáo trộn lớn về tổ chức và hạn chế đến việc tăng áp lực cho công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập.

Đại biểu cũng cho rằng nếu theo phương án giao cho cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc thành lập cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản, thu nhập thì sẽ gây quá tải, thiếu khả thi, nếu không bổ sung theo biên chế. Ngược lại, nếu bổ sung thêm biên chế bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết số 18 ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực và Nghị quyết số 56 của Quốc hội.

Cũng đồng tình với giải trình của UBTVQH, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, theo phương án này sẽ tăng cường tập trung khắc phục việc tổ chức dàn trải nhiều cơ quan đầu mối kiểm soát tài sản thu nhập, không tăng áp lực cho cơ quan thanh tra. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập trong định kỳ kiểm tra, xác minh báo cáo.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nhấn mạnh, đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với quy định theo hướng giao cho thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương, các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập của người kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình để tăng cường một bước tính tập trung phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy của Nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên đây cũng là vấn đề mới nên có ý kiến đề nghị ngay cả phương án này cũng cân nhắc tính khả thi, nếu giao cho thanh tra tỉnh và Thanh tra Chính phủ thì liệu có bảo đảm được tính hợp lý khi kiểm soát một đối tượng lớn như vậy hay không?./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN