Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 4: Gỡ vướng cho du lịch miền núi

Thứ Tư, 06/04/2022 19:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có 9 huyện, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tại đây hiện đang lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa; có nhiều di tích, danh thắng tự nhiên đẹp; có khí hậu mát mẻ và độ che phủ của rừng cao. Đây là những tiềm năng, lợi thế để địa phương khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch xanh.

Trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam)

Cần tư duy phát triển du lịch phù hợp

Mặc dù trong những năm gần đây, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam rất quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cho du lịch. Song thực tế du lịch tại đây hiện vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; thậm chí có nơi du lịch chỉ mới mang tính định hình, khai thác đơn giản, lượng khách không đáng kể.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Namdo địa hình chia cắt phức tạp nên đầu tư vào khu vực miền núi cao hơn nhiều so với đồng bằng. Đặc biệt, vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở, đường đi nguy hiểm. Vì vậy, nhà đầu tư không nghĩ việc bỏ vốn vào làm ăn tại đây sẽ khả thi. Từ thực tế đó, yêu cầu đặt ra là các địa phương miền núi phải có tư duy tiếp cận phát triển du lịch phù hợp. Các cấp lãnh đạo tại đây cần đặt mình vào vai trò là nhà đầu tư thì mới giải quyết được"- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề và cho rằng: Không có lực hấp dẫn từ các cơ chế ưu đãi, thu hút thì chẳng nhà đầu tư nào mạnh dạn đến với miền núi phía Tây của tỉnh.

“Du lịch tại miền núi Quảng Nam không nhất thiết phải có nhiều khách mà nơi đây phải có cách làm riêng biệt, thu hút được một lượng khách ổn định (có thể không cần đông, không cần khách đại trà) nhưng có chất lượng. Đây mới là mô hình phát triển du lịch phù hợp trong điều kiện của các địa phương miền núi Quảng Nam hiện nay”- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam gợi ý.

Một trong các nút giao thông kết nối Quốc lộ 14B từ Đà Nẵng lên các huyện miền núi Quảng Nam và đến Tây Nguyên

Xóa điểm nghẽn giao thông

Từ gần 10 năm qua, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (Công ty đóng tại Đà Nẵng) mỗi năm đưa hàng chục đoàn khách là các đối tác từ châu Âu lên miền núi Quảng Nam để khảo sát, tìm hiểu vùng nguyên liệu.

Ông Sơn cho biết, các đối tác khi đến đây đều rất thích thiên nhiên và văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, có một số bất lợi là đường đi quá khó khăn, mất nhiều thời gian di chuyển, nhất là vào mùa mưa. Cạnh đó, các dịch vụ du lịch như nơi ăn, nơi nghỉ không đảm bảo.  “Nếu muốn phát triển du lịch, Quảng Nam tính đến việc giải quyết tốt những bất lợi, khó khăn này”- ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: “Thời gian qua, huyện tiến hành đầu tư phát triển giao thông. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, chia cắt nên việc đầu tư cho hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu. Việc phát triển giao thông đến các điểm du lịch và kết nối với các địa phương vẫn còn hạn chế, có nơi còn tạm bợ, chắp vá”- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết.

Ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao (VHTT) huyện Đông Giang cho hay, huyện đang kỳ vọng Trung ương sớm đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến Quốc lộ 14G. Đây là tuyến giao thông huyết mạch để Đông Giang, Tây Giang kết nối với Đà Nẵng, Hội An và Huế - những địa điểm mà các công ty lữ hành có thể mở các tour, tuyến đưa du khách đến với địa phương.

Tương tự, tại các huyện miền núi phía Tây nam như: Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My với Quốc lộ 14B xuyên qua. Đây cũng là con đường kết nối từ Hội An, Tam Kỳ lên các huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh và qua Kon Tum, đến với Tây Nguyên. Do vậy, được nâng cấp, mở rộng; đảm bảo thông suốt vào mùa mưa thì đây sẽ là cung đường đưa du khách đến với các địa phương miền núi ổn định, nhiều hơn.

Mùa mưa, nhiều tuyến đường tại các huyện miền núi Quảng Nam thường xảy ra tình trạng sạt lở, gây nguy hiểm. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng, du lịch vùng sâm và dược liệu tại Nam Trà My mở ra, du khách đến với địa phương qua Quốc lộ 14B ngày càng đông. Sắp tới, huyện sẽ mở rộng, nâng cấp các tuyến đường vào vườn sâm Tắk Ngo, đường lên đỉnh Ngọc Linh và các điểm du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn. Huyện cũng đang phối hợp đầu tư, từng bước hình thành các tuyến đường nối Nam Trà My tới các tỉnh, huyện lân cận như: Tuyến Trà Leng- Phước Sơn; 40B đi Đắk Tô kết nối với đường Hồ Chí Minh; tuyến đường Đông Trường Sơn và tuyến Trà Vinh - Đăkru kết nối Nam Trà My với huyện Konplong tỉnh Kon Tum…

“Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cần đầu tư mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 40B, qua đó sẽ giúp kết nối 03 huyện có tiềm năng du lịch cộng đồng gồm: Tiên Phước với hệ thống di tích, danh thắng, nhà cổ, làng cổ, vườn sinh thái nổi tiếng, không gian văn hóa đá… mang nét đặc trưng làng quê xứ Quảng, thuận lợi phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch miệt vườn sinh thái làng quê; Bắc Trà My với thế mạnh về du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa, quần thể di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa; Nam Trà My với thế mạnh về du lịch tham quan trải nghiệm vùng sâm Ngọc Linh, rừng nguyên sinh, văn hóa bản sắc của đồng bào gần như được bảo tồn nguyên vẹn”- Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ thêm./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN