Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: 6 tháng đầu 2024, GRDP ước đạt 6,26%

Thứ Sáu, 05/07/2024 16:50 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh đã vượt qua khó khăn của năm 2023 và đang dần được phục hồi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có sự khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế.

Tốc độ tăng GRDP ước đạt 6,26% , trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 1,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 9,1%, trong đó riêng công nghiệp ước tăng 9,2%; khu vực dịch vụ ước tăng 6,0% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 1,53% so với cùng kỳ năm 2023 .

Quy mô giá trị gia tăng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm ước đạt 80,72 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 62,15%, khu vực dịch vụ chiếm 30,14% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,71% tổng giá trị tăng thêm.

 Dự án khu công nghiệp Tam Dương, Vĩnh Phúc (Ảnh tư liệu)

Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, chi phí vận tải; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của nước ta tiếp tục suy giảm… Song, từ quý II đến nay các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã có xu hướng khả quan hơn khi một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng mới, thị trường tiêu thụ tăng lên, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng khá, sản lượng xe máy đã tăng trở lại… góp phần làm ngành công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng khá so cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của tỉnh tăng 9,89% so với cùng kỳ. Sản lượng sản xuất của hầu hết các mặt hàng công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể: Doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử ước tăng 7,34% so với cùng kỳ; Gạch ốp lát ước tăng 13,44% so với cùng kỳ do thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng sau một thời gian dài trầm lắng đến nay đã và đang có dấu hiệu khởi sắc; Sản lượng xe máy ước tăng 2,6% so với cùng kỳ; Sản lượng ô tô ước giảm 7,93% so với cùng kỳ do phải cạnh tranh với nhiều hãng xe trong nước, sức mua của thị trường ở mức thấp trong khi lượng xe tồn kho còn nhiều nên các doanh nghiệp đã phải giảm sản lượng để cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ.

Hoạt động xây dựng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 duy trì được sự ổn định và tăng trưởng mặc dù giá cả nguyên vật liệu có thời điểm tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng nhờ sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư và hoạt động đầu tư xây dựng của doanh nghiệp, người dân từng bước phục hồi nên giá trị gia tăng ngành xây dựng ước tăng 7,4% so với cùng kỳ, đóng góp 0,34 điểm % tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Về trồng trọt: Vụ Đông Xuân 2023-2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất thường (Nắng nóng xuất hiện vào đầu tháng 4, sớm hơn so với trung bình nhiều năm và so với cùng kỳ năm trước và giông lốc, mưa đá xuất hiện vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2024…) đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tập trung khắc phục khó khăn, triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành, kết quả sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 được đánh giá là được mùa, năng suất của hầu hết các loại cây trồng đều tăng so với cùng kỳ;

Kết quả sản xuất sơ bộ vụ đông xuân năm 2024 toàn tỉnh gieo trồng được 52.182 ha cây hằng năm, giảm 0,54%, tương đương giảm 284 ha so với vụ đông xuân năm trước; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 216.455 tấn, tăng 1,31%, tương đương tăng 2.806 tấn so với vụ đông xuân năm 2023.

Sản xuất chăn nuôi: Các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi và công tác giám sát dịch bệnh, quản lý giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật, phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng tập trung triển khai hiệu quả. Chăn nuôi trâu, bò thịt tiếp tục có xu hướng giảm về tổng đàn và sản lượng, trong đó tổng đàn trâu giảm 4,85%, đàn bò giảm 4,92%. Chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển, sản lượng sữa bò tươi ước tăng 3,1% so với cùng kỳ 2023. Quy mô đàn lợn và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tổng đàn lợn tăng 1,3% và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 6,35% do giá lợn hơi xuất chuồng trong những tháng đầu năm tăng khá cao so với cùng kỳ đã giúp người chăn nuôi thu được lợi nhuận cao hơn. Tổng đàn gia cầm ước tăng 0,66%, người dân đang có xu hướng chuyển dịch cơ cấu từ đàn gia cầm thịt sang đàn gia cầm đẻ trứng, do đó sản lượng trứng gia cầm ước tăng 7,62% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản xuất lâm nghiệp: Tổng diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 470 ha, số cây trồng phân tán ước đạt 559 nghìn cây, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng được quan tâm; các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra và lập hồ sơ 15 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, phát hiện và lập biên bản 09 vụ vi phạm pháp luật về đất rừng.

Sản xuất thủy sản: mặc dù thời tiết không thuận lợi, diện tích nuôi trồng giảm 0,47% so với cùng kỳ. Nhưng nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật chăm sóc đàn cá và do giá các mặt hàng thuỷ sản ổn định nên người chăn nuôi đã tập trung nuôi trồng, gia tăng sản lượng sản xuất. Ước tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 12 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng giống thủy sản tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Các hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại ổn định, không có biến động lớn về mức giá, sản phẩm đa dạng, chủng loại và mẫu mã phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 37.630 tỷ đồng, tăng 6,69% so với cùng kỳ. Giá cả hàng hóa trên địa bàn ổn định, bình quân 5 tháng đầu năm 2024 chỉ số CPI tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ.

Dịch vụ vận tải đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Tổng doanh thu ngành vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được các cơ quan chức năng triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Số lượt khách du lịch, doanh thu du lịch tăng khá so với cùng kỳ, trong đó khách du lịch ước đạt 5,89 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 2,28 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2023.

 

Minh Khang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN