Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Lập Thạch
(ĐCSVN) - Theo đánh giá của UBND huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), thông qua hoạt động tuyên truyền đã làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Việc xây dựng thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu ở địa phương sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân |
Xác định cái đích của xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là tạo nên những vùng quê đáng sống cho người dân, nên khi bắt tay vào thực hiện giai đoạn I của chương trình, cùng với tổ chức các hội nghị quán triệt, phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu từng phòng, ban, đơn vị, địa phương, huyện Lập Thạch đã đẩy mạnh công tác tuyền truyền Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030. Đồng thời, phát động phong trào thi đua “Lập Thạch xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu”; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện xây dựng chuyên trang trên Cổng Thông tin điện tử huyện; tăng thời lượng phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện đã đăng tải gần 100 tin, bài, văn bản chỉ đạo trên Cổng Thông tin điện tử; gần 150 tin, bài trên Đài truyền thanh huyện; phát gần 100 tin, phóng sự truyền hình trên màn hình LED đặt tại vị trí trung tâm. Cùng với đó, gửi nhiều tin, bài về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu cộng tác với Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; treo hàng trăm panô, áp phíc, băng zôn; đặt các cụm cổ động tấm lớn tại các vị trí trung tâm.
Đặc biệt, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, UBND huyện Lập Thạch đã chỉ đạo Phòng Văn hóa, Thông tin huyện, các xã, thị trấn lồng ghép các nội dung về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới vào các tiểu phẩm, chương trình hội diễn văn hóa, văn nghệ; tổ chức giao lưu, thi đấu các giải thể thao; thành lập, cho ra mắt các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thu hút đông đảo người dân, nhất là chị em phụ nữ tại 3 địa phương được chọn triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Theo đánh giá của UBND huyện Lập Thạch, thông qua hoạt động tuyên truyền đã làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng khu thiết chế văn hóa; nhiều hộ dân đăng ký thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Trong giai đoạn I, huyện Lập Thạch huy động được trên 2,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, trong đó, Nhân dân thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích đóng góp gần 600 triệu đồng và hàng ngàn ngày công lao động để xây dựng Khu thiết chế văn hóa - thể thao; Nhân dân thôn Vân Nam, xã Vân Trục đóng góp trên 780 triệu đồng; Nhân dân thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn đóng góp 840 triệu đồng và ủng hộ hàng ngàn ngày công lao động, vật liệu xây dựng, hoa cây cảnh, vẽ tranh bích họa, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí…, góp phần đưa Lập Thạch về đích trước thời gian quy định xây dựng khu thiết chế văn hóa, thể thao của cả 3 Làng văn hóa kiểu mẫu.
Tạo nên những vùng quê đáng sống cả về vật chất và tinh thần, hiện nay, các khu thiết chế văn hóa, thể thao của 3 Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Lập Thạch luôn hoạt động hết công suất, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, từ người già, trẻ nhỏ, thanh niên, chị em phụ nữ ra luyện tập văn hóa, văn nghệ, vui chơi thể dục, thể thao. Đặc biệt là tại các Làng văn hóa kiểu mẫu này đã hình thành, phát triển được các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Cụ thể như tại thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích xây dựng được 3 mô hình kinh tế là mô hình trồng lúa hữu cơ, mô hình gieo cấy lúa nếp nhung, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ; thôn Vân Nam, xã Vân Trục có mô hình trồng na, mô hình trồng trám đen xen ghép và mô hình trồng cây dược liệu dưới tán cây ăn quả; thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn có mô hình nuôi ong lấy mật, mô hình trồng cây ba kích và mô hình nuôi hươu lấy nhung… Hiện tất cả các sản phẩm đầu ra của các mô hình kinh tế được các doanh nghiệp ký cam kết bao tiêu, tạo hướng đi mới cho phát triển kinh tế các địa phương.