Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Tăng cường kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp

Thứ Sáu, 27/09/2024 08:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 26/9/2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Vĩnh Phúc, chi nhánh Vĩnh Phúc II tổ chức Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì Hội nghị.

Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: TBNH) 

Hội nghị có sự tham dự của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc; Lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Đăng ký đất đai, Hội doanh nghiệp tỉnh; Ban lãnh đạo hai chi nhánh Agribank cùng hơn 50 doanh nghiệp đại diện cho các khách hàng của hệ thống Agribank trên địa bàn.

Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp được tổ chức với mục đích đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm 2024.

Theo thông tin tại hội nghị, thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2024, đến 31/8/2024, tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 134.602 tỷ đồng, tăng 13,45% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 5,03% so với cuối năm 2023; nợ xấu chiếm 1,1% tổng dư nợ.

Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 55.891 tỷ đồng, tăng 5,47% (với 3.204 doanh nghiệp đang vay vốn), chiếm tỷ trọng 41,52% tổng dư nợ; Thông qua chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức và từng NHTM triển khai từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã giải ngân cho vay đối với 1.450 doanh nghiệp đạt dư nợ 19.800 tỷ đồng.

Đối với hệ thống Agribank trên địa bàn, đến hết tháng 8/2024, tổng dư nợ của 02 chi nhánh đạt 25.736 tỷ đồng, chiếm thị phần 19,1% dư nợ tín dụng toàn tỉnh, tăng trưởng 2.174 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng 9,2%. Trong đó, số lượng khách hàng doanh nghiệp vay vốn tại 2 chi nhánh Agribank là hơn 366 doanh nghiệp, với dư nợ đạt 4.787 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,6% tổng dư nợ. Trong 8 tháng đầu năm, 2 chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận, chào mời 1.236 doanh nghiệp trên địa bàn, giải ngân được 76 doanh nghiệp với số tiền đạt 1.115 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị với ngân hàng và lãnh đạo các Sở, ngành một số nội dung như: Xem xét cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; cơ chế thẩm định giá, cho vay dựa trên tài sản bảo đảm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vốn giá rẻ với thủ tục thuận tiện, dễ dàng; việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tiếp cận vốn ngân hàng và kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp…

Ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Hội nghị là sự kiện quan trọng để chính quyền và ngành Ngân hàng kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn; Nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là nhu cầu về vốn vay, từ đó có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phục hồi và phát triển. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã quán triệt hệ thống Agribank trên địa bàn tỉnh quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của NHNN từ đầu năm về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng; Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; Thực hiện tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Tích cực thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục SXKD đối với khách hàng gặp khó khăn do tác động của thiên tai, dịch bệnh, nhất là khách hàng bị thiệt hại trong cơn bão số 3 theo văn bản số 7417/NHNN-TD ngày 09/9/2024, Quyết định số 2163/QĐ-NHNN ngày 20/9/2024 và Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 25/9/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của doanh nghiệp.

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN