Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chung tay xây dựng ngôi nhà chung các dân tộc Việt Nam

Thứ Sáu, 05/07/2024 16:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và khám phá văn hóa các dân tộc Việt Nam mà còn được xem là những khuôn thước văn hóa rất riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú, năng động và sáng tạo của nét văn hóa 54 dân tộc anh em.

Làng dân tộc Ê-đê được phục dựng từ năm 2008, nằm trong Khu các làng dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng). Từ năm 2016 đến nay, đồng bào dân tộc Ê-đê bắt đầu hoạt động thường xuyên tại Làng theo hình thức luân phiên.

Nở nụ cười tươi rói, Nghệ nhân H’Hoa Nie Ksor bày tỏ niềm tự hào khi là một trong 8 thành viên của dân tộc Ê-đê sinh sống tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc. Họ - như bà tự nhận, chính là “Đại sứ văn hoá” của dân tộc mình giữa Thủ đô thân yêu và trong lòng du khách trong và ngoài nước tới đây thăm quan.

Nghệ nhân H’Hoa Nie Ksor bày tỏ niềm tự hào là “Đại sứ văn hoá” của dân tộc Ê-đê giữa Thủ đô thân yêu và trong lòng du khách trong, ngoài nước. 

Để được tín nhiệm cử ra Làng Văn hoá - Du lịch làm “Đại sứ văn hoá” của dân tộc Ê-đê, những người như bà H’Hoa Nie Ksor phải chứng tỏ mình chính là chủ thể có sự hiểu biết sâu sắc, thực hành thành thạo các hoạt động giàu bản sắc văn hoá dân tộc diễn ra trong cuộc sống lao động, sản xuất thường ngày của đồng bào như: dệt vải, chế tác nhạc cụ; biểu diễn dân ca, dân vũ; thực hành các nghi lễ truyền thống như: Lễ Mừng nhà mới, Lễ Kết nghĩa anh em, Lễ Cúng bến nước, Lễ Cưới truyền thống, Lễ Cúng sức khỏe, Lễ Mừng cơm mới…

Trong thời gian ở Làng Văn hoá, các thành viên đại diện cho dân tộc mình được hỗ trợ kinh phí ăn, ở. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, tối đến, họ dệt thổ cẩm, làm các loại đồ ăn, thức uống truyền thống của dân tộc… bán cho khách thăm quan, coi đó cũng là một cách quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hoá dân tộc - chị Đinh Thị Tớp, thành viên nhóm đại diện người Ba Na ở Làng Văn hoá - Du lịch chia sẻ.

Những người đại diện cho các nhóm dân tộc thiểu số như bà H’Hoa Nie Ksor, chị Đinh Thị Tớp đang góp phần xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng 54 dân tộc anh em ở nước ta.

Năm 2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức khai trương nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo Quy hoạch chung, Làng có tổng diện tích 1.544ha (trong đó có gần 1.000 ha mặt nước hồ Đồng Mô) và được phân định thành 7 khu chức năng. Khu các làng dân tộc được coi là “linh hồn”, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em.

Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với các địa phương tổ chức đưa 15 nhóm cộng đồng các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê-đê, Khmer, Bru - Vân Kiều về Khu các làng dân tộc Việt Nam để tái hiện đời sống sinh hoạt văn hóa, nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Đến với Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, du khách được trải nghiệm nghệ thuật ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

Đại diện Ban Nghiệp vụ, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, việc xây dựng Làng được thực hiện theo quan điểm “Bảo tồn nguyên mẫu”, với phương châm “Chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” - có nghĩa là đồng bào các dân tộc tham gia vào toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng cũng như tổ chức hoạt động tại Khu các làng dân tộc. Họ chính là người trả lời cho các câu hỏi: Bảo tồn cái gì? Bảo tồn ra sao? Cơ chế bảo tồn như thế nào?

Trả lời cho câu hỏi “Bảo tồn cái gì” chính là bảo tồn không gian cảnh quan làng, bản, các công trình kiến trúc tiêu biểu, vật dụng sinh hoạt và cách thức trưng bày, các hoạt động lễ, tết, hội, dân ca, dân vũ, tri thức dân gian...

Với câu hỏi “Bảo tồn ra sao”, câu trả lời là tổ chức hoạt động tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc tại Làng cùng với giải pháp “Tự làm mới” để hoạt động phong phú và hấp dẫn hơn.

Về “Cơ chế bảo tồn”, Làng phối hợp với các địa phương, các dân tộc lựa chọn các điểm bảo tồn và xây dựng đề án bảo tồn ở cơ sở; thống nhất phương thức huy động nghệ nhân từ các điểm liên kết bảo tồn về hoạt động luân phiên tại Làng theo kế hoạch hàng năm. Bên cạnh đó, Ban Quản lý tạo điều kiện để đồng bào luân phiên về thăm gia đình và động viên kịp thời những gia đình khó khăn để họ toàn tâm, toàn ý trong quá trình làm việc tại Làng; quan tâm đãi ngộ các nhóm nghệ nhân và nắm bắt tâm tư tình cảm của họ nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong đời sống.

Nhiều năm nay, Ban Quản lý Làng đã tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức được ba hoạt động thường niên gồm: “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” (dịp đầu năm mới Âm lịch); Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); Tuần Đại đoàn kết dân tộc - di sản Văn hóa Việt Nam (chào mừng Ngày Di sản văn hóa và thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam từ 18 - 23/11). Các hoạt động này thường xuyên được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương.

ThS. Nguyễn Mạnh Cường - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Làng không chỉ đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và khám phá văn hóa các dân tộc Việt Nam mà còn được xem là những khuôn thước văn hóa rất riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú, năng động và sáng tạo của nét văn hóa 54 dân tộc anh em. Những khuôn thước văn hóa ấy chính là cốt lõi, nền tảng trong hành trang xây dựng cuộc sống hiện tại và tương lai.

Đồng bào các dân tộc và du khách cùng hoà mình vào điệu múa Tang bu của dân tộc Kháng, tỉnh Điện Biên. 

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có lịch sử phát triển, bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; đồng thời là thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Do vậy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nhằm giữ vững nền tảng tinh thần, giá trị đạo đức xã hội, tạo nguồn lực nội sinh phát triển bền vững đất nước.

Để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em, xứng đáng là Trung tâm Văn hóa - Du lịch quốc gia, trong thời gian tới, Ban Quản lý Làng sẽ phối hợp với các địa phương kiểm chứng thực tế để xác định nội dung các giá trị văn hóa của từng dân tộc cần được bảo tồn hoặc phục dựng. Các nội dung này là nguồn dữ liệu phục vụ nghiên cứu, đồng thời là cơ sở để tái hiện tại Làng được sống động và chân thực nhất.

Sau khi xác định nội dung bảo tồn, Ban Quản lý Làng phối hợp với các địa phương lựa chọn các làng, bản còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống làm điểm liên kết bảo tồn (điểm văn hóa “gốc”), hình thành bản đồ các điểm liên kết bảo tồn với Làng trên cả nước của 54 dân tộc anh em, đồng  thời phối hợp xây dựng cơ chế bảo tồn các điểm liên kết của từng địa phương, từng dân tộc để các địa phương chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Trên cơ sở nội dung bảo tồn, số lượng điểm liên kết bảo tồn ở cơ sở, phối hợp xây dựng kế hoạch số lượt huy động, số nhân lực huy động... và thống nhất phương thức luân chuyển. Xây dựng chế độ tài chính và quyền lợi cho các đối tượng được huy động về tham gia hoạt động tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống tại Làng. Các nội dung tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có tính chất dẫn dụ, gợi mở đưa du khách đến với các vùng miền, từng dân tộc, qua đó tăng cường công tác bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch của các địa phương.

Các chuyên gia về văn hoá đều thống nhất cho rằng, để bảo tồn và phát triển không gian văn hóa làng các dân tộc Việt Nam có chiều sâu, nhằm giới thiệu, quảng bá một cách sinh động những nét bản sắc văn hóa riêng biệt của từng dân tộc đến với du khách, trước tiên cần tạo được các chuỗi những giá trị hoạt động của họ trong không gian sinh sống, không gian sinh kế, không gian tâm linh và không gian sinh hoạt cộng đồng.

Vì vậy, cần có cơ chế, đầu tư nguồn lực để người dân sinh sống trong Làng có thể phát triển các ngành nghề truyền thống, giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủ công; thực hành nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại nơi sinh sống. Đây là những vấn đề mấu chốt giúp cho các làng dân tộc Việt Nam duy trì được phần hồn của mình và thu hút du khách.

Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ kỹ thuật số thuyết minh tự động trên thiết bị điện thoại thông minh kết nối Internet, được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, hoặc dưới hình thức văn bản, hình ảnh tĩnh và động giúp cho du khách nắm bắt được những thông tin về lịch sử, đời sống lao động, nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc trong Làng. Việc áp dụng ứng dụng kỹ thuật số hỗ trợ du khách sẽ giúp họ có thể gửi những ý kiến đóng góp của mình đến nhà quản lý để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các sản phẩm dịch vụ chất lượng hơn.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách về văn hoá, văn hoá các dân tộc thiểu số nói chung, hoạt động văn hoá ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn trở thành kinh tế di sản, góp phần phát triển văn hoá, du lịch quốc gia./.

Bài, ảnh: Phương Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN