Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Điểm tựa tin cậy của nhân dân trong thiên tai, bão lũ

Thứ Hai, 08/07/2024 15:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã luôn sát cánh cùng nhân dân. Kịp thời có mặt trong những tình huống khẩn cấp, những người lính “quân hàm xanh” luôn là điểm tựa tin cậy của người dân địa phương trong thiên tai, bão lũ.

 Một cụ bà được Bộ đội Biên phòng đưa ra khỏi vùng ngập lũ sâu xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Lê Trung).

Xác định phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn là “nhiệm vụ chiến đấu” trong thời bình, 10 năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc quán triệt, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10/10/2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo; tích cực tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lực lượng liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp khu vực biên giới chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nghiêm túc, quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả.

Nhớ lại trận mưa lớn bất thường vào cuối năm 2023, ông Nguyễn Hồng Doan ở thôn 5, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam xúc động chia sẻ: “Trận mưa bất ngờ đã gây sạt lở nặng ở rất nhiều điểm, hơn 500 hộ dân tại xã Trà Bui bị cô lập hoàn toàn do giao thông bị chia cắt. May nhờ có các lực lượng, nhất là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng hỗ trợ nên đời sống người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ cũng dần ổn định. Hậu quả sạt lở được khắc phục để người dân yên tâm sản xuất, sinh sống. May mắn là trận mưa không gây thiệt hại về người”.

 Đồn Biên phòng Cù lao Chàm (Quảng Nam) kịp thời hỗ trợ, cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển. (Ảnh: Hồng Anh).

Nêu cao tinh thần chủ động, tích cực và bám sát diễn biễn tình hình thiên tai, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã đóng vai trò nòng cốt trong thành lập 217 tổ tự quản an ninh trật tự với gần 14 ngàn thành viên; xây dựng 81 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển có 955 tàu thuyền gồm 4.531 thuyền viên; xây dựng 15 bến bãi tự quản gồm 1.716 thành viên. Những năm qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã huy động hơn 13 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng phòng, chống bão; điều động gần 1.500 đợt gồm hơn 8.600 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão; vận động ủng hộ hơn 3 tỷ đồng, 90 tấn lương thực, thực phẩm cho nhân dân; đưa 2.590 người gồm 190 nhà và 2.180 phương tiện được di dời đến nơi an toàn; huy động 1.036 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy 210ha diện tích rừng;…

Đặc biệt, trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở núi, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong nội địa gồm 4 vụ sạt lở xảy ra tại hai xã Trà Vân, Trà Leng (huyện Nam Trà my); xã Phước lộc (huyện Phước sơn) và huyện Tây Giang. Trước tình hình trên Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập 3 phân đội 54 đồng chí, 3 chó nghiệp vụ, 10 phương tiện ô tô tham gia tìm kiếm cứu nạn; vận động các doanh nghiệp hỗ trợ vật tư, lương thực, thực phẩm... tổng trị giá tiền hơn 6 tỷ đồng tặng quà cho nhân dân ở khu vực biên giới, đồng bào bị lũ lụt, sạt lở đất ở huyện Nam Trà My, Phước Sơn và Tây Giang. Những con số này đã phần nào cho thấy sự đóng góp quan trọng của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn tại địa phương.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam phối hợp với tỉnh Sê Kông (Lào) tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai - cứu hộ, cứu nạn xử lý tình huống mưa lũ, sạt lở đất khu vực biên giới. (Ảnh: Huỳnh Chín).

Song song với đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia diễn tập phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn. Điển hình là diễn tập phòng cháy và chữa cháy tại cảng Chu Lai Trường Hải; diễn tập ứng phó sự cố tai nạn tàu thuyền trong vùng nước cảng biển do Cục Hàng hải tổ chức tại cảng Chu Lai, Trường Hải năm 2019; diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn giữa huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam với huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Koong, Lào năm 2023; diễn tập tác chiến phòng thủ với các huyện Tây Giang, Nam Giang, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Hội An, Tam Kỳ;… Đây là cơ sở quan trọng giúp các lực lượng và người dân thực hiện tố phương châm “4 tại chỗ”; chủ động trong phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn.

Theo đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, 10 năm qua, trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh, khó khăn đặc thù thực hiện nhiệm vụ nhưng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn. Kết quả đạt được không đơn thuần là giảm thiểu hậu quả, thiệt hại mà còn trực tiếp tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, người lính “quân hàm xanh” đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và mọi cán bộ, chiến sĩ đối với công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn, cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục kiện toàn các chương trình, kế hoạch của nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, tăng cường tổ chức diễn tập giả định theo tình huống cụ thể ở từng cấp độ, từng khu vực nâng cao kỹ năng phối hợp, chỉ huy, tổ chức thực hiện; chú trọng bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện; tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn theo hướng chủ động, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn về người và phương tiện./.

Nguyễn Dinh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN