Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cà Mau nuôi tôm theo hướng phát triển bền vững

Thứ Sáu, 05/07/2024 10:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi thuỷ sản là hơn 300.000 ha, trong đó phần lớn là diện tích nuôi tôm. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, chính vì vậy bắt buộc các mô hình nuôi thuỷ sản nói chung và nuôi tôm nói riêng phải có sự thay đổi, thích nghi để phát triển bền vững.

 Chăm sóc tôm ở Cà Mau. (Ảnh: baocamau.vn)

Cà Mau cũng khẳng định thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu tôm với kim ngạch khoảng 1 tỷ USD/năm. Cũng nhờ con tôm đã giúp nhiều hộ dân vươn lên khá giả, nhiều vùng quê khởi sắc, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển…, Ở Cà Mau, có thể thấy tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh (8 huyện và 1 thành phố) đều có người dân nuôi tôm với nhiều mô hình khác nhau như: tôm công nghiệp, tôm rừng, tôm lúa… 

Việc đa dạng các mô hình nuôi tôm đã giúp tỉnh Cà Mau ổn định sản lượng tôm nuôi khoảng 150.000 - 170.000 tấn/năm, cung ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình hạn mặn gay gắt, diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu đã diễn ra phức tạp, Cà Mau là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất. Chính vì vậy, để phát triển bền vững về nuôi và xuất khẩu thủy sản, tỉnh Cà Mau đã phải tìm hướng đi mới phù hợp với điều kiện hiện nay. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Cà Mau đã xác định 3 cây (lúa, chuối, keo lai) và 3 con (tôm sinh thái, cá bổi và cua) để tập trung đầu tư phát triển. Trong đó, tôm sinh thái của Cà Mau được nuôi theo phương thức không cho ăn, không sử dụng thuốc… chủ yếu tôm phát triển nhờ thức ăn tự nhiên dưới tán rừng cây đước, mắm. Vì vậy, đảm bảo tôm sạch. Nhờ đó, tôm sinh thái được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, châu Âu… rất chuộng. Tuy nhiên, sản lượng tôm còn ít, không đủ cung cấp.

Hiện tỉnh Cà Mau có trên 67.500 ha rừng ngập mặn, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm. Hiện đã có khoảng 33.665ha nuôi tôm dưới tán rừng và tỉnh đang hướng đến thành lập “vùng bờ biển sinh thái”, để vừa sản xuất tôm có giá trị kinh tế cao vừa bảo vệ chống nước biển dâng và các cơn bão mạnh. Trước tác động của biến đổi khí hậu, việc nuôi tôm kết hợp trong rừng ngập mặn là một ví dụ điển hình về thích ứng dựa trên hệ sinh thái.

Cũng trong những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Cà Mau đã đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi kết hợp một số loài thuỷ sản có giá trị trong vuông tôm của mình để tăng thu nhập, như nuôi tôm với canh tác lúa, nuôi tôm và nuôi sò huyết.v.v…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, diện tích nuôi sò huyết trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 9.616,66 ha, tổng sản lượng trên 9.600 tấn/năm. Một số xã thuộc huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi... đã đẩy mạnh thực hiện mô hình này.

Nuôi sò huyết công chăm sóc rất ít. Người nông dân tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong vuông tôm, chỉ thả 6 tháng sò có thể đạt trọng lượng từ 70-100 con/kg. Ngoài ra, khi nuôi kết hợp nhiều loài thuỷ sản trong cùng diện tích sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với độc canh con tôm.

Một mô hình nữa cũng được nông dân Cà Mau đang sản xuất và đạt hiệu quả cao, là nuôi tôm dưới tán rừng. Ðến nay, tỉnh có khoảng 39.500 ha nuôi tôm dưới tán rừng, tập trung ở các huyện: Ngọc Hiển (22.870 ha), Năm Căn (7.625 ha), Ðầm Dơi (5.000 ha) và Phú Tân (4.000 ha); trong đó có khoảng 19.000 ha, của gần 4.200 hộ, tôm đạt các chứng nhận quốc tế. Theo các hộ nuôi tôm mô hình này cho hay, dù năng suất không cao như những mô hình nuôi khác nhưng tỷ lệ rủi ro thấp, chi phí đầu tư ít, chất lượng tôm nuôi cao và ổn định. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương, nên thời gian qua có tác động tích cực tới nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian tới, ngành đang rà soát một số mô hình để triển khai theo hướng mới. Các mô hình hiện tại không mới nhưng cần có cách thức mới để thuận thiên và hiệu quả hơn. Cần phải ứng dụng thêm công nghệ, các chế phẩm sinh học... Ðể duy trì và lan toả mô hình hiệu quả cần có sự đầu tư hơn nữa về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh sản phẩm của địa phương. Các hộ nông dân cũng cần chủ động thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ khuyến cáo từ các đơn vị chức năng, nhất là về chuyển đổi giống, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ.

 Theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, trong định hướng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh này đến năm 2030, vẫn xác định con tôm là thế mạnh kinh tế của tỉnh. Cùng với tôm sinh thái là việc phát triển các mô hình tôm siêu thâm canh, nuôi tôm công nghiệp tập trung, đẩy mạnh nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa… Mục tiêu là tăng năng suất, tăng chất lượng, sản lượng và nâng cao giá trị con tôm. Từ đó giúp người dân làm giàu nhờ tôm nuôi, còn doanh nghiệp chế biến thủy sản có đủ nguyên liệu để chế biến, đưa sản phẩm tôm của Cà Mau vươn xa trên thế giới./..

Bảo Châu (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN