Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Đó là liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics và liên kết công nghệ thông tin…
Nông dân ĐBSCL thu hoạch xoài. (Ảnh: Báo Cần Thơ) |
Có thế nói Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở khu vực này đang đứng trước thách thức và cơ hội rất lớn để chuyển đổi mở rộng quy mô cơ cấu, gia nhập thị trường, hội nhập sâu rộng với quốc tế. Cũng theo các chuyên gia, liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ở khu vực này hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, lỏng lẻo do chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa các bên liên quan; tác động của biến đổi khí hậu; cạnh tranh ngày càng gay gắt... Từ thực tế đó, vấn đề tìm ra các giải pháp để sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của vùng thích ứng với bối cảnh mới, gia tăng lợi thế cạnh tranh là yêu cầu cấp bách.
Chính vì vậy, việc xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ cần được đẩy mạnh, không chỉ ở các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, mà cần có những doanh nghiệp lớn. Việc liên kết giữa nông dân, ngư dân với các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến và cơ sở kinh doanh trong xây dựng chuỗi cần phải có sự ràng buộc chặt chẽ hoặc tạo thành mối liên kết bền vững, gắn kết hơn nữa, đảm bảo lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan với nhau…
Theo PGS.TS Lý Nguyễn Bình, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ, trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thực phẩm đã trở thành một yếu tố không thể thiếu để tối ưu hóa quá trình sản xuất và chế biến nông sản, phục vụ cho việc nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần cho tiêu thụ và xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường liên kết. Chính việc liên kết vùng hiệu quả sẽ đồng thời tạo nên các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm sản lượng và chất lượng nông sản, nhất là đối với các loại trái cây có thế mạnh của từng địa phương. Nông sản nhờ đó sẽ được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho các vùng lúa, rau, cây ăn trái, dừa, vùng nuôi tôm, cá trọng điểm…, từ đó đưa Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao.
Mới đây, việc xúc tiến thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ được coi là động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Cần Thơ, dự án Trung tâm liên kết xây dựng tại Cần Thơ có diện tích 250 ha, được chia thành hai khu (Khu 1 rộng 50 ha tại quận Bình Thủy, Khu 2 rộng 200 ha tại huyện Cờ Đỏ) với 10 chức năng hoạt động. Trung tâm liên kết được xác định sẽ trở thành “Một điểm đến, đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, theo các chuyên gia, nông sản cần đáp ứng các yêu cầu của khu vực nhập khẩu, doanh nghiệp cần phải chủ động nắm bắt, cập nhật và có kế hoạch thích ứng với các quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt là các quy định liên quan tới kiểm soát toàn chuỗi và truy xuất nguồn gốc. Khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường; nghiên cứu và ứng dụng vào quá trình sản xuất các tiêu chuẩn kỹ thuật như ISO, 5S, JIT… nhằm chuẩn hóa đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu.
Đồng thời, các nhà cung cấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải luôn duy trì ổn định chất lượng hàng hóa, liên tục cập nhật những hệ thống chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật hiện đại tiên tiến trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp cận các quy trình nuôi trồng, xử lý sau thu hoạch ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhằm tăng giá trị hàng nông sản của Vùng; thực hiện các chương trình quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, uy tín ra các thị trường trong và ngoài nước để thúc đẩy hàng nông nghiệp Vùng nói riêng và của Việt Nam nói chung vươn ra thị trường thế giới./..