Khu thương mại tự do - Động lực mới cho Đà Nẵng phát triển
(ĐCSVN) – Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó, lần đầu tiên trên cả nước, Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do. Điều này được kỳ vọng là sẽ tạo động lực lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng phát triển.
TP Đà Nẵng sẽ dành tổng diện tích 600-700ha để xây dựng khu thương mại tự do phân tán kết hợp với các công trình đầu mối hạ tầng |
Ngay sau khi Kỳ họp Quốc hội khóa XV, báo cáo trước cử trị TP Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng khẳng định, việc Quốc hội cho phép TP Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là “cú hích”, động lực lớn để kinh tế TP Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển.
Trước đó, phát biểu tại nghị trường của Quốc hội hôm 31/5, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, chính sách thí điểm khu thương mại tự do mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam. “Chúng tôi nhận thấy có thể có rủi ro nhưng vẫn chấp nhận làm. Nếu thành công sẽ là nền tảng nhân rộng cả nước, còn rủi ro thì Thành phố gánh chịu”- đồng chí Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Ở góc độ quản lý chuyên ngành, trao đổi với chúng tôi, nhiều tư lệnh ngành tại Đà Nẵng cũng bày tỏ sự tin tưởng, nếu Khu thương mại tự do Đà Nẵng được triển khai, sẽ là cơ hội để Đà Nẵng đột phá phát triển. Theo đồng chí Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, việc cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế. “Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng mà Quốc hội vừa thông qua mang tính chất đặc thù, vượt trội để khắc phục hạn chế cũng như điểm nghẽn khi thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14. Qua đó, sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, thúc đẩy, tạo xung lực mới để phát triển TP Đà Nẵng, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng”- Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: “Việc Trung ương cho thí điểm thành lập Khu thương mại tự do theo đề xuất của Đà Nẵng là một trong những điểm mới. Ở Việt Nam, chưa có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về mô hình khu thương mại tự do, song đã có khoảng 150 nước trên thế giới thực hiện mô hình này và họ thường xuyên có những cơ chế, chính sách để tạo sự cạnh tranh nhằm khai thác tốt mô hình. Qua nghiên cứu tại nhiều mô hình thành công trên thế giới, TP Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất và được Chính phủ cũng như các bộ, ngành ủng hộ thí điểm thành lập Khu thương mại tự do nhằm phát huy, khai thác hết tiềm năng từ điều kiện, vị trí địa lý và tự nhiên đến con người của TP”.
Với việc cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do sẽ giúp TP Đà Nẵng khơi thông các nguồn lực, từ đó có tác động tích cực đối với sự phát triển trong thời gian tới |
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Khu thương mại tự do là nền tảng ban đầu, từ đó có cơ sở thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để các địa phương khác có thể áp dụng, dần hình thành khu thương mại tự do phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở Việt Nam. Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước; đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của Thành phố.
Trong khi đó, theo đồng chí Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, mô hình khu thương mại tự do được thực hiện rất thành công ở các nước, trong đó có những nước gần chúng ta như: Trung Quốc, các nước Ả Rập. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì chưa có khung pháp lý để thực hiện mô hình này. Do vậy, với việc Quốc hội cho phép thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng, TP Đà Nẵng chính thức trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình, qua đó sẽ tạo động lực phát triển đột phá cho Đà Nẵng.
“Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng được định hướng xây dựng 3 khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất; logistics; thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế. Đặc biệt, mô hình Khu thương mại tự do của Đà Nẵng không được quy hoạch riêng thành một khu có hàng rào ngăn cách vì Thành phố không có nhiều quỹ đất, Thành phố sẽ dành tổng diện tích 600-700ha để xây dựng khu thương mại tự do phân tán kết hợp với các công trình đầu mối hạ tầng. Chẳng hạn, khu logistics sẽ tập trung ở cảng biển Liên Chiểu. Việc chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch cũng được định hướng thành một phần khu thương mại tự do...”- Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết và thông tin thêm: Đối với khu sản xuất thì Thành phố sẽ mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với diện tích đủ lớn và 2 cụm công nghiệp Hòa Ninh và Hòa Nhơn. Mô hình khu thương mại tự do là định hướng để thành phố thoát ra khỏi “chiếc áo chật chội” và “vượt vũ môn”, nên Thành phố quyết tâm thực hiện thí điểm.
Thí điểm Khu thương mại tự do sẽ góp phần thể chế hóa chủ trương, định hướng phát triển kinh tế TP Đà Nẵng của Bộ Chính trị về “hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng” |
Đồng tình với các nhận định trên, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho rằng, mô hình Khu thương mại tự do thí điểm sẽ giúp Đà Nẵng làm đầu tàu kinh tế.
“Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng là vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, đồng thời là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây..., TP Đà Nẵng hoàn toàn có thể thiết lập được Khu thương mại tự do. Tại đây, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hóa đến, tổ chức sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu đến nước khác hoặc sau đó mới đưa vào nội địa Việt Nam, đây là một thuận lợi lớn đối với TP Đà Nẵng. Cùng với đó, Khu thương mại tự do Đà Nẵng khi được triển khai sẽ giúp Thành phố đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại; đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại của Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…), góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên”- Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng nhận định.
Bên cạnh nhận định trên, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng cho rằng, việc có một Khu thương mại tự do sẽ làm gia tăng danh tiếng về môi trường kinh doanh của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Khu thương mại tự do với các dịch vụ đẳng cấp sẽ tạo thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn du khách quốc tế; tạo ra việc làm mới, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm và tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương và các vùng lân cận; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở Đà Nẵng và các địa phương khác do hiệu ứng lan tỏa mang lại.
Trên cơ sở những nhận định đó, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho rằng, một khi Khu thương mại tự do Đà Nẵng ra đời, nó sẽ gắn với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng sẽ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhằm thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không. Cạnh đó, Khu thương mại tự do cũng sẽ kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn...
Mô hình Khu thương mại tự do thí điểm sẽ giúp TP Đà Nẵng làm đầu tàu kinh tế cho cả khu vực |
Theo Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, với việc cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do sẽ giúp Thành phố khơi thông các nguồn lực, từ đó có tác động hết sức mạnh mẽ, tích cực đối với sự phát triển trong thời gian đến của ngành công thương Thành phố nói riêng và kinh tế - xã hội Thành phố nói chung.
Cụ thể, với chính sách về quản lý đầu tư đối với cụm công nghiệp, Sở công thương là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất. UBND Thành phố sẽ quy định cơ chế tài chính, thẩm quyền xác định và quyết định giá cho thuê, đối tượng cho thuê phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn Thành phố. Chính sách này tạo điều kiện để Thành phố đưa vào quản lý, vận hành khai thác các cụm công nghiệp đã được đầu tư công nhằm tạo quỹ đất để di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị giải tỏa theo quy hoạch của Thành phố, các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, góp phần giải quyết bức xúc lâu nay của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ về nhu cầu mặt bằng để sản xuất; tạo điều kiện ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Một chính sách khác là cho phép Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với việc xây dựng các hạng mục, công trình hình thành trung tâm logistics. Chính sách này góp phần thể chế hóa chủ trương, định hướng phát triển kinh tế TP Đà Nẵng của Bộ Chính trị về “hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng” và “phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo” tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị; tạo điều kiện để TP Đà Nẵng có cơ hội huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng logistics nói riêng, đồng thời phát triển các loại hình dịch vụ logistics với vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển thương mại và xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ, phù hợp với định hướng quy hoạch và quy mô kinh tế của TP./.